Sáng 8-7, kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 14, khóa VIII đã được khai mạc. Các đại biểu (ĐB) đã nghe lãnh đạo UBND TP báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cũng như giải pháp đề ra cho 6 tháng cuối năm; kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TP về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn. Ngoài ra, UBND TP cũng xin ý kiến về tờ trình điều chỉnh chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã và bảo vệ dân phố.
Dự án “treo” bị thu hồi quá ít
Với báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín về Nghị quyết 16, ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng chính quyền TP đã quan tâm rà soát quy hoạch, đề ra những biện pháp giải quyết tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn hạn chế, có nơi quy hoạch kéo dài dẫn đến việc người dân không được phép chuyển mục đích sử dụng đất. “Nhà dân nằm trong các khu quy hoạch kéo dài nhiều năm không được mua bán, chuyển nhượng; nhiều khu đất nằm trong khu quy hoạch bị bỏ trống, gây lãng phí” - ông Hải nói. Ông Hải đề nghị chính quyền TP cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh giải quyết những tồn tại trên.
Các đại biểu biểu quyết thông qua tờ trình trong ngày họp đầu tiên HĐND TP HCM. Ảnh: QUANG LIÊM
Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Trương Thị Ánh cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại qua kết quả giám sát của HĐND TP. Theo đó, đến nay, TP vẫn chưa có giải pháp nào để gắn trách nhiệm, buộc nhà đầu tư phải thực hiện hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho người dân có cuộc sống tốt hơn, nhất là tại các dự án khu dân cư mới. Đáng lưu ý, số lượng các dự án được thu hồi, hủy bỏ vẫn còn thấp, chiếm 42,2% so với tổng dự án được rà soát, nhất là đối với các dự án có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Trước thực trạng này, Thường trực HĐND TP kiến nghị UBND TP đẩy mạnh việc công bố công khai các đồ án quy hoạch đô thị để người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin quy hoạch. Đối với những dự án chưa có kế hoạch thực hiện, đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở - ngành, UBND các quận - huyện xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp để họ an tâm và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Trước mắt, TP cần xem xét các dự án đã thu hồi nhưng hiện chưa có chủ đầu tư mới.
Đối tượng nghiện chỉ “ra” mà không “vô”
Chiều cùng ngày, tại các tổ thảo luận, các ĐB đã đặt ra hàng loạt vấn đề để trao đổi với lãnh đạo TP cùng các sở - ngành, trong đó nhiều đặc biệt quan tâm đến tình hình an ninh trật tự.
Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều ĐB về tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là sự manh động của đối tượng nghiện ma túy, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đã giải thích một số tồn tại của luật, nghị định dẫn đến chuyện “bỏ ngỏ” đối tượng này (Báo Người Lao Động đã có bài phản ánh trên số báo ra ngày 28 và 29-5). Ông Dũng cho biết hiện TP HCM đang quản lý khoảng 8.600 đối tượng nghiện tại các trung tâm, chưa kể 3.200 đối tượng nghiện đang được cộng đồng quản lý. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực vào tháng 1-2014, từ nay đến cuối năm, có 4.500 đối tượng nghiện đang cai ở các trung tâm trở về địa phương, trong khi đó lại không có đối tượng nghiện nào vào trường trại.
Lý giải sự bất hợp lý này, ông Dũng cho biết theo một số nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối tượng nghiện phải qua cai nghiện tại cộng đồng từ 3-6 tháng, nếu tái nghiện và bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm thì phải có quyết định của tòa án. Do đó, ông Dũng khẳng định từ nay đến cuối năm, đối tượng nghiện chỉ “ra” chứ không “vô” trường trại. Ông cũng khiến nhiều ĐB lo lắng khi cho biết số lượng đối tượng nghiện ngoài xã hội rất lớn, các địa phương cũng báo cáo tình hình nghiện ma túy có xu hướng tăng.
