xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngộp thở với báo cáo

HỒNG ÁNH - LÊ TRƯỜNG - PHAN ANH

Chỉ riêng UBND cấp huyện phải tiếp nhận, xử lý hơn 100 báo cáo/ngày. Các lãnh đạo mất hơn nửa thời gian làm việc để đọc nhiều báo cáo lê thê, sơ sài, báo cáo mà như chưa... báo cáo

Văn phòng UBND của một huyện tại tỉnh Phú Yên phải cắt cử 2 cán bộ văn thư và 4 chuyên viên để tiếp nhận, phân loại và soạn báo cáo nhưng vẫn quá tải.

Xử lý... bở hơi tai

Tại tỉnh Ninh Thuận, ông Đào Trọng Định, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, nói vui rằng các chuyên viên và lãnh đạo văn phòng phải chạy… “bở hơi tai” mới có thể xử lý công việc cơ bản.

Theo Văn phòng UBND tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 10.700 báo cáo, công văn đến và phát hành hơn 5.500 văn bản chỉ đạo, thông báo, chủ trương của tỉnh đến các địa phương, sở ngành. Như vậy, bình quân mỗi ngày, Văn phòng UBND tỉnh phải giải quyết khoảng 100 báo cáo, văn bản đến - đi, chưa kể gần 590 đơn thư khiếu nại, kiến nghị mà văn phòng phải tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xử lý.

Ông Đào Trọng Định, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, cũng thấy ngán với số lượng báo cáo tiếp nhận và gửi đi mỗi ngày Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Ông Đào Trọng Định, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, cũng thấy ngán với số lượng báo cáo tiếp nhận và gửi đi mỗi ngày Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Càng về cuối năm, công việc nhiều, số báo cáo, công văn đi - đến càng tăng gấp bội. Năm 2014, Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận, cập nhật hơn 22.200 báo báo, công văn; phát hành gần 11.700 văn bản và tiếp nhận, xử lý 1.400 đơn tố cáo, khiếu nại. Với những thủ tục hành chính quá rườm rà như hiện nay, để xử lý rốt ráo công việc quả là vượt quá sức của khoảng 20 chuyên viên các chuyên ngành của Văn phòng UBND tỉnh này.

Tốn kém lắm!

6 giờ 55 phút, ông Nguyễn Phụng Ngoạn - Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - đã có mặt ở phòng làm việc. Trên bàn, hàng chồng báo cáo đang chờ ông giải quyết. “Ba ngày đại hội Đảng bộ huyện, báo cáo tồn dữ quá! Cả ngày hôm nay không thể giải quyết hết đống báo cáo này” - ông Ngoạn lo lắng.

Mỗi ngày, công việc của ông được bắt đầu từ việc đọc, ký báo cáo và kết thúc cũng là đọc, xử lý báo cáo. Có hôm đến chiều xử lý vẫn không xong các báo cáo, ông lại nhét hết vào cặp mang về nhà để tối đọc.

Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy An Đỗ Thị Thúy Vân là người trực tiếp trình các báo cáo đến chủ tịch. Trung bình mỗi ngày, bộ phận văn phòng tiếp nhận từ 100-120 báo cáo đến và đi, đấy là chưa kể các văn bản được gửi qua bộ phận một cửa. Bởi thế không ít ngày, 8 giờ làm việc của bà chỉ đọc và phân loại báo cáo. Có hôm báo cáo nhiều, bà chỉ đọc lướt qua phần nội dung chính chứ không thể đọc, nghiên cứu kỹ văn bản để tham mưu. Lại có những văn bản tự bà giải quyết nhưng lại quên báo cáo chủ tịch, đến khi chủ tịch hỏi thì mới hay văn phòng đã giải quyết rồi.

 

Trung bình mỗi ngày có đến hơn 100 báo cáo được gửi qua bộ phận văn thư của UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên                                                                Ảnh: HỒNG ÁNH
Trung bình mỗi ngày có đến hơn 100 báo cáo được gửi qua bộ phận văn thư của UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên Ảnh: HỒNG ÁNH

“Sao dạo này báo cáo nhiều thế? Tốn kém lắm chứ đâu phải không. Một báo cáo của tỉnh gửi về, mình phải sao in mấy chục bản để gửi đến các xã, các ngành liên quan. Có những hôm có báo cáo quan trọng, gặp lúc chủ tịch đi họp trên tỉnh, phải cử người chạy hơn 30 km vào tận tỉnh để trình chủ tịch. Nhiêu khê lắm!” - bà Vân than thở.

