Vào khoảng 23 giờ ngày 27-7, cơn bão số 1 (bão Mirinae) đã đổ bộ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam… Mặc dù cơn bão qua nhanh nhưng hậu quả của nó để lại không hề nhỏ cho các địa phương này.
Ghi nhận tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, đến chiều tối 28-7, nước vẫn còn ngập khắp nơi. Hàng trăm hecta hoa màu chìm trong nước. Mưa to kèm gió lớn cũng đã làm nhiều lều quán ven bờ biển Thịnh Long bị tốc mái, bay tứ tung; nhiều cây phi lao sát bờ biển Thịnh Long bật gốc. Ông Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long, xác nhận thị trấn có trên 300 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, bão số 1 đã làm 74.100 ha lúa mùa và hơn 8.500 ha hoa màu ở 220 xã của tỉnh bị ngập úng; 130 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 445 chòi canh ngao, đồng muối bị tốc mái; 75 bè mảng bị chìm. Nhiều tuyến đường tại các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng bị sạt lở và trên 10.000 cột điện bị gãy đổ gây mất điện diện rộng.
Tại tỉnh Ninh Bình, với mưa to trên diện rộng kèm gió mạnh cấp 8, giật cấp 12, bão số 1 gây thiệt hại nhiều về tài sản. Cụ thể, hệ thống lưới điện trung áp 22 KV và 10 KV bị hư hỏng; hàng ngàn nhà dân bị tốc mái; hàng chục ngàn cây lâu năm bị ngã, đổ; trên 34.000 ha lúa mùa mới cấy bị ngập và hàng ngàn hecta hoa màu bị hư hại.
Tại tỉnh Hà Nam, theo báo cáo của Chi cục Phòng chống lụt bão tỉnh, đã có 28.469 ha lúa bị ngập; 2.954 ha hoa màu và 9.119 cây xanh, cây ăn quả bị đổ gãy, dập nát. Bên cạnh đó, 967 nhà bị tốc mái, 275 cột điện bị đổ.
Thái Bình cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 1 gây ra. Tại TP Thái Bình, ít nhất có 2 người bị thương trong lúc phòng tránh bão. Do bão to, nhiều đường dây trung thế bị đổ, trạm biến áp ở TP này bị hư hỏng. Vào rạng sáng 28-7, khi cơn bão đi qua, nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng ở phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình bị gió giật tốc mái.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 39.000 ha lúa, 1.900 ha hoa màu bị ngập úng, 9.000 cây xanh bị đổ, gần 10.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, 74 lồng cá (tại huyện Vũ Thư) bị trôi. Toàn tỉnh có 8 người bị thương trong lúc phòng tránh bão. Bão còn gây sự cố mất điện 4 đường dây 110 KV, 28 đường dây 35 KV, 76 đường dây 10 KV khiến nhiều địa phương của tỉnh Thái Bình mất điện. Đến chiều tối cùng ngày, chỉ mới có 2 huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy khắc phục được sự cố mất điện; nhiều huyện khác chìm trong bóng tối. Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Riêng tại Hà Nội, từ rạng sáng 28-7, gió giật mạnh cấp 7-8 kèm theo mưa lớn bắt đầu quần thảo khu vực nội thành. Đến sáng cùng ngày, nhiều tuyến phố Hà Nội chìm trong nước, cây xanh bị gió quật đổ hàng loạt. Theo ghi nhận, nhiều tuyến phố tại Hà Nội như Kim Giang, Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Chí Thanh... cây gãy đổ nằm la liệt. Hàng chục phương tiện giao thông cá nhân đã bị cây xanh đè bẹp. Tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) do gió giật mạnh, nhiều người chở hàng, phụ nữ bị ngã, vứt xe bỏ chạy.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã huy động 100% lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, cùng với các lực lượng khác xử lý cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.
Khắc phục sự cố mất điện diện rộng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 28-7 đã thông tin về việc khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 gây ra đối với hệ thống điện. Theo đó, tính đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, lưới điện 500 KV và 220 KV đã vận hành bình thường.
Với lưới điện 110 KV, có 28 lộ 110 KV bị sự cố, hiện đã khôi phục 24 lộ. Có 2 trạm biến áp 110 KV bị sự cố chưa được cấp điện là Tiền Hải và Kiến Xương (tỉnh Thái Bình). Đến cuối ngày 28-7, sự cố lưới 110 KV được khôi phục.
Về lưới điện phân phối, tại khu vực TP Hà Nội, đến cuối ngày 28-7, một phần các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai bị mất điện được khắc phục xong. Tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, đến cuối ngày, các đường dây cũng cơ bản được khôi phục để cung cấp điện trở lại.
EVN cho biết trong ngày 29-7, tập đoàn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện khắc phục các sự cố lưới điện do mưa bão gây ra, khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Ph.Nhung
Bình luận (0)