Nhiều ngày qua, có nơi nhiệt độ lên đến 38- 40 độ C khiến nhiều người đổ bệnh, nhất là người già và trẻ em.
Chen nhau khám bệnh
Tại các bệnh viện (BV) ở Hà Nội như Bạch Mai, Lão khoa, Da liễu, Phụ sản trung ương…, lượng bệnh nhân chờ tới lượt khám đông nghịt. Dưới nắng oi bức, không khí ngột ngạt, hàng ngàn người chen nhau, vật vã ở hành lang, gốc cây, ghế đá trong các bệnh viện.
Người nhà bệnh nhân trốn nắng dưới tán cây trong sáng 11-5 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh nhỏ: Nhiệt độ đo được trong bóng râm ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vào sáng 11-5 lên đến 36 độ C Ảnh: Ngọc Dung - LÊ TRƯỜNG
Ngày 10-5, tại BV Bạch Mai, mới hơn 7 giờ nhưng các khu vực như phòng khám, sảnh chờ, hành lang đã la liệt người. Tất cả đều mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng vì phải đôn đáo đưa người thân đi khám và làm các xét nghiệm. Anh Phùng Văn Hoàn, ở Nam Định, cho biết do nắng nóng nên bố con anh cố gắng đi sớm nhưng đến nơi đã có rất đông người xếp hàng chờ khám. “Sau 3 giờ chờ đợi, xét nghiệm, tôi không dám để ông cụ ngồi chờ trong bệnh viện mà phải thuê phòng nghỉ bên ngoài để ông nghỉ trưa, chờ lấy kết quả. Nắng nóng thế này, người khỏe cũng đuối sức, chứ nói gì người bệnh” - anh Hoàn nói.
Chị Mai Thị Hồng, ở Hà Tĩnh, cho biết nhiều lần nuôi mẹ điều trị ở Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai nhưng chưa bao giờ thấy nắng nóng dai dẳng như lần này. “Người nhà bệnh nhân chen nhau tìm chỗ mát để trải chiếu. Trong bệnh viện, chỗ nào có bóng cây đều chật kín người. Mọi người nghĩ trời lạnh mới gây đột quỵ nhưng tôi thấy nắng nóng cũng làm nhiều người nhập viện do tai biến” - chị Hồng nêu thực tế.
Đến trưa, nắng càng gay gắt khiến nhiều người mặt đỏ ửng. Dù trốn nắng dưới những gốc cây, hành lang nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà của họ vẫn phải che dù, trùm kín khăn, tay quạt không nghỉ.
Hàng chục ngàn người thiếu nước
Hơn tuần qua, Ninh Thuận tiếp tục đối mặt với đợt nắng nóng như đổ lửa. Chỉ sau 7 giờ, nhiệt độ trong bóng râm tại TP Phan Rang - Tháp Chàm đã xấp xỉ 34 độ C. Đến giữa trưa, nhiệt độ trong nhà bình quân trên 36 độ C và kéo dài đến tận chiều tối. Trong khi đó, nhiều xã vùng cao như Quảng Sơn, Tân Sơn (huyện Ninh Sơn), Phước Đại, Phước Tiến (huyện Bác Ái), Nhị Hà, Phước Hà, Phước Dinh (huyện Thuận Nam)…, nhiệt độ cao hơn ở TP Phan Rang - Tháp Chàm từ 1-2 độ C.
Nắng nóng làm một số bệnh mùa hè như tiêu chảy, sốt siêu vi, cảm cúm… tăng vọt. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, bình quân mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đến khám bệnh với các triệu chứng sốt, đau đầu; trong đó, nhiều trẻ em bị tiêu chảy, nhiễm siêu vi. Số người khám bảo hiểm y tế để điều trị ngoại trú cũng tăng đột biến. Nắng nóng đã làm đảo lộn cuộc sống của phần lớn người dân địa phương.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, nắng nóng kéo dài khiến gần 45.000 người dân ở 22 xã, thị trấn trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng này xảy ra nghiêm trọng ở 3 huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân.
Tại huyện Hàm Tân, nhà máy nước Tân Thắng cung cấp nước cho hơn 1.400 hộ dân các xã Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ đã ngừng hoạt động từ tháng 3-2015 do đập đầu nguồn đã cạn kiệt. Nhiều hộ dân trong xã phải khoan giếng hoặc khôi phục giếng cũ nhưng cũng rất khó khăn để tìm nguồn nước vì mạch ngầm cũng khô cạn. Để có nước ăn uống và sinh hoạt, người dân phải mua nước từ các nơi khác với giá trên dưới 70.000 đồng/m3.
Hai xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân của huyện Tuy Phong thiếu nước nghiêm trọng từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Gần 11.000 người của 2 địa phương này phải “chạy” nước từng ngày do các giếng khoan đã cạn kiệt. Họ phải mua nước với giá xấp xỉ 50.000 đồng/m3. Người dân của 2 xã Hồng Liêm, Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tương tự.
TP HCM oi bức
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trong 10 ngày tới, nhiệt độ cao nhất tại TP HCM duy trì ở mức cao.
Ngày 11-5, nhiệt độ cao nhất tại TP HCM xấp xỉ 36 độ C nhưng do nắng nóng, không khí oi bức khiến nhiều người ra đường phải che kín người. Trên các tuyến đường, nhiều người trốn nắng dưới những tán cây, gầm cầu vượt hoặc vào quán giải khát.
Nắng nóng kéo dài, trong khi độ ẩm thấp (54%) làm cho thời tiết ngột ngạt. “Đến 9 giờ sáng là tôi không dám ra đường do nắng đã gay gắt” - chị Nguyễn Lê Vân (ngụ quận Tân Bình) mệt mỏi.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nắng nóng kéo dài là do ảnh hưởng của rìa phía Nam áp thấp nóng bị nén, kết hợp với áp cao cận nhiệt đới.
Bình luận (0)