xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nước mắt rơi khi phu nhân Đại tướng lặng lẽ ôm quan tài

Phan Anh - Trâm Anh - Ảnh: T. Thạnh - Tr. Anh

(NLĐO) - Sài Gòn sáng nay bỗng lạnh. Nhưng không vì thế mà dòng người đổ về Hội trường Thống Nhất dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp chậm lại.

Hơn 6 giờ, dòng người lặng lẽ tiến vào hội trường, đưa tiễn vị tướng tài ba. Không khí nghiêm trang bao trùm khuôn viên hội trường trong lúc chờ lễ truy điệu.
 
Đúng 7 giờ, không ai bảo ai, mọi ánh mắt đều hướng đến màn hình để theo dõi truyền hình trực tiếp lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà Tang lễ Quốc gia tại Hà Nội. Tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên càng khiến không khí thêm trầm mặc.
 
img
Đoàn lãnh đạo TP HCM tham dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống Nhất
 
Hình ảnh phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp lặng lẽ ôm quan tài người chồng cùng bà gắn bó qua hàng thập kỉ khiến nhiều người có mặt tại hội trường lặng lẽ lau nước mắt.
 
Không được trực tiếp chứng kiến lễ truy điệu nhưng dõi theo hành trình di chuyển của linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua màn ảnh, nhiều người có mặt tại Hội trường Thống Nhất vẫn không nén được tiếng khóc nghẹn ngào. “Tôi đã cố nén để có thể dõi theo Đại tướng lần cuối nhưng vẫn không kìm được nước mắt. Hôm qua, tôi không được đến viếng Đại tướng nên trong lòng vô cùng đau xót. Hôm nay, tôi dậy từ sớm, quyết tâm đến đây để dâng nhành hoa cúc trắng tiễn biệt Đại tướng lần cuối” - bà Trần Thị Nga, ngụ quận 7, nức nở.
 
img
Người vợ hiền Đặng Bích Hà được con trai Võ Điện Biên dìu đi vòng quanh lĩnh cữu lần cuối
để vĩnh biệt người chồng, người cha nhất mực yêu thương
 
Đang làm nhiệm vụ, những thanh niên xung phong, những người lính cứu hỏa và các phóng viên cùng lặng người, cúi đầu mặc niệm Đại tướng.
 
Bế đứa con nhỏ 1 tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1985, ngụ quận 9) rưng rưng: "Hôm qua, chồng tôi đi làm cả ngày, tôi lại bận con nhỏ nên không thể đến viếng Đại tướng. Tối qua, sau khi tan làm, chồng tôi đã ghé đến Hội trường Thống Nhất trước để bái biệt Đại tướng. Thế nhưng, tôi cũng mong muốn cả nhà cùng một lần tiễn đưa bác nên hôm nay gia đình tôi đến đây. Từ ngày Đại tướng mất, cứ mỗi lần đọc những dòng thông tin viết về bác, tôi lại rơi nước mắt”.
 
Đến 8 giờ, lễ truy điệu Đại tướng kết thúc nhưng vẫn còn rất nhiều người đến viếng tại Hội trường Thống Nhất.
 
img
 
img

img
Người dân TP HCM tiếp tục đến viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất
 
img
Bế đứa con nhỏ 1 tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Hoa nghẹn ngào tưởng niệm Đại tướng

img
Những anh lính cứu hỏa...

img
...phóng viên đều tạm ngưng nhiệm vụ để mặc niệm Đại tướng
  
Những kỷ niệm không quên cùng Đại tướng
 
Mặc dù mang trong người nhiều căn bệnh lại không thể đứng lâu nhưng người cựu chiến binh 94 tuổi vẫn cố gắng đến Hội trường Thống Nhất ttiễn biệt Đại tướng trong cả hai ngày 12 và 13-10. Khi lễ truy điệu tại TP HCM vừa kết thúc sáng 13-10, cụ Nguyễn Xu (94 tuổi, cựu chiến binh Sư Đoàn 304) được con cháu dìu ra phía ngoài bởi sức khỏe không được tốt.
 
Hồi tưởng về người anh cả của quân đội, cụ xúc động: “Chúng tôi chiến đấu dưới sự lãnh đạo của tướng Giáp nên tình cảm rất sâu sắc. Tướng Giáp mất, tôi buồn lắm!”. Cụ bảo cuộc đời mình may mắn được gặp Đại tướng 3 lần, trong đó đáng nhớ nhất là lần gặp ở bệnh viện 508.

img
Người cựu chiến binh Nguyễn Xu được con cháu dìu khỏi hội trường bởi sức khỏe không được tốt.
Ảnh: TẤN THẠNH
 
Lúc này, Đại tướng ghé thăm các chiến sĩ đang điều trị tại bệnh viện, cụ Xu cương quyết không cho Đại tướng vào thăm bởi đây là khu vực vô trùng. Rồi, mời Đại tướng đợi, cụ nhanh chóng đi lấy áo vô trùng. Đó là kỉ niệm khó quên nhất trong cuộc đời cầm súng của người cựu chiến binh khi được gặp Đại tướng gần đến thế.

Một ấn tượng sâu sắc khác trong lòng người lính già Nguyễn Xu là lần Đại tướng ghé thăm đơn vị và kể chuyện về câu hỏi của một người chiến sĩ. Theo lời Đại tướng, khi đang dừng xe ở bến phà, có một chiến sĩ xin phép hỏi một câu, đó là: “Quân đội ta có bao nhiêu trường học?”. Đại tướng trả lời: “Quân đội ta là một trường học rộng lớn”. Người chiến sĩ tiếp tục hỏi: “Ở đây, mỗi đại đội đều có một trại giam, tại sao chỉ có một trường học?”. Câu chuyện khép lại với lời trăn trở của vị tướng tài: “Đồng chí đó thắc mắc tại sao nhà giam nhiều hơn trường học. Vì vậy, tôi mong các đồng chí bỏ ngay trại giam”.
 
Còn đối với ông Bùi Trọng Nghĩa (cựu chiến binh Trung Đoàn Đất Thép Củ Chi, SN 1955, ngụ Củ Chi), ông cả đời không thể quên lần được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1969. Người cựu chiến binh đã may mắn được 2 vị anh hùng dân tộc ôm vào lòng.
 
img
Người cựu chiến binh hồi tưởng về cái ôm ân tình trong niềm nghẹn ngào.
Ảnh: TẤN THẠNH
 
Khi ấy ông Nghĩa mới 15 tuổi, cùng với đoàn Dũng sĩ Diệt Mỹ miền Nam ra Hà Nội. “Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được trò chuyện với Bác và Đại tướng. Tôi đã được hai con người tài hoa của dân tộc dặn dò phải ráng học tập và cố gắng chiến đấu để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Tôi đã ghi nhớ lời dặn đó và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người lính” - ông Nghĩa nghẹn ngào nhớ lại.
 
Đau nỗi đau chung của dân tộc, người cựu chiến binh đã chạy xe từ Củ Chi đến Hội trường Thống Nhất, ở lại với Đại tướng đến tận 22 giờ đêm 12-10 mới chịu về nhà. Sáng sớm nay, ông lại có mặt tại Hội trường Thống Nhất, hòa cùng dòng người lặng lẽ dõi theo lễ truy điệu và thắp nén tâm nhang một lần nữa.
 
Trâm Anh
 
TP HCM: Hơn 120.000 người viếng Đại tướng
 
Theo báo cáo nhanh của UBND TP HCM, tính đến 24 giờ ngày 12-10, tại Hội trường Thống Nhất có trên 770 đoàn viếng (gồm 550 đoàn TP HCM, 94 đoàn các cơ quan trung ương, 44 đoàn các tỉnh - thành phố, 29 đoàn ngoại giao, 58 đoàn tôn giáo - hiệp hội - đoàn thể). Ước tính tổng số người đến viếng khoảng 78.700 người, trong đó có trên 41.300 người dân.
 
img
Học sinh trường Phạm Ngũ Lão viếng Đại tướng tại trường. Ảnh: Đặng Trinh
 
Tại Bộ Tư lệnh TP HCM và Ban Chỉ huy Quân sự các quận - huyện đã lập 28 bàn thờ, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ lượng lực vũ trang và nhân dân địa phương viếng Đại tướng. Bàn thờ Đại tướng tại Nhà Văn hóa Thanh Niên do Thành đoàn TP HCM lập đã có 169 đoàn với hơn 3.800 đoàn viên, thanh niên và người dân đến viếng.
 
Cũng trong ngày 12-10, nhiều trường THPT tại TP HCM đã tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại trường để học sinh có điều kiện được thắp nén nhang viếng Đại tướng. Tại Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp), hơn 600 học sinh cùng toàn thể giáo viên đeo băng tang, đưa vòng hoa đến viếng Đại tướng tại bàn thờ được đặt trong hội trường nhà trường.
 
Như vậy, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP HCM có tổng cộng 2.900 đoàn viếng, ước tính tổng số người đến viếng là trên 120.000 người.
 
Phan Anh - Đặng Trinh
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo