xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngổn ngang ngày tựu trường

NHÓM PHÓNG VIÊN

Số lượng học sinh tăng nhanh, thiếu phòng học, không đủ giáo viên đứng lớp... đang là nỗi lo tại nhiều địa phương khi ngày tựu trường năm học mới đã đến

Hôm nay, 14-8, học sinh nhiều địa phương trên cả nước chính thức tựu trường. Thế nhưng, cả giáo viên và phụ huynh ở nhiều địa phương đang rất lo lắng bởi còn quá nhiều khó khăn chưa được giải quyết.

Rà soát, đánh giá giáo viên

Trước ngày cả nước bước vào năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã ban hành chỉ thị năm học mới, nhấn mạnh đến 9 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018. Nổi bật trong năm học này là Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Bộ chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm, từ đó làm cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn, có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngổn ngang ngày tựu trường - Ảnh 1.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương xây dựng để đón năm học mới Ảnh: Hà Phong

Theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các địa phương phải xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa thiếu cục bộ. Đồng thời, phối hợp với các trường sư phạm có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng; bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị nhà trường, cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho giáo viên các cấp hoàn thiện bồi dưỡng theo yêu cầu của hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bảo đảm việc bổ nhiệm, thi - xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định.

Trong khi đó, giáo viên tại nhiều địa phương đang thiếu trầm trọng. Đơn cử tại Mường Lát, một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, chỉ có 768 giáo viên ở cả 3 cấp, thiếu 49 người so với quy định. Thế nhưng, 62 giáo viên của huyện này lại đang làm đơn chuyển về các huyện miền xuôi. Do có quá nhiều người xin chuyển, huyện không thể quyết định được nên đã có báo cáo gửi UBND tỉnh xin ý kiến xử lý.

Trường lớp mở không kịp

Tại TP HCM, bình quân mỗi năm tăng gần 60.000 học sinh. Mỗi năm, TP cũng đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, trong năm học 2017-2018, toàn TP có hơn 1,6 triệu học sinh, tăng hơn 59.000 em so với năm học 2016-2017. Trong đó, bậc mầm non tăng hơn 19.800 em, tiểu học tăng nhiều nhất với hơn 20.000 em, THCS tăng 12.700 em và THPT tăng hơn 6.300 em. Số học sinh tăng cao nhất là ở các quận Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, 9, 12… Đặc biệt, năm nay, các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi cũng có số học sinh tăng khá cao do là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao.

Năm nay, số học sinh ở quận 12 tăng gần 8.500 em. Theo TTXVN, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết cơ sở vật chất xây dựng hằng năm không theo kịp đà tăng số lượng học sinh. Việc xây thêm trường lớp hằng năm rất khó khăn do ngân sách hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài.

Để đáp ứng được lượng học sinh tăng ngày càng cao, theo Sở GD-ĐT TP HCM, giai đoạn 2016-2020 phải xây 722 trường học với gần 12.800 phòng. Thực hiện được mục tiêu này còn muôn vàn khó khăn, không dễ gì giải quyết.

Tỉnh Đắk Lắk cũng thiếu phòng học trầm trọng, chủ yếu ở cấp mầm non. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 1.013 trường học các cấp, với hơn 455.700 học sinh, trong đó có gần 160.000 em dân tộc thiểu số. Để chuẩn bị cho năm học mới, Đắk Lắk đã đầu tư hơn 240 tỉ đồng xây dựng mới 85 phòng học, sửa chữa 280 phòng học và các công trình phụ trợ. Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư gần 71 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học.

Đắp vá, tạm bợ

Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh đang cấp tập sửa sang trường lớp để đón học sinh. Ông Trần Mê Ly - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - cho biết ngay từ trong hè, ngành giáo dục của huyện đã cho rà soát cơ sở vật chất, từ đó tham mưu cho UBND huyện nâng cấp, sửa chữa một số công trình. Đến nay, những công trình này có thể kịp phục vụ năm học mới.

"Năm nào cũng xin ngân sách hỗ trợ nâng cấp trường học nhưng việc nâng cấp giống như "miếng vải mới đắp vào cái áo cũ", cũng chỉ mang tính tạm thời. Dù mỗi năm sửa chữa, nâng cấp từ 10-15 điểm học nhưng cũng không thể bao phủ hết, nhất là những điểm trường vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện còn chỉ đạo các trường tham mưu với chính quyền địa phương vận động xã hội hóa sửa chữa nhỏ ở các trường" - ông Ly nêu thực trạng.

Tại Quảng Trị, dù ngày tựu trường đã cận kề nhưng nhiều điểm trường, lớp học trên địa bàn, đặc biệt là 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, vẫn trong quá trình xây dựng, nâng cấp, như Trường Trung học xã A Bung, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Nang, điểm trường Ba Ngày của Trường Tiểu học xã Tà Long…

Ông Nguyễn Sĩ Huấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đakrông, cho biết đã chỉ đạo các trường khắc phục sửa chữa, sắp xếp cho đủ tối thiểu các lớp để dạy học 2 ca. Đối với các phòng học đang xây dựng, phải đốc thúc đơn vị thi công hoàn thành trước thời gian học sinh nhập học, ngày 23-8.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa, các điểm trường học trên địa bàn đã tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất trong dịp hè. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết xấu, đường sá đi lại khó khăn nên một số điểm trường đến giờ vẫn chưa hoàn thành.

Trong khi đó, tại một số vùng khó khăn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuy mức học phí không cao nhưng nhiều gia đình rất chật vật khi đưa con đến trường. Anh Trần Vững (ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 3 con vào năm học mới. Vợ anh phụ dỡ cá ở cảng Thuận An, còn anh theo ghe của người khác đánh cá. "Vợ chồng tôi chắt bóp lắm mới dư 4 triệu đồng để mua sắm sách vở, áo quần cho các con. Còn các khoản tiền nộp học nữa mà chưa biết tính sao. Cũng may, các cháu cũng học giỏi, cuối năm được nhà trường tặng nhiều vở nên đỡ phần nào" - anh Vững chia sẻ.

Dừng VNEN vì không đủ điều kiện

Năm nay, 4.800 trường tiểu học và 1.500 trường THCS đăng ký triển khai mô hình trường học mới VNEN. Tuy nhiên, dù ngày khai giảng đã đến rất gần nhưng không ít địa phương trên cả nước cho hay sẽ dừng chương trình VNEN vì chưa phù hợp.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các sở GD-ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN. Theo bộ trưởng, chương trình cũng không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo mô hình này. Ông Nhạ cho rằng khi đưa mô hình, phương pháp giáo dục mới vào triển khai, việc đầu tiên phải tính đến là các điều kiện để thực hiện, trong đó có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết. H.L.Anh

Hà Nội tăng học phí đến 40%

Năm học 2017-2018, Hà Nội áp dụng mức học phí mới, tăng gần 40% so với năm học trước ở cả bậc giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Cụ thể, khu vực thành thị sẽ có mức học phí là 110.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 30.000 đồng so với năm học trước (tăng 37,5%). Khu vực nông thôn sẽ có mức học phí 55.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 15.000 đồng so với năm học trước (tăng 37,5%). Khu vực miền núi sẽ có mức học phí là 14.000 đồng/ tháng/học sinh, tăng 4.000 đồng so với năm học trước (tăng 40%). Với mức học phí này, tổng số tiền thu được tại Hà Nội sẽ là 653.339 tỉ đồng, tăng 178.209 tỉ đồng so với so với năm trước.

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định mức thu học phí năm 2017-2018 của TP thấp hơn mức thu bình quân của các tỉnh, thành như TP HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định.Y.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo