Một trong những điểm nóng về tình trạng lò gạch ngày đêm nhả khói mù mịt, gây ảnh hưởng đến môi trường là xã An Hòa, TP Biên Hòa. Nhiều lần người dân phản ánh nhưng chính quyền vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Đặc quánh khói bụi
Khu vực tập trung nhiều lò gạch nhất là ở ấp 1 và ấp 3, xã An Hòa. Qua chuyến thực tế tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng loạt lò gạch với quy mô khá đồ sộ, nằm xen kẽ giữa các nhà dân. Thậm chí, có những lò gạch nằm cách nhà dân từ 5-10 m, ngày đêm xả khói, bụi. Đến khu vực này, xộc vào mũi là mùi khói lò đặc trưng tỏa khắp nơi; cùng với đó, bụi đất bám đầy cây lá, nhà cửa, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong khu vực giáp ranh giữa hai ấp 1 và 3 đã có khoảng 15 lò gạch, hầu hết đều nổi lửa, thợ lò và các nhân viên làm việc tấp nập. Các lò gạch đều là của các doanh nghiệp tư nhân, mỗi lò cùng với khu nhà xưởng cũng chiếm hàng ngàn mét vuông, để ngập tràn các loại gạch thành phẩm, đất bùn nguyên liệu, các loại than củi để đốt.
Xung quanh, các con đường dẫn vào lò, cũng là đường dân sinh, bám đầy bụi đất và xuống cấp, hư hại vì các loại xe tải chở vật liệu liên tục vào ra. Có khu vực, hàng chục nhà dân bị bao vây, xen kẽ, lẩn vào giữa những lò gạch ngày đêm hoạt động, tung bụi mù và cuồn cuộn khói.
Các lò gạch này tồn tại từ nhiều năm nay, trước đây là kế sinh nhai của người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện chúng tồn tại dưới hình thức của doanh nghiệp. Gần đây, những ông chủ doanh nghiệp này đã nhận được quy định mới của Chính phủ về việc dẹp bỏ tất cả lò gạch thủ công trên cả nước. Tuy nhiên, do chưa có các quyết định cụ thể, rốt ráo nên những lò gạch này vẫn tiếp tục hoạt động.
“Ô nhiễm dữ lắm! Các lò đều hoạt động suốt ngày đêm, xe cộ ồn ào ngay giữa khu dân cư, khói bụi đặc quánh gây buồn nôn không chịu được. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chính quyền mau chóng triển khai nghiêm túc các quy định về việc loại bỏ những lò gạch thủ công gây ô nhiễm, giúp bảo vệ môi trường nhưng đến nay mọi thứ vẫn như cũ...” - một người dân ngụ ấp 1, xã An Hòa bức xúc.
Tiếp tục xin gia hạn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp nung đốt gạch thủ công vẫn đang hoạt động trên nhiều địa bàn. Ngoài xã An Hòa, ở xã Tam Phước ,TP Biên Hòa và nhiều vùng thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom cũng có rất nhiều lò gạch đang hoạt động. Nếu như ở các huyện, vùng ven TP, việc gây ô nhiễm từ các lò gạch “còn đỡ” thì các khu vực ở ven và trong TP như xã An Hòa, xã Tam Phước, các lò gạch ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của khu dân cư.
Ông Tăng Văn Giác, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết xã có gần 30 lò gạch thủ công của doanh nghiệp tư nhân và đã nắm quy định về việc loại bỏ của Chính phủ nhưng chưa được triển khai cụ thể xuống địa phương. Vì vậy, mặc dù người dân kêu ca, xã vẫn không có cách nào xử lý dứt điểm được.
“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện các vi phạm nghiêm trọng trong khu dân cư, còn dẹp bỏ lò gạch thì chưa thể thực hiện được vì phải có lộ trình” - ông Giác nói.
Quyết định 567/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung quy định toàn bộ lò gạch thủ công trên cả nước phải được xóa bỏ từ cuối năm 2010 để chuyển sang công nghệ tuynen.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Mạnh, chuyên trách lĩnh vực kinh tế môi trường Phòng Kinh tế TP Biên Hòa, cho biết việc dẹp bỏ được phép thực hiện theo lộ trình. Vì vậy, hiện đơn vị này và các bên phối hợp đang cùng Sở Xây dựng có kế hoạch trình UBND tỉnh Đồng Nai xin thêm một thời gian cho các doanh nghiệp. “Cần có chính sách về nguồn nguyên vật liệu hợp lý, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến những người đã sinh sống bằng nghề này từ nhiều năm nay” - ông Mạnh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn đang thực hiện chương trình theo quy định của Chính phủ nhưng phải có thời gian để cân đối tình trạng sao cho hợp lý”.
Di dời làng gốm truyền thống
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định di dời làng gốm Tân Vạn về khu quy hoạch ở phía ngoài TP Biên Hòa để tránh ô nhiễm môi trường. Đây là làng gốm truyền thống gần 300 năm tuổi, gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất Biên Hòa. Thời hạn di dời là trong năm 2015.
Làng nghề nép mình bên sông Đồng Nai (thuộc 2 xã Tân Vạn và Bửu Hòa, TP Biên Hòa) từng cho ra các sản phẩm gốm nổi tiếng khắp vùng, sau đó hình thành nên các làng gốm vệ tinh xung quanh TP HCM, Bình Dương.
Bình luận (0)