Từ nhỏ, T.T.D.K (15 tuổi; ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã sở hữu gương mặt xinh xắn, hiền lành. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Hải Phong (hàng xóm) thường xuyên chọc ghẹo, gạ gẫm.
Giở trò trong phòng trọ?
Tối 29-7-2015, bạn học tên Uyên chở K. đi uống nước ở TP Tân An, tỉnh Long An. Đến quán, K. thấy Phong, trong khi Uyên đột nhiên bỏ về. Phong đề nghị đưa K. về vì tiện đường và được đồng ý. Thế nhưng, Phong chở K. đến một nhà trọ ở phường 5, TP Tân An. Tại đây, Phong liên tiếp dọa đánh, bóp cổ nếu K. chống cự. Quá sợ hãi, K. cắn răng chịu đựng để Phong giở trò đồi bại.
Khoảng 15 phút sau, Phong ném cho K. chiếc áo sơ mi sọc đen đang mặc trên người rồi khóa cửa phòng, bỏ đi. Trước thái độ dữ tợn của tên yêu râu xanh, K. bị nhốt mà không dám kêu la. Khoảng 18 giờ hôm sau, Phong quay lại ép K. quan hệ liên tiếp 2 lần. Trưa 31-7, Phong trả phòng rồi chở K. đến quán nước lúc trước. Chiều cùng ngày, Phong nhắn tin báo người nhà ra vòng xoay Tân Trụ (TP Tân An) đón K.
Trong khi đó, tối 29-7-2015, không thấy K. về nhà, nghi ngờ Phong bắt cóc con gái mình, ông T.P.D (cha của K.) nhiều lần sang nhà tìm Phong nhưng không gặp. Sáng hôm sau, bạn học của K. cho ông biết tối 29-7, K. được Uyên đưa đi TP Tân An chơi.
Gặng hỏi mãi, Uyên mới cho biết Phong gặp K. ở quán và cung cấp địa chỉ nhà trọ. Tìm đến nơi, gia đình ông D. đề nghị chủ nhà trọ cho phép vào tìm con gái nhưng không được chấp thuận. Đến chiều 31-7-2015, gia đình nhận được tin nhắn từ điện thoại của K. Khi đón con về, vợ chồng ông D. xót xa nhìn con “mặt cắt không còn giọt máu”, hoảng loạn và gặng hỏi mãi mới kể lại sự việc.
Nhiều tình tiết lập lờ
Sáng hôm sau, ông D. dắt con gái đi trình báo, đồng thời giao nộp chiếc áo sơ mi Phong để lại. Theo ông D., nhận trình báo từ thứ bảy (ngày 1-8-2015) nhưng đến thứ hai (3-8), Cơ quan CSĐT mới đưa K. đi giám định với lý do Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Long An… không làm việc thứ bảy, chủ nhật (?!). Khi đối chất, Phong thừa nhận mình đưa K. vào phòng trọ và để lại chiếc áo sơ mi. Dù vậy, Phong chối việc ép K. quan hệ tình dục.
Bà chủ nhà trọ xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động rằng chiều tối 29-7-2015, có một đôi trai gái vào thuê phòng, đó là Phong và K., khoảng 20 phút thì Phong ra về. “Người con gái ngủ lại đến sáng hôm sau thì có bạn đón. Sau đó, người nhà mới đến tìm” - bà chủ phòng trọ thông tin.
Trong khi đó, Cơ quan CSĐT không triệu tập Uyên - người cuối cùng nhìn thấy K. đi cùng Phong - lên trụ sở lấy lời khai. Người dân xung quanh cho biết hiện Uyên đã nghỉ học, không rõ tung tích.
Ngày 19-2-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Tân An ra thông báo về việc không khởi tố vụ án đối với Nguyễn Hải Phong với lý do không có sự việc phạm tội.
Mặc dù căn cứ kết luận giám định để đình chỉ vụ án song cơ quan CSĐT không đưa K. đi khám chuyên khoa ngay khi tiếp nhận vụ việc. Trong công văn trả lời Báo Người Lao Động, thượng tá Trương Văn Vụ, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Tân An, giải thích nạn nhân trình bày giao cấu lần sau cùng vào ngày 30-7-2015. Tháng 7-2015 có 31 ngày nên đối chiếu thời điểm trên đến khi tiếp nhận vụ việc đã 2 ngày và rơi vào thứ bảy.
Theo quan điểm của trung tâm giám định, sự việc xảy ra 2 ngày, tinh trùng đã chết nên không thể lấy dịch âm đạo xét nghiệm tinh trùng, hẹn nạn nhân ngày 3-8 đến giám định. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT nhận định không có chứng cứ nào khác ngoài lời khai của K. chứng minh Phong có hành vi giao cấu.
Căn cứ thông tin từ K. và gia đình, tính từ lần quan hệ cuối cùng, khoảng 18 giờ 30 phút ngày 30-7-3015, thì đến 18 giờ 30 phút ngày1-8 mới tròn 2 ngày. Trong khi gia đình đưa K. đi trình báo vào buổi sáng.
Liên quan đến vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Quang Nhường, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Long An, khẳng định không có chuyện trung tâm nghỉ làm ngày cuối tuần. “Trung tâm luôn cắt cử người trực cuối tuần, cơ quan điều tra yêu cầu giám định lúc nào thì sẽ tiến hành lúc ấy” - ông nói. Theo ông Nhường, thời gian giám định cho kết quả chính xác nhất là chậm nhất 2 ngày sau lần quan hệ cuối cùng. Nếu quá thời gian này sẽ khó xác định có xảy ra giao cấu hay không. Đối với trường hợp của K., ngày 3-8-2015, Cơ quan CSĐT mới đưa nạn nhân đi xét nghiệm thì kết quả không còn chính xác.
Bỏ qua chứng cứ
Từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại trong nhiều vụ án về xâm hại tình dục, luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định giám định pháp y là yêu cầu bắt buộc đối với vụ việc có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm. Trong trường hợp này, Cơ quan CSĐT cho rằng không cần thiết giám định tinh trùng vì sự việc xảy ra đã 2 ngày là không có cơ sở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu thập chứng cứ giải quyết vụ án.
Điều 64, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 nêu rõ chứng cứ là những gì có thật, căn cứ dùng để xác định có hay không hành vi phạm tội. Chứng cứ bao gồm vật chứng; lời khai nhân chứng, người bị hại; kết luận giám định, biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác… Do đó, việc Cơ quan CSĐT chỉ dùng kết luận giám định làm căn cứ giải quyết vụ án mà bỏ qua một số chứng cứ khác là không khách quan, không phù hợp với quy định pháp luật. “Sự việc phần nào phản ánh sự chậm trễ của người thi hành công vụ trong việc giải quyết tin tố giác tội phạm” - luật sư Liên nhấn mạnh.
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ngày 1-8-2015 nhưng đến ngày 19-2-2016, Cơ quan CSĐT mới ra thông báo về việc không khởi tố vụ án là vi phạm quy định khoản 2, điều 103, Bộ Luật Tố tụng Hình sự: “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án. Trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn để giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá 2 tháng”.
Đang mang án vì giao cấu với trẻ em
Nguyễn Hải Phong đang thi hành án 18 tháng tù giam về tội “Giao cấu với trẻ em”. Giống K., nạn nhân này (SN 2000) là hàng xóm của Phong. Do nạn nhân sinh con, có kết quả giám định ADN nên Phong nhận tội. TAND huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nhận định Phong có tình tiết giảm nhẹ, gồm: thành khẩn, ăn năn; bồi thường, khắc phục hậu quả…
Nhiều chuyên gia đánh giá bản án trên không những thiếu tính răn đe mà còn sơ hở về pháp lý. Việc HĐXX quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của luật là không phù hợp với bản chất sự việc. Bởi lẽ, Phong chỉ có một tình tiết giảm nhẹ (bồi thường, chu cấp cho nạn nhân và đứa trẻ), trong khi ngoan cố chối tội cho đến lúc có kết quả ADN. Vì vậy, không đủ căn cứ cho rằng Phong thành khẩn, ăn năn. Chưa kể, Phong có tình tiết tăng nặng là làm nạn nhân mang thai.
Bình luận (0)