Đến ngày 14-5, dù đã 15 ngày trôi qua nhưng rác sinh hoạt phát sinh ở hộ dân tại khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12 - TPHCM vẫn chưa được thu gom. Quá ngán ngẩm trước cảnh rác chất đống trước nhà hôi thối, nhiều người đã đem rác ra đường đổ hoặc treo lủng lẳng trên các cành cây ven đường.
Rác dồn đống, rác treo lủng lẳng
“Tháng nào chúng tôi cũng nộp 15.000 đồng cho người thu gom rác, nhiều khi còn nộp tiền trước vậy mà nửa tháng nay không thấy ai thu gom. Bà con ở đây ai cũng bất bình vì đã phản ánh lên UBND phường nhưng chẳng thấy ai xuống kiểm tra, giải quyết!” - một người dân ở tổ 19, khu phố 3 bức xúc.
Theo người dân, việc thu gom rác ở khu phố này trong thời gian qua do một đường dây rác dân lập thực hiện, khoảng 2-3 ngày thu gom một lần. Tiền rác hằng tháng cũng do những người này trực tiếp thu nhưng không có biên nhận.
|
Tuy nhiên, sau khi có thông tin từ ngày 1-5, việc thu tiền rác sẽ do UBND phường Thạnh Lộc chịu trách nhiệm (theo Quyết định 88/2008 của UBND TPHCM về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn) thì từ ngày 29-4, việc thu gom rác ở khu vực trên đột nhiên bị ngưng lại, “treo” từ đó đến nay.
Ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết sau khi Báo NLĐ ngày 11-5 phản ánh, quận đã chỉ đạo UBND phường Thạnh Lộc kiểm tra, nếu xác định việc ngưng thu gom rác là phản ứng của đường dây rác dân lập về chủ trương thay đổi cách thu phí thì sẽ chấm dứt hoạt động của đường dây rác này.
Trước mắt, quận 12 giao cho Công ty Dịch vụ Công ích quận đảm nhận việc thu gom rác ở khu phố 3, phường Thạnh Lộc.
Nhiều nơi khác cũng “dọa” treo rác
Cũng liên quan đến Quyết định 88, sáng 14-5, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM đã có buổi gặp gỡ với lực lượng thu gom rác dân lập quận Thủ Đức để triển khai quyết định này. Theo Quyết định 88, người thu gom rác dân lập chỉ làm nhiệm vụ thu gom rác, còn tiền rác hằng tháng do cán bộ phường đi thu, mỗi tháng sẽ quyết toán lại cho người thu gom rác dân lập sau khi đã trích lại 20% phí bảo vệ môi trường.
Như vậy, người thu gom rác dân lập sẽ nhận lại số tiền tương ứng là 12.000 đồng/tháng (mặt tiền đường) và 9.000 đồng/tháng (trong hẻm) đối với hộ gia đình ở vùng ven, ngoại thành. Quy định này đã vấp phải phản ứng gay gắt của lực lượng thu gom rác dân lập bởi theo họ số tiền đó không đủ chi phí cho hoạt động thu gom rác mà phải là 15.000 đồng/tháng như trước kia mới đủ.
Việc cán bộ phường đi thu tiền cũng gây bức xúc. Bà Nguyễn Kim Hoa, người thu gom rác ở phường Hiệp Bình Phước, phản ứng: “Đường rác, xe cộ, nhân lực do chúng tôi tự bỏ tiền túi ra mua, giờ giao phường thu tiền như vậy là không hợp lý!”.
|
Nhiều người thu gom rác dân lập đề nghị phường mua lại đường rác với giá bán 30 tháng tổng doanh thu, sau đó họ sẽ chấp thuận đi làm thuê, thu gom rác cho phường! Nếu cứ áp dụng quyết định này thì họ sẽ không đi thu gom rác nữa!
Một vấn đề khác được Nghiệp đoàn Rác dân lập quận Thủ Đức cảnh báo là phản ứng của người dân về mức phí thu gom rác. Theo đó, ở đối tượng ngoài hộ gia đình (quán ăn uống, cơ sở thương nghiệp nhỏ, trường học, thư viện, cơ quan hành chính sự nghiệp) sẽ phải đóng phí tương ứng từ 60.000 đồng đến 110.000 đồng/tháng.
Mức thu này là khá cao, có thể người dân sẽ không cho lực lượng thu gom rác dân lập thu gom rác mà sẽ “tự xử” bằng cách vứt ra đường.
Đại diện Sở TN-MT cho biết nhiều quận, huyện ngoại thành, vùng ven khác cũng phản ứng về mức phí mới theo quyết định 88.
Tách mức phí làm hai Tại cuộc họp, đại diện Sở TN-MT cho biết Quyết định 88 sẽ được thực hiện thí điểm trong tháng 5, 6, 7, sau đó nếu không đủ tiền chi phí cho hoạt động thu gom rác thì sẽ “nhích” giá lên cho các quận ngoại thành, vùng ven. Sở TN-MT cũng cho biết sẽ xem xét tách mức phí ra làm hai: tiền phí thu gom rác sẽ do lực lượng thu gom rác dân lập thu, còn phường sẽ thu tiền phí bảo vệ môi trường. A.Nguyệt |
Bình luận (0)