Theo ghi nhận của chúng tôi, bến xe Đồng Hới đông nghịt người muốn đón xe ra Vũng Chùa để tiễn đưa Đại tướng. Hầu hết những chuyến xe ra huyện Quảng Trạch, nơi Đại tướng an nghỉ, đều chật kín người.
Tại đoạn qua xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1954) cùng người hàng xóm Trần Thị Diệu Thanh (SN 1963, cùng ngụ xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), ôm tập ảnh của Đại tướng chờ đón xe khách ra Vũng Chùa. Tuy nhiên, chờ từ sáng đến hơn 7 giờ 30 phút, hai bà vẫn không đón được xe.
Bà Nguyễn Thị Hòa (phải) cùng người hàng xóm Trần Thị Diệu Thanh đón xe ra Vũng Chùa
Lúc 8 giờ 45 phút, hàng ngàn người dân đã đứng chật kín 2 bên đường từ ngã ba Quốc lộ 1A đường dẫn vào Vũng Chùa kéo dài hơn 2 km để chờ đợi linh cữu Đại tướng. Họ đến từ mọi miền tổ quốc, mang theo thức ăn nước uống để túc trực. Anh Nguyễn Xuân Sơn, một người dân đến từ huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết anh đến Vũng Chùa từ tối hôm qua, xếp hàng chờ đợi với mong muốn được gặp Tổng tư lệnh lần cuối cùng.
Theo ghi nhận của PV Báo Người Lao Động, dọc tuyến đường từ sân bay Đồng Hới ra Vũng Chùa, đi qua 26 xã anh hùng của 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, mọi công tác chuẩn bị cho đoàn đi qua đã sẵn sàng. Đặc biệt tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, những hàng cờ rủ chạy dài 2 bên đường để đón Đại tướng. Lực lượng công an, cảnh sát… được tăng cường khắp nơi để đảm bảo đoàn đưa linh cữu Đại tướng đi qua an toàn.
Tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, đã có trên 10 đoàn có mặt để được vào viếng Đại tướng, trong đó rất nhiều đoàn đến đây từ nhiều hôm trước. Các xe cứu thương từ tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An đã được điều về Vũng Chùa để kịp ứng phó khi có người ngất, xỉu…
Người dân tập trung tại Vũng Chùa
Họ đến từ khắp nơi...
...cả từ Thái Nguyên xa xôi
Một chiếc trực thăng bay đến Vũng Chùa
Đến 10 giờ, tại khu an táng Đại tướng ở Vũng Chùa – đảo Yến, hàng ngàn người dân đã tập trung đợi linh cữu Người. Thời tiết tại đây rất nóng và oi bức nên nhiều người phải dừng chân bên các khe suối dọc đường hoặc tìm bóng mát trú tạm
Khu vực an táng Đại tướng như một thung lũng, mặt sau được bao bọc bởi dãy núi Thọ cao trên 100 m, cỏ cây xanh ngát. Mặt trước hướng ra biển và được án ngữ bởi đảo Yến. Tại đây, ban tổ chức đã làm một khoảng sân rộng với sức chứa hàng trăm người. Một con đường từ quảng trường vòng ra phía sau ngôi nhà tháp chuông với hàng chục tầng cấp là lối dẫn lên khu an táng vừa xây dựng xong.
Hàng ngàn người đã bật khóc khi đặt chân tới khu vực này. Bà Hoàng Thị Hòa (79 tuổi, trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tâm sự: “Tôi không ngờ mình lại đặt chân đến được nơi cụ an nghỉ. Thật là một khung cảnh thanh bình”.
Dòng người nối nhau đổ về Vũng Chùa
Thời tiết nắng nóng khiến nhiều người phải trú tạm trong bóng râm
Bà Hoàng Thị Hòa rưng rưng khi đến được nơi an táng Đại tướng
Nén nước mắt chờ người anh cả của quân đội Việt Nam
Giữa dòng người nối nhau đi vào khu an táng Đại tướng, có rất nhiều trẻ em, nhỏ nhất chỉ mới 2-3 tuổi. Đối với những đứa trẻ ấy, nhiều em vẫn chưa thể hình dung được khuôn mặt Đại tướng nhưng vẫn muốn theo chân người thân đến Vũng Chùa. “Cháu chỉ biết Đại tướng là một người rất yêu nước, đánh giặc rất giỏi và thương dân. Cả gia đình cháu rất thương mến Đại tướng nên cháu cũng cố gắng theo cả nhà vào viếng” – bé Phan Thị Hoài Anh, một học sinh đang học lớp 2 ở xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nói với chúng tôi.
Anh Phan Văn Vinh, cha của bé Anh, cho hay cả gia đình đã đón xe khách vào Vũng Chùa từ 4 giờ sáng dù biết rằng linh cữu Đại tướng về nơi đây sau 3 giờ chiều. “Mấy hôm nay cả gia đình đã lên kế hoạch kỹ, gói theo cơm nước để vào Vũng Chùa. Phải đi sớm vì thấy lòng mình nôn nao!” – anh Vinh nói.
Đến lúc này, nơi an táng của Đại tướng vẫn đang được canh giữ nghiêm ngặt.
Bình luận (0)