Mới đây, một bản tin trên tạp chí nghiên cứu châu Á Asia Briefing cho biết trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá 9,6 tỉ đồng, dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, thì giới siêu giàu Việt Nam đã đặt mua đến…10 chiếc! Đặc biệt gần đây, cư dân mạng đã sốc trước thông tin túi xách cao cấp hiệu Hermes về Việt Nam với giá 1,6 tỉ đồng/chiếc đã được bán hết sạch trong chốc lát. Việc hàng loạt siêu xe trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Bugatti, Rolls Royce, Bentley, Maybach…, trong đó nhiều hãng đã mở đại lý phân phối, cho thấy thị trường Việt Nam trở thành thiên đường cho hàng xa xỉ. Hãng siêu xe Rolls Royce, Bentley đã mở chi nhánh đầu tiên của mình tại Hà Nội. Các dòng xe sang như Lexus (Toyota), Audi, BMW, Porsche cũng đã mở nhiều đại lý phân phối chính hãng tại các thành phố lớn trên cả nước.
Bên cạnh siêu xe, báo cáo năm 2015 do hãng nghiên cứu Knight Frank công bố cũng cho biết mãi lực hàng xa xỉ tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các loại mặt hàng túi xách cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuitton đều có mặt tại các trung tâm thương mại ở TP HCM và Hà Nội. Bên cạnh đó, hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại cũng đổ vào Việt Nam ào ạt. Chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao gấp đôi, gấp ba so với rượu trong nước nhưng rượu ngoại của Pháp, Ý, Chile, Nga đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước và được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng.
Rõ ràng, Việt Nam vẫn là một nước khó khăn, thu nhập trung bình của người dân thấp nhưng tình hình mua sắm không tương xứng. Đúng hơn là tiêu dùng xa xỉ rơi vào một bộ phận người đang giàu nhanh trong xã hội. Một khi đồng tiền kiếm được quá dễ, không bằng chất xám và mồ hôi nước mắt thì đương nhiên họ có khuynh hướng thích phóng tay chi xài, không phải cân nhắc, chắt chiu như những người kiếm tiền bằng lao động cật lực, chân chính.
Ngoài ra, yếu tố sĩ diện quyết định không nhỏ đến hành vi mua sắm. Trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều cá nhân luôn muốn phải nổi trội hơn người khác bằng cách sở hữu các vật dụng đắt tiền. Trong làm ăn cũng vậy, tâm lý phải xe sang, hàng hiệu thì mới “nói chuyện” được với đối tác là khá phổ biến trong xã hội.
Xài sang, chi bạo thật ra không đáng trách bởi đó là quyền cá nhân nhưng nó gây phản cảm trong một xã hội mà đa số người dân còn nghèo. Trong khi sự phân hóa giàu - nghèo ở Việt Nam đã ngày càng lớn thì hành vi xài sang lại khoét sâu khoảng cách này. Ở mức độ nào đó, nó gây nên sự ghen tị không cần thiết ở những người thu nhập thấp và còn có thể gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội, làm gương… xấu cho lớp trẻ.
Bình luận (0)