Sáng nay 4-4, kết quả cuộc khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014 (Papi 2014) do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cùng Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố cho thấy chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ số người bị cán bộ công chức "vòi vĩnh" dám đứng ra tố cáo hành vi này.
Chỉ só khoảng 2,96% số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi tiêu cực này trong khi theo theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (Điều 279 Bộ luật hình sự), nhận hối lộ mức 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, theo khảo sát, khả năng chịu đựng sự “vòi vĩnh” của cán bộ, công chức trong dân dường như gia tăng theo thời gian.
Khi được hỏi về số tiền đòi hối lộ phải lớn tới mức nào thì người dân bắt đầu tố cáo cán bộ UBND xã/phường hoặc công an xã/phường “vòi vĩnh”, trung bình toàn quốc, mức tiền đó tăng mạnh từ 5,52 triệu đồng năm 2011 lên 8,89 triệu đồng năm 2014.
Kết quả khảo sát ở chỉ tiêu này năm 2014 cho thấy người dân Lào Cai có khả năng chịu đựng tham nhũng cao hơn, bởi giá trị trung bình khi họ bắt đầu tố cáo hành vi vòi vĩnh của cán bộ chính quyền cấp cơ sở là 16,8 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều so với giá trị thấp nhất toàn quốc 3,04 triệu đồng ghi nhận ở Hậu Giang.
Khảo sát cũng chỉ ra năm 2014, trên phạm vi toàn quốc chỉ có 39,7% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.
Có 4 nguyên nhân người dân chịu đựng tham nhũng mà không tố cáo: Hơn 56% cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì; 7,7% sợ bị trù úm, trả thù; 9% cho rằng thủ tục tố cáo rườm rà và 7,3% không biết tố cáo thế nào.
Bình luận (0)