Trong danh sách đăng ký cai nghiện game online tại Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam thì học viên có hộ khẩu tại TPHCM chiếm chưa đến 50%, số còn lại là từ các tỉnh. Rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải đành phó mặc số phận con mình cho cơn nghiện của game online.
Giàu, nghèo đều nghiện
Lớp cai nghiện này chỉ mới hoạt động thử nghiệm tại TPHCM và chưa công bố rộng rãi nhưng nhiều phụ huynh ở tận Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh... vẫn lặn lội đưa con tìm đến chữa chạy. Điều này cho thấy người trẻ nghiện game đã quá phổ biến và nhu cầu điều trị nghiện game vô cùng bức bách.
Hầu hết những gia đình đưa con đến Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam cai nghiện game online có điều kiện kinh tế khá giả và trình độ hiểu biết cao. Còn những gia đình khó khăn, cai nghiện game cho con là điều không thể.
Các game thủ thiếu niên miệt mài luyện game online ở một tiệm internet tại TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Gia đình ông L.H.X ở xã Ba Bình, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có 3 con trai thì hết 2 nghiện game nặng. Hiện cả hai anh em L.H.V.S (học sinh lớp 4) và L.H.V.H (học sinh lớp 6) đều đã bỏ học, suốt ngày đi lang thang, trộm cắp kiếm tiền chơi game. Trong bộ dạng tiều tụy, mắt luôn láo liên đến tài sản của người khác, chúng đi tới đâu cũng gặp phải sự hắt hủi của người dân trong vùng.
Đã có lần do bị ảo giác, khi đang đạp xe trên Quốc lộ 56, V.H. cứ nhằm đầu xe tải ngược chiều lao vào. Cũng may, tài xế xe tải nhanh nhạy tránh được, V.H. hoảng hồn lao xuống bìa rừng cao su. Ông X. buồn bã than: “Nghe nói cô H. bên ấp 9 đưa con đi cai nghiện trên TP có 10 ngày mà phải đóng đến 4 triệu đồng. Xót con đứt ruột nhưng gia đình chúng tôi làm rẫy thuê, chỉ đắp đổi qua ngày thì lấy đâu ra tiền mà cai cho con”.
Áp lực đè nặng tư vấn viên
Là nơi đầu tiên tổ chức lớp cai nghiện game online và đã có những kinh nghiệm nhất định, song do chịu nhiều áp lực trong khi đội ngũ cán bộ còn mỏng, Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam đành phải gác lại hoạt động này.
Theo bà Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam, đơn vị phải cử nhân viên thường trực tư vấn miễn phí qua điện thoại hoặc trực tiếp tại văn phòng. “Biết ở đây chưa mở lớp mới nhưng nhiều người ở các tỉnh vẫn tìm đến. Điện thoại của chúng tôi cũng liên tục nhận được những cuộc gọi của phụ huynh liên quan đến vấn đề nghiện game”- bà Liên cho hay.
Hiện lượng người cần tư vấn nhiều đến độ phải huy động cả ban giám đốc tham gia tư vấn. Bà Nguyễn Hồng Điệp, một cán bộ của Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam, sau khi tham gia tư vấn 2 ngày cho phụ huynh có con nghiện game online, đã phải xin cơ quan cho nghỉ phép để về quê tịnh dưỡng một tháng bởi áp lực từ sự bức xúc dồn nén của họ làm cho bà căng thẳng đến mức “gần như sắp bị điên”.
Theo bà Kim Liên, ở Trung Quốc đã có bệnh viện cai nghiện game online và nhiều phụ huynh ở nước ta có điều kiện kinh tế đang phải đưa con sang đó chữa trị. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh và những người làm công tác thanh niên đang rất nóng lòng trông chờ cơ quan hữu trách sẽ đưa ra biện pháp cụ thể để giải quyết những hậu quả do game online nguy hại gây ra.
DN kinh doanh game biện hộ
Trong chương trình Nói và làm trên truyền hình vừa qua, các nhà kinh doanh game online cho rằng nếu quy định quản lý quá khắt khe sẽ giết chết một “ngành công nghiệp game” mới manh nha phát triển và người chơi sẽ chuyển qua chơi game nước ngoài.
Trước ý kiến này, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, khẳng định cách biện hộ như vậy là không đúng. “Trong 65 game đang hoạt động thì chỉ có một sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta đang mua đi bán lại chứ chẳng thể nói to tát đây là “ngành công nghiệp”.
Chúng ta cũng không cần lo ngại người chơi chuyển qua các game lưu hành ở nước ngoài, vì về mặt kỹ thuật, việc ngăn chặn các trang web là rất đơn giản; vả lại, không phải người chơi nào cũng đủ trình độ và khả năng kinh tế để vào chơi game của nước khác”. |
Bình luận (0)