Còn ông Tiếu Văn Cừ - Chủ tịch UBND xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - cũng tối tăm mặt mũi, lo không xử lý kịp xấp báo cáo do cán bộ văn phòng Phạm Thị Thúy Duy vừa trình lên. Đó là báo cáo về tiến độ đường bê-tông nông thôn qua xã, báo cáo về tình hình an ninh trật tự của các thôn, báo cáo về tình hình ô nhiễm của đầm Ô Loan và cả báo cáo về tình hình khiếu kiện kéo dài của một công dân trong xã...

Ở cấp xã nhưng có những ngày ông xử lý đến hơn 50 báo cáo. Thế nên, hơn 2 tháng qua, thứ bảy, chủ nhật nào cô cán bộ văn phòng Phạm Thị Thúy Duy cũng phải đến cơ quan làm việc mới mong “xoay” hết đống báo cáo để trình lãnh đạo. “Nhiệm vụ của tôi là đọc, phân loại báo cáo rồi trình lãnh đạo cùng với tham mưu ý kiến. Tuy nhiên, lâu rồi tôi không thể tham mưu vì có thời gian đâu đi tìm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tham mưu. Thôi cứ trình lên, lãnh đạo quyết sao thì quyết!” - Duy bộc bạch.

Còn đâu thời gian đi cơ sở

Tuy TP HCM là địa phương đi đầu cả nước trong cải cách thủ tục hành chính nhưng thực tế các cấp sở ngành, quận, huyện cũng khổ với chuyện báo cáo, kế hoạch.

Chánh Văn phòng UBND một quận than một ngày phải xử lý 20 văn bản nên “còn đâu thời gian để đi thực tế”.

Tương tự, tại UBND một quận nội thành khác, mỗi năm, ngoài báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, năm; báo cáo tổng kết các chương trình 5 năm, 10 năm thì có rất nhiều báo cáo đột xuất, báo cáo nhanh. Một báo cáo làm nhanh nhất cũng mất 2-3 ngày, đó là chưa kể những báo cáo có dự thảo đến lần 5, lần 6 mới xong. Các đơn vị thẩm định đi thẩm định lại nên tốn rất nhiều thời gian mới được thông qua. Chủ tịch UBND một phường ở quận Phú Nhuận ngán ngẩm kể rằng thời gian mà cán bộ, công chức thực hiện các báo cáo cho ngành cấp trên chiếm hết hơn 50%-60% thời gian công việc.

Là cấp hành chính gần sát dân nhất, mỗi tuần, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chỉ tổ chức được một ngày tiếp công dân vào thứ hai trong khi rất nhiều người đến dự. “Nhiều hôm đến chiều tối mà vẫn giải quyết chưa xong ý kiến của người dân, phải hẹn họ lại đến vào thứ hai tuần tới. Để hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp thì cần tăng cường tiếp công dân. Tuy nhiên, văn bản, báo cáo dày cộp thế này thì làm gì được” - chủ tịch UBND xã này nói.

Giảm báo cáo không cần thiết sẽ tinh giản cán bộ

Chánh văn phòng UBND một quận ở TP HCM cho hay trước đây cũng đã có chuyện cải cách công tác làm báo cáo nhưng sau đó lại đâu vào đấy vì làm chưa tới, chưa quyết liệt. “Vấn đề gì thì chỉ một cơ quan làm đầu mối tổng hợp thôi, chứ cùng một vấn đề mà sở ngành nào cũng yêu cầu làm báo cáo thì chúng tôi còn thời gian đâu lo cho dân” - ông đề xuất.

Một thực tế rất bất cập nữa theo ông là khi trung ương, TP yêu cầu báo cáo, mặc dù số liệu thông tin quận đều có nhưng lại chuyển xuống cho các phường phải làm, trong khi số liệu đó chưa chắc phường có. Có lần Sở Tư pháp hỏi  phường là có bao nhiêu trường hợp kết hôn với người nước ngoài, bao nhiêu trường hợp con sinh ra có ba hoặc mẹ là người nước ngoài, phường không thể nắm được vì thẩm quyền cấp giấy đăng ký kết hôn và khai sinh này là Sở Tư pháp. Hay như phường phải đi chứng minh/xác nhận căn nhà của người đó hiện đang sở hữu có phải là căn nhà  duy nhất hay không.

Rồi một bệnh viện ở TP HCM phát thuốc cho người bệnh nhưng bệnh nhân này già không thể trực tiếp lên lấy thuốc, muốn nhờ người thân đi lấy thì bệnh viện cũng có mẫu đơn đề nghị phường xác nhận là bệnh nhân này bệnh nặng không thể đi được. Như người thân muốn đi thăm thân nhân bị giam, nơi tạm giam đề nghị phường xác nhận người đi thăm quan hệ thế nào với phạm nhân, trong khi trong hộ khẩu có ghi rồi. Trường hợp sinh viên xin bảo lưu việc học một học kỳ vì lý do kinh tế cũng đề nghị phường phải có ý kiến...

