Trên đường vào Huế
Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường từ sớm tinh mơ. Trời mưa tầm mưa tã khi chúng tôi đi qua Hà Tĩnh, vẫn gặp đồng bào đứng chờ tin tức hai bên bến phà Ròn. Sáng 29-8, xe chúng tôi đến bến phà Mỹ Chánh, đồng bào đã kết đò lại thành cầu phao cho xe qua. Ra đón chúng tôi trên bến phà, đồng chí Tố Hữu - Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - rơm rớm nước mắt nói to: Đồng bào ơi, đây là phái đoàn của Chính phủ chúng ta. Chính phủ này thật sự là của chúng ta!. Trưa hôm đó đến thành phố Huế, chúng tôi đi thẳng vào sân vận động Chợ Cống. Tại đây, đồng bào Huế nghe tin đã tập trung lại chờ đón phái đoàn suốt từ ngày 28-8. Cả sân vận động cảm động, náo nức hô vang khẩu hiệu Việt Nam độc lập. Chúng tôi được các nữ đại biểu lên tặng hoa tươi.
Thế rồi lần đầu tiên trong lịch sử, có những người không phải là vua bước vào thành Huế qua cổng Ngọ Môn. Đến bên lầu Kiến Trung, ông Phạm Khắc Hòe, đổng lý ngự tiền của triều đình, dẫn chúng tôi đi lên các bậc thang đến gặp Bảo Đại đang chờ trên lầu (di tích này nay không còn). Đồng chí Liệu nói ngay: Chính phủ lâm thời hoan nghênh nhà vua thoái vị. Sau giây lát, Bảo Đại nói: Tôi rất sung sướng được gặp phái đoàn Chính phủ lâm thời. 20 năm làm vua, tôi những ngậm đắng nuốt cay, có những việc muốn làm cho dân mà người ta không cho làm. Rồi Bảo Đại hẹn 3 giờ chiều ngày hôm sau sẽ làm lễ thoái vị. Trước đó, ông Hòe đã nói riêng với phái đoàn rằng nhà vua có 3 đề nghị với Chính phủ lâm thời. Đó là xin Chính phủ lâm thời cho phép những người trong hoàng tộc tùy thức được tham gia vào công cuộc cứu nước; cho phép các quan lại trong triều đình cũ tùy lòng tùy sức cũng được tham gia công cuộc giành độc lập; xin cách mạng xử lý đối với lăng miếu của triều Nguyễn cho có sự thể.
Kiếm của nhà vua hoen rỉ hết rồi!
Chiều 30-8-1945, phái đoàn Chính phủ lâm thời cùng đại biểu Ủy ban Cách mạng Thừa Thiên đi thẳng xe vào cổng Ngọ Môn để tiếp nhận sự thoái vị của hoàng đế cuối cùng trong chế độ phong kiến Việt Nam. Xe chúng tôi đến đã thấy khoảng 5 vạn đồng bào từ nội và ngoại thành Huế tề tựu đông đủ chờ chứng kiến phút giây lịch sử. Đúng 3 giờ chiều hôm ấy, vị hoàng đế cuối cùng vận hoàng bào lần cuối cùng với áo vàng thêu rồng, đầu đóng khăn vàng, chân đi hài cườm bước ra chuẩn bị nghi thức của một lễ thoái vị. Theo đề nghị của Bảo Đại, lá cờ vàng của triều Nguyễn được kéo lên lần cuối trên cột cờ thành Huế. Tiếp đó, Bảo Đại đọc tuyên bố thoái vị một cách cảm động. Lời văn khá hay nhưng đôi chỗ đọc bập bẹ không rõ. Có lẽ nguyên do là vì giờ phút trọng đại của lịch sử. Còn một lý do khác nữa là hằng ngày Bảo Đại đều dùng tiếng Pháp, ngay cả với mẹ đẻ, ông cũng dùng ngôn ngữ này rồi có người thông ngôn lại. Dư âm của chế độ phong kiến lắng lại thoáng chốc như cảnh chợ chiều đìu hiu khi lá cờ vàng từ từ được hạ xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong tiếng vỗ tay hò reo như sấm dậy của 5 vạn đồng bào. Thay mặt Chính phủ lâm thời, đồng chí Trần Huy Liệu đọc tuyên bố chấp nhận sự thoái vị và nhận ấn kiếm từ tay Bảo Đại. Chiếc ấn bằng vàng, nặng hơn 8kg được đúc từ thời Minh Mạng. Đồng chí Liệu phải gồng sức khi nhận ấn vì không ngờ lại nặng đến thế. Nhận kiếm từ tay Bảo Đại, đồng chí Liệu trao kiếm cho tôi. Vỏ kiếm được đúc bằng vàng, có dát ngọc nhưng khi rút kiếm ra tôi thấy lưỡi kiếm đã bị hoen rỉ. Tôi thốt lên: Thưa đồng bào, kiếm của nhà vua hoen rỉ hết rồi!. Đồng bào cười ồ lên. Thoáng chút ngỡ ngàng cho Bảo Đại. Sau đó, Bảo Đại nói: Bây giờ tôi sung sướng được làm dân của một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước bị đô hộ. Xin Chính phủ lâm thời cho tôi một vật làm kỷ niệm giờ phút long trọng này. Không ai trong chúng tôi nghĩ đến tình huống này nhưng ngay sau đó, tôi đã đề nghị với đồng chí Liệu lấy huy hiệu thêu cờ đỏ sao vàng trên ngực tôi gắn cho Bảo Đại (đây là huy hiệu do các chị ở Ủy ban Cách mạng Thừa Thiên thêu để gắn lên ngực mỗi thành viên phái đoàn). Gắn xong huy hiệu lên ngực Bảo Đại, đồng chí Liệu nói: Thưa đồng bào, Chính phủ lâm thời đã gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng cho nhà vua. Đề nghị đồng bào hoan nghênh người công dân Vĩnh Thụy. Tiếng hô hoan nghênh, hoan nghênh vang dội trong khi Bảo Đại rất cảm động. Sau đó, đồng bào theo các lối qua cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ, cầu Tràng Tiền chia đi nhiều ngả. Sáng 31-8, Bác Hồ giao cho đồng chí Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Lao động) kiểm kê tài sản của Bảo Đại và tài sản của triều đình. Số tài sản của Bảo Đại được đem đến An Đình cung, tài sản của triều đình thì niêm phong lại và giao cho Ủy ban Cách mạng Thừa Thiên quản lý. Đồng chí Hiến còn được Người giao trọng trách đến thăm và tặng một số tiền Đông Dương cho hai bà hoàng của triều Nguyễn (thời vua Thành Thái và vua Duy Tân) tạm dùng trong những ngày chính biến.
Bình luận (0)