“Nhà tài trợ gửi thư phàn nàn”
Thẳng thẳn nhìn nhận hạn chế của chính quyền trong hiệu quả đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nói: “Có hạng mục công trình lẽ ra chỉ làm 2 tháng là xong nhưng lại kéo dài đến 4-5 tháng vì một nhà thầu thi công cùng lúc 3, 4 công trình”. Vì vậy, UBND TP đã yêu cầu giám đốc Sở Giao thông Vận tải đánh giá, tổng kết, nhất là khâu tổ chức giám sát thi công nhằm bảo đảm chất lượng công trình cũng như hiệu quả đầu tư ở mức độ cao nhất.
“Thời gian qua, khâu tổ chức thực hiện dự án vốn ODA nhiều nơi làm rất chậm. Thậm chí, vừa rồi có một số nhà tài trợ gửi thư cho tôi và các lãnh đạo TP phàn nàn về việc giải ngân chậm” - ông Tín cho biết. Theo ông Tín, hiện nay, TP HCM đang quản lý trên 10 dự án sử dụng vốn ODA, trong đó có các dự án lớn như Xây dựng đại lộ Đông Tây, Cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 2, Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2... với tổng vốn đã ký với nhà tài trợ vay gần 6 tỉ USD. Ông Tín cũng thừa nhận vừa qua có nhiều dự án đã làm xong các bước thủ tục nhưng khi triển khai lại bị chậm do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, chẳng hạn như dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017 nhưng đến giờ vẫn vướng mặt bằng ở quận 9, quận Thủ Đức. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nhằm giải ngân các dự án vốn ODA.
Ngày 9-7, kỳ họp tiếp tục với phần thảo luận để góp ý cho giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM.
Báo cáo chương trình Cambridge trước ngày 14-7
Một trong những vấn đề “nóng” được rất nhiều đại biểu quan tâm là việc Sở GD-ĐT TP HCM tiến hành triển khai đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp” khi chưa được UBND TP phê duyệt. “Tôi không hài lòng với báo cáo của Sở GĐ-ĐT. UBND TP đã có chỉ đạo dừng ngay chương trình tiếng Anh tích hợp và sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chương trình Cambridge nhưng tại kỳ họp lần này, không thấy giám đốc Sở GD-ĐT đề cập”- ĐB Đinh Phương Duy đặt vấn đề. Đây cũng là bức xúc chung của nhiều đại biểu tại các tổ thảo luận. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết hiện cơ quan này đã chỉ đạo các trường có thực hiện thí điểm chương trình Cambridge báo cáo trước ngày 14-7.
Đà Nẵng: Sẽ ra nghị quyết phản đối Trung Quốc
Phát biểu khai mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng lần thứ 10, khóa VIII, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ cho biết tình hình căng thẳng trên biển Đông gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là thương mại, du lịch của địa phương. Vì vậy, tại kỳ họp lần này, HĐND TP Đà Nẵng sẽ thảo luận, thông qua nghị quyết phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta. “Điều quan trọng nhất là hãy nói và làm để dân tin” - ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, khẳng định mối quan tâm lớn nhất hơn 2 tháng qua của cử tri nơi đây cũng chính là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển nước ta và huy động 1 lượng lớn tàu thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay, để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế; đồng thời đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. “Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhân dân tin tưởng và luôn mong muốn Đảng, nhà nước có nhiều biện pháp kiên quyết hơn, cụ thể hơn trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” - ông Hùng nói lên nguyện vọng của nhân dân TP Đà Nẵng. H.Dũng
Hà Nội: Vốn đầu tư nước ngoài tăng
“Tình hình biển Đông căng thẳng, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước và thủ đô Hà Nội” - bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội lần thứ 10, khóa XIV vào sáng 8-7. Theo bà Thanh, trong bối cảnh trên, TP Hà Nội đã chủ động khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đáng lưu ý, theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển nước ta có ảnh hưởng đến tâm lý của một số doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2014, vốn đầu tư nước ngoài của TP Hà Nội tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 560 triệu USD. Th.Dương
Bình luận (0)