“Vì vậy, cấp trên cần đổi mới việc thông tin báo cáo sao cho hợp lý như hằng tháng, phường chỉ cần làm một báo cáo tháng về tình hình kinh tế - xã hội, nội chính của đơn vị là đủ, các ngành cùng nắm và khai thác. Hiện nay, mỗi ngành của quận làm một báo cáo, mỗi ban chỉ đạo cũng có báo cáo thì đúng là ngộp báo cáo, kế hoạch” - vị này cho biết.

Ông đề xuất: Để cải cách thủ tục hành chính nói chung và công tác làm báo cáo thì cần xây dựng được một hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ tạo sự liên thông giữa phường và quận, có cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, không tạo thêm công việc, thủ tục, giấy tờ “con” để phường, xã xác nhận. Từ đó sẽ rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho dân và phục vụ dân tốt hơn.

Theo chủ tịch UBND phường này, tính đầu công việc cho các chức danh của cán bộ, công chức phường là không nhiều nhưng họ phải kiêm thêm sự vụ không tên. Nếu làm tốt việc trên cũng như tinh giản áp lực các báo cáo, có sự phân công công việc rõ ràng thì chỉ cần khoảng 2/3 số lượng cán bộ, công chức hiện nay là có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Phụng Ngoạn còn chỉ ra sự bất hợp lý hiện nay là báo cáo thường ngày của các địa phương trong huyện được thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu nên khi được chuyển về huyện, ông đọc xong thì lại thấy như một mớ bòng bong, rất khó để tổng hợp. Ông Ngoạn đề xuất nên có 1 mẫu chung báo cáo về công việc thường ngày ở các địa phương để dễ nắm bắt, tổng hợp hơn.

Cũng theo ông Ngoạn, các hội nghị từ huyện, tỉnh đến trung ương hiện nay phung phí thời gian rất nhiều từ việc đọc báo cáo. “Tôi thấy mỗi khi hội nghị thì người ta phải đọc một lô một lốc các báo cáo. Thời gian đọc báo cáo chiếm hơn nửa thời gian hội nghị rồi. Nếu ta hạn chế và gửi các báo cáo ấy cho đại biểu đọc trước, tới hội nghị chỉ thảo luận thôi sẽ hiệu quả hơn nhiều” - ông Ngoạn phân tích.

“UBND tỉnh đang thực hiện đề án giảm họp, bỏ bớt những thủ tục hành chính không cần thiết; phân cấp, phân quyền hẳn hoi… để giảm tải áp lực về thời gian cho cán bộ, viên chức nhưng kết quả công việc lại cao hơn” - ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định với Báo Người Lao Động. Mặc dù tỏ rõ quyết tâm như vậy nhưng vị chủ tịch UBND tỉnh cũng dè dặt nói rằng muốn cải cách cần có thời gian vì thay đổi lề thói làm việc cũ cũng không phải là điều dễ.

 

Đôi khi chẳng nhớ báo cáo nói gì

Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng cần thiết phải cải cách công tác báo cáo để cải cách hành chính, bớt áp lực về thời gian cho cán bộ.

“Đâu phải báo cáo ngắn. Có những báo cáo dài dòng lê thê mà nói thật, đọc xong báo cáo, tôi cũng không nhớ đầy đủ báo cáo nói những gì. Tôi nói ví dụ về một vấn đề nào đó, bộ này cũng có báo cáo gửi về, bộ kia cũng có báo cáo gửi về, đôi khi trùng đấy nhưng mình phải đọc hết. Tốn thời gian lắm!” - ông Cự bộc bạch.

H.Ánh

 

Ba nguyên nhân khiến báo cáo, họp hành nhiều

Thứ nhất, thể chế vận hành của nền hành chính hiện nay với sự phân cấp tỉnh, huyện, xã chưa rõ ràng, dứt khoát. Nghĩa là vẫn chưa thực hiện được nguyên tắc mỗi việc chỉ do cấp nào làm tốt nhất đảm nhiệm, chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Thứ hai, tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, chồng chéo nhiều ban bệ, không theo nguyên tắc tổ chức bộ máy liên ngành đa lĩnh vực. Tình trạng này kéo theo việc tăng tần suất họp hành, báo cáo, giải quyết.

Thứ ba, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ. Cán bộ, công chức thiếu năng lực nên không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm...  nên kéo tập thể vào, sinh ra họp hành, báo cáo xin ý kiến, chủ trương.

    L.Trường

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo