Hằng ngày, ông Nguyễn Sỹ Hồ luôn cập nhật thông tin, hình ảnh về các liệt sĩ đưa lên trang web Người Đưa Đò
Từ nỗi niềm riêng
“Họ nằm yên trong lòng đất mẹ suốt 36 năm, không họ tên, ngày sinh, quê quán, đơn vị; không có ngày giỗ…” - ông Nguyễn Sỹ Hồ mở đầu câu chuyện về 7 liệt sĩ của Trung đoàn 271, trong đó có anh trai mình là Nguyễn Đăng Khoa, SN 1950 tại huyện Hương Khê - Hà Tĩnh, nhập ngũ tháng 12-1969. Lời kể của ông cứ đứt quãng bởi những tiếng nấc từ nỗi đau của người trong cuộc cứ day dứt người nghe.
Sau chuyến ông Nguyễn Đăng Khoa về thăm nhà trước khi hành quân vào Nam chiến đấu hồi tháng 8-1971, gia đình bặt tin con trai. Rồi từ đó, có một người đàn ông tuổi lục tuần cứ lặn lội từ xóm trên xuống xóm dưới hỏi tin con mỗi khi có bộ đội từ chiến trường miền Nam trở về. Hình ảnh người cha già nuốt nước mắt vào lòng khi nhận những cái lắc đầu cứ ám ảnh và thôi thúc ông Nguyễn Sỹ Hồ đi tìm anh.
Tháng 4-1977, gia đình ông Nguyễn Sỹ Hồ nhận được giấy báo tử của ông Nguyễn Đăng Khoa với thông tin rất mơ hồ “hy sinh tại mặt trận phía Nam”. Suốt 30 năm tìm kiếm không thành, gia đình ông tuyệt vọng chấp nhận rằng người thân mình là một trong hàng ngàn liệt sĩ vô danh.
Tuy nhiên, hy vọng được thắp lên khi cuối năm 2007, ông Nguyễn Sỹ Hồ tình cờ tìm được tấm giấy khen của anh mình do thủ trưởng Trung đoàn 271 ký tặng. “Sau khi đăng một mẩu tin tìm mộ liệt sĩ lên mạng, tôi đã nhận được thông tin Trung đoàn 271 thuộc Sư đoàn 5 hiện đóng tại Phú Giáo - Bình Dương. Điều đó càng thúc giục tôi phải tìm bằng được nơi yên nghỉ của anh mình” - ông nghẹn ngào.
Những gian khổ trong quá trình tìm mộ anh mình chưa một lần làm ông Nguyễn Sỹ Hồ rơi lệ, thế mà ông đã òa khóc như một đứa trẻ khi thấy trong danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 271 hy sinh từ năm 1972 đến 1975, ông Khoa hy sinh ngày 16-4-1973 chứ không phải 15-10-1972 như giấy báo tử. Cuối cùng, ông đã tìm được mộ anh mình tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Huệ trong khu mộ liệt sĩ chưa biết tên với mã số từ 1 đến 7.
May mắn hơn là sau đó, ông Nguyễn Sỹ Hồ đã được các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ 70 triệu đồng kinh phí giám định ADN cho 7 hài cốt liệt sĩ. Đến ngày 22-12-2008, anh trai ông cùng các chiến sĩ khác đã được làm giỗ đúng ngày và ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ đã có họ tên như cha mẹ đã đặt cho họ lúc cất tiếng chào đời.
Trả lại tên cho liệt sĩ
“Giọt nước mắt hạnh phúc của cha đã thôi thúc tôi làm một điều gì đó cho thân nhân liệt sĩ cũng như trả đúng tên họ cho liệt sĩ” - ông Nguyễn Sỹ Hồ tâm sự. Nghĩ là làm, từ năm 2008, ngoài thời gian đứng trên bục giảng, ông đã không quản ngại nắng mưa, vất vả lặn lội khắp các nghĩa trang liệt sĩ ở Bình Dương, Tây Ninh… để chụp hình những tấm bia mộ chưa có thân nhân đến nhận. Những chuyến đi của ông kéo dài từ hàng trăm đến hàng ngàn cây số.
Sau khi lang thang khắp nhiều nghĩa trang liệt sĩ, ông Nguyễn Sỹ Hồ tìm đến các sở LĐ-TB-XH, vào các quân khu, trung đoàn, bộ chỉ huy quân sự nhiều địa phương xin chép hồ sơ danh sách liệt sĩ cũng như tìm hiểu thêm về hồ sơ lưu trữ thông tin liệt sĩ. Khi đã có tư liệu trong tay, ông cẩn thận trích lọc và xử lý theo từng địa phương và khu vực. Một mặt, ông viết thư gửi cho thân nhân các liệt sĩ khi những thông tin có địa chỉ rõ ràng, một mặt đưa lên blog ở địa chỉ http://teacherho.vnweblogs.com với giao diện thân thiện, dễ tra cứu.
Ngoài việc thu thập thông tin đưa lên mạng, ông Nguyễn Sỹ Hồ còn sẵn lòng đi cùng với các gia đình liệt sĩ đến tận nơi người thân của họ yên nghỉ chỉ để chỉ đường cho thân nhân cũng như giúp họ làm những thủ tục cần thiết. Mới đây, ông đã “nâng cấp” blog Người Đưa Đò thành