Ngôi nhà ngói xập xệ nằm nghiêng nghiêng góc đồi tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang vốn chìm trong đau khổ, im lặng chiều qua 20-12 đã thay đổi sau 10 năm dài.
Tôi không tin nổi vì đã bị lừa quá nhiều lần
Đó là nhà ông Hàn Đức Long (57 tuổi, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), người từng 4 lần bị tuyên án tử hình về các tội giết người, hiếp dâm trẻ em.
Ngồi tù quá lâu, tuổi cao, sức yếu lại trong sự xúc động mạnh, huyết áp ông liên tục lên cao. Ông vừa nói vừa lấy hơi, thi thoảng ngồi thở rồi người nhà lại động viên nằm lên giường nghỉ ngơi.
Ông Long cũng cho biết do bị giam cầm lâu ngày nên hiện sức khỏe kém, huyết áp cao, đi lại khó khăn, đau xương cột sống lưng, các khớp đau...
Chiều qua 20-12 đối với ông là một buổi chiều đặc biệt nhất trong đời. Khoảng 16 giờ chiều, khi ông đang ở tại trại giam T16 của Bộ Công an thì bất ngờ được cán bộ trại giam vào thông báo thu dọn hành lý. “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ mình lại sắp phải chuyển trại giam. Tuy nhiên khi ra tới bên ngoài, tôi mới nhận được thông tin mình được thả. Tôi không tin nổi vì tôi bị lừa quá nhiều lần rồi”- ông giãi bày.
Trả lời câu hỏi lúc đó ông nghĩ tới điều gì, ông Hàn Đức Long rưng rưng: “Tôi nghĩ tới gia đình, tới bố mẹ, vợ con, gia đình tôi. Tôi chỉ muốn được về nhà, càng nhanh càng tốt”.
Hoàn tất các thủ tục, ông được cán bộ VKSND tỉnh Bắc Giang, cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang đưa về trụ sở UBND xã Phúc Sơn rồi được về thẳng nhà.
Mẹ con ôm nhau khóc kêu oan trong vô vọng
Bao giờ cũng vậy, đằng sau mỗi án oan, có một người chồng hoặc người vợ cũng bị “cầm tù” bởi sự đau khổ, tuyệt vọng. Bà Nguyễn Thị Mai (46 tuổi, vợ ông Hàn Đức Long) cũng không khác mấy so với những người phụ nữ khác như vợ ông Nguyễn Thanh Chấn- cũng ngồi tù oan sau 10 năm.
Chồng bị bắt giam, một mình bà chăm hai con mới hơn 15 tuổi. Một mình bà làm lụng vất vả nuôi con, vay mượn khắp nơi để đi tìm công lý cho chồng.
Kêu oan cho chồng, trong nhà lại không có tiền bạc, hàng xóm không ai dám cho vay, bà Mai cùng con trai út bỏ quê lên Hà Nội làm phụ hồ.
Đã không có sức khoẻ, lại làm công việc nặng nhọc, có lúc đôi chân khuỵ xuống nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng, miễn sao có tiền để kêu oan cho chồng. Cứ mỗi lần được chủ ứng tiền, bà lại xin nghỉ, bắt xe buýt sang Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao gửi đơn kêu oan.
Có hôm đi thuê gõ xong đơn, phô tô, đi gửi xong thì túi cũng hết nhẵn, bà nhịn đói lóc cóc đi bộ cả chục cây số. Về nhà, chứng kiến cảnh con trai út gầy gò ngã dúi dụi vì vác bao xi măng, hai mẹ con ôm nhau khóc. “Suốt cả một thời gian dài đằng đẵng, ban ngày đi gửi đơn ban đêm về tôi lại nằm khóc. Cứ quay lưng vào tường, cắn chặt răng để nước mắt rơi vì sợ con nhỏ nó biết”- bà Mai trải lòng.
Khoảng 17 giờ tối 20-12, sau bữa cơm tối, bà Mai ngồi ru cháu ngủ. Thấy có người gọi cổng liên tục, bà chạy ra xem, không tin nổi vào mắt mình khi thấy chồng đang đứng trước mặt. Sau vài phút bình tĩnh, bà chỉ biết ôm ông khóc trong niềm hạnh phúc bất ngờ.
Bà cuống cuồng gọi mọi người về, ai cũng hét lên sung sướng, quá đỗi bất ngờ vì trước đó không ai nghe được bất kỳ thông báo nào.
Mừng mừng tủi tủi, suốt đêm cả gia đình ông không ngủ vì quá hạnh phúc. Bà vẫn chưa tin việc chồng trở về là sự thật. Thỉnh thoảng, bà lại đưa tay sờ sờ, nắn nắn vai chồng để tin đây không phải là một giấc mơ.
Bức ảnh cưới ghép bố bằng photoshop
Bà cho xem bức ảnh cả gia đình khi 2 con cưới vợ, gả chồng. “Không có chồng ở nhà, những lúc gia đình có việc tôi tủi thân khủng khiếp. Tôi phải ghép ảnh chồng tôi vào ảnh cưới cho các cháu đỡ tủi thân”.
Đã thế, cả gia đình mang tiếng với dân làng vì có chồng, có bố phạm tội tày đình. Nhiều đêm ngôi nhà bị ném đá liên tục. Tôi đã mượn nhiều sổ đỏ của người thân để vay tiền nên bây giờ gia đình nợ rất nhiều tiền. Tôi cũng không nhớ là nợ bao nhiêu".
Bây giờ, với bà, ông được trở về là điều quan trọng nhất. “Tôi chưa nghĩ gì cả, chỉ cần biết là ông ấy đã ở nhà. Làm sao lo sức khoẻ cho ông ấy tốt lên, còn mọi chuyện tính sau”- bà chia sẻ như vậy và lại tất tả mang cơm, động viên người chồng tưởng vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.
Ông Hàn Đức Long bưng bát cơm, ánh mắt xa xăm không giấu khỏi xúc động. Thỉnh thoảng ông nhìn mọi người, đáp lại những lời thăm hỏi, động viên. Sự tự do là vô giá, nhưng để được trở về ngôi nhà của mình, và cái giá được tự do đối với ông và gia đình dường như là quá đắt.
Cần sớm công khai xin lỗi, bồi thường cho ông Hàn Đức Long
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Luật sư Ngô Ngọc Trai (người tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông Long) cho biết, ông Hàn Đức Long sau nhiều năm sống trong phòng giam nên giờ thể trạng rất đau yếu, gia đình chịu nhiều nỗi cơ cực, vất vả, cay đắng. "Tới đây, ông Long cần được các ban ngành công khai xin lỗi, bồi thường. Quá trình chúng tôi tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông Long thì cũng gặp nhiều khó khăn, đôi khi các cơ quan tố tụng thiếu hợp tác…”- Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết.
Bản thân ông Long cũng mong muốn mình sớm được công khai xin lỗi, bồi thường, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, sai đến đâu thì xử lý đến đó…
Bình luận (0)