Tôi là một game thủ, nhưng tôi không đua level, không cày vàng, không đánh nhau, không chửi bới nhiếc móc ai. Bạn bè thân thiết của tôi trong game có đến mấy chục người, có người đã không còn cùng chơi nữa, nhưng chúng tôi vẫn sống tốt, vẫn liên lạc với nhau, vẫn quý trọng nhau, vẫn làm những công việc tốt trong cuộc sống, tự lo cho bản thân và gia đình.
Chúng tôi lấy game làm công cụ để giải trí khi đầu óc nặng nề, và là một trong những động lực nho nhỏ để lạc quan hơn khi đối diện với khó khăn, áp lực.
Chúng tôi cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái thiện mỹ mà mỗi cốt truyện game, mỗi hình ảnh nhân vật game mang lại, và chúng tôi chia sẻ với nhau.
Chúng tôi gọi nhau bằng nick trong game và tự hào, vui vẻ với nhau vì điều đó. Các game thủ không phân biệt độ tuổi, ngành nghề. Có cả giáo viên, bác sĩ, kỹ sư CNTT, nhà văn, ca sĩ, nhân viên văn phòng, cảnh sát, công nhân, người bán kem, chạy xe honda ôm, tài xế taxi...
Chúng tôi không hề thấy mình bệnh hoạn chút nào khi đến với game. Vậy tại sao lại bảo chúng tôi là nghiện ma túy số ? Những sai lệch trong hành vi của con người là khó tránh khỏi. Không chỉ với game, người ta mê mải gì đó cũng có thể gây ra họa.
Một người yêu thích đá bóng cuồng nhiệt và một kẻ mê cá độ đá bóng đến đánh vợ cướp tiền chỉ có một lằn ranh đạo đức. Một người thích kết giao bạn bè với một kẻ đàm đúm say sưa cũng chỉ khác nhau có một lằn ranh đạo đức. Đừng vì một hành vi của cá thể nào đó mà quy chụp cho cả cộng đồng, việc đó chỉ chứng minh kẻ chụp mũ ấy có kiến thức nông cạn và tâm lý hẹp hòi.
Muốn ngăn chặn hành vi của một người nào đó quá đam mê hay sa đà với thú vui khó cưỡng, dù tốt hay xấu, nên cần xem lại cách giáo dục của gia đình, các mối quan hệ của cá nhân đó trong xã hội đã được cân bằng và cá nhân có kiểm soát, quản lý được vấn đề hay không.
Những hành vi thiếu kiểm soát trong game online, hiện tại rơi vào đối tượng nào, ai cũng biết. Thế nên theo tôi “ai bệnh nấy chữa” đừng vì một cá nhân ho mà nghĩ là cả cộng đồng đều bị cúm cả.
Đừng suốt ngày phê phán game là xấu, game là tệ hại, mà chẳng làm gì để có thể hóa giải sự xấu ấy, tệ hại ấy ra sao. Đừng lăng nhục cả cộng đồng game online khi chính bạn mang tư tưởng thiển cận và bàng quan.
(Một bạn đọc)
Sao không tìm ra nguyên nhân "sâu" làm game thủ biến chất?
Mình có thể tự hào để thú nhận rằng mình là một “con nghiện” game hạng nặng khi bắt đầu chơi game “bắn ruồi” từ những năm 94, khi còn rất nhỏ. Mình chơi game nhiều, mình thích thú khi “phá băng” nhanh hơn cả người lớn dù game toàn tiếng Anh, tiếng Tàu mà nhìn chung là kể cả tiếng Việt cũng vậy thôi vì mình lúc đó đã biết đọc đâu.
Và cũng như bao người khác, mình tiếp xúc với PC games, online games khi nó du nhập vào VN. Có thể nói game làm thay đổi con đường đi của cuộc sống mà mình đã chọn. Mình không phủ nhận nó có những mặt trái tiêu cực khi quá lạm dụng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay mình thật sự bức xúc và cảm thấy rất buồn khi xã hội có cái nhìn lệch lạc về game. Vì sao xã hội luôn đổ lỗi cho nguyên nhân này, nguyên nhân kia mà không nhìn vào bản chất thật sự của sự việc để tìm ra nguyên nhân tạo nên nó.
Còn nhớ những năm 1998, khi internet còn là một thứ xa xỉ mà chỉ có những tiệm game PC với 20 máy thì báo chí đã liên tục đưa tin nào là thanh niên trốn học đi chơi game, đâm chém nhau vì game rồi sau đó là một loạt các chuyến thanh tra của các cán bộ nhằm kiểm tra game bạo lực tại các phòng game. Được một thời gian, đâu lại vào đó, không có gì thay đổi. Phòng game vẫn hoạt động, game thủ vẫn chơi game, đâm chém vẫn diễn ra hàng ngày ở đâu đó.
Tiếp tục là năm 2006, sau khi rộ lên phong trào game online, một lần nữa báo chí lại “đánh đập” game với các thông tin giết người hàng loạt do ảnh hưởng từ game bạo lực. Nào là sinh viên học sinh trốn học chơi game, học hành sa sút vì game, xô xát với bạn bè vì game, trộm cắp, giết người – kể cả người thân vì game. Điều này khiến xã hội có một cái nhìn ngày càng khắt khe với game, và một phần tạo cho các bậc phụ huynh một cách giải quyết rất sai lầm trong việc “huấn luyện” con cái trước sức hút từ game.
Hàng loạt dự luật ra đời nhằm hạn chế game, game online. Nhưng kết quả cuối cùng cũng không hạn chế được tình trạng “mắc bệnh” về game ? Từ năm 2006 và thời điểm hiện tại 2010 cũng không khác là mấy. Vẫn là những bài viết về tình trạng học hành sa sút, những tin tức về trộm cắp, giết người vì game. Vậy thì tại sao vẫn cứ phải giữ nguyên nhận định mà mọi người cho là đúng, đó là vì game mà xảy ra những việc như thế.
Nếu một học sinh đang học rất giỏi, chăm ngoan bỗng sa sút từ khi chơi game online, có thể thấy bạn học sinh giỏi này không biết cách cân đối giữa chơi và học. Gia đình cũng không phân bố và quản lí được thời gian của con cái.
Trong trường hợp không hề có game xuất hiện trên đời này, bạn học sinh giỏi đó chuyển sang thích đánh bài hay đơn giản hơn là thích đánh bi-da, hoặc tìm thấy thú vui tại một quán café nào đó có ai dám khẳng định, học sinh đó sẽ vẫn giữ nguyên được thành tích học tập của mình?
Một tên giết người hàng loạt thú nhận do ảnh hưởng từ game: không cần phải nghiên cứu, rõ ràng tên sát nhân này có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Như vậy thì không cần phải tới game, xem phim cũng khiến hắn như thế. Nguyên nhân căn bản là vì hắn thích như thế, chỉ khác là hắn nói với mọi người là hắn làm thế vì cái gì thôi? Vậy thì không có game, một tên sát nhân vẫn là một tên sát nhân.
Trộm cắp, sát hại người thân để có tiền chơi game: nguyên nhân chính xác là không có tiền. Một đứa trẻ được giáo dục tốt, khi không có tiền, không xin được tiền để chơi thì hoàn toàn có thể … nhịn chơi. Ngược lại, đã không được giáo dục tốt, có khả năng trộm cắp, có khả năng sát hại người thân thì dù lí do là gì, chỉ cần rơi vào trường hợp là không có tiền thì sẽ làm bậy.
Không có game, đứa trẻ đó không có tiền đi chơi với bạn (đua đòi?), không có tiền mua đồ chơi mình thích, không có tiền làm việc mình thích… thì đều dẫn đến một kết quả chung.
Có bao giờ bạn nghĩ trong đầu mình sẽ làm người thân bị thương chỉ để có tiền chơi game hay vì một đam mê nào đó không? Với mình, điều đó chắc chắn là không bao giờ xảy ra (dù trên thực tế những năm 1998 mình chẳng có tiền mà chơi game dù rất thích).
Với nền tảng giáo dục tốt, rất ít trong số họ sa lầy vào game online theo kiểu vẫn thường thấy ở Việt Nam. Vì họ biết, nếu họ không cân bằng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thật của họ, và dĩ nhiên ai mà không muốn có một cuộc sống thật hạnh phúc?
Hy vọng, trong thời gian tới xã hội sẽ có những định hướng đúng đắn để không những hạn chế được mặt trái của game, game online mà còn giúp xã hội game online Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Ngô Bá Khánh Trình
Bình luận (0)