“Trước giờ có bao nhiêu rác tôi đều bỏ hết vào thùng, người thu gom sẽ tự tới lấy. Tôi nghĩ rác nào chẳng là rác, ai hơi sức đâu mà bỏ riêng làm gì”. Chị Hoa, chủ tiệm tạp hóa trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh – TPHCM, cho biết như vậy trong một cuộc khảo sát “bỏ túi” của Báo Người Lao Động được thực hiện vào ngày 14-5.
Người dân chưa quan tâm
Với 100 phiếu khảo sát được phát ra thì có tới 66% người tham gia cho biết tại gia đình vẫn thường xuyên bỏ tất cả các loại rác vào cùng một thùng. 33% cho biết có phân loại nhưng hầu hết là để dành cho những người thu mua ve chai chứ không phải vì sự nguy hại của chúng.
Đối với câu hỏi về sự cần thiết phải phân loại rác, 62% cho biết là cần thiết nhưng do việc phân loại gây nhiều bất tiện, cần phải phân ra làm nhiều thùng rác, chiếm nhiều diện tích và tốn kém nên chưa thể thực hiện. Ngoài ra, 42% ý kiến cho rằng khó phân biệt được đâu là rác thải nguy hại để mà bỏ riêng nên đành phải bỏ chung vào một thùng, tùy người thu gom và các khâu sau đó xử lý.
|
Ngoài việc người dân chưa ý thức, việc thu gom rác cũng còn nhiều bất cập. Anh Bùi Văn Minh, ngụ tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - TPHCM, cho biết: “Trước đây, tôi cũng từng nghe về việc phân loại rác và đã thử làm ở gia đình. Tuy nhiên, khi đem rác cho người thu gom thì họ đổ chung lại với nhau nên tôi thấy việc làm của mình vô ích quá và không phân loại rác nữa”.
Cần ý thức + luật pháp
Do đa phần người dân còn chưa quan tâm nên sau gần 2 ngày triển khai thu gom rác thải nguy hại tại 104 điểm thuộc chương trình thu gom rác thải nguy hại của Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, số người dân đem rác thải nguy hại đến còn rất hiếm hoi.
Anh Lê Phát Lợi, phụ trách chung việc thu gom rác thải nguy hại tại Quận đoàn Bình Thạnh, cho biết Quận đoàn đã triển khai tuyên truyền đến từng khu phố, tổ dân phố và cả các trường học để mọi thành phần, hộ dân tham gia. Tuy nhiên, sau gần hai ngày cũng mới chỉ có khoảng 10 hộ dân tìm đến.
Điểm thu gom rác thải nguy hại tại UBND phường 5, quận 3, sau hai ngày cũng mới chỉ có khoảng 10 hộ dân tham gia. Chị Phạm Thị Bích Phượng, cán bộ phụ trách thu gom rác nguy hại tại phường 4, quận 3, cho biết cũng mới gom được khoảng 1/3 bao rác. Theo chị Phượng, lý do là vì đa phần người dân không ý thức được việc phân loại rác thải nên bỏ tất cả rác vào chung một thùng và đem đổ hằng ngày nên không còn rác nguy hại để cho lực lượng thu gom nhận.
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, cho biết: Sự thực là đa phần người dân chưa quan tâm đến sự nguy hiểm của việc trộn lẫn rác thải nguy hại với rác thông thường. Bên cạnh đó, một số người hiểu nhưng do quá bận rộn.
Vì thế, vấn đề này cần phải có thời gian lâu dài để tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cho cộng đồng. Ở một số nước, nếu người dân không tự phân loại rác tại nhà thì luật pháp cho phép lực lượng thu gom từ chối nhận rác. Điều đó cho thấy bên cạnh sự ý thức của người dân cũng cần có những quy định về luật pháp, cần có sự đồng bộ về hệ thống quản lý mới có thể cải thiện được tình hình.
Bình luận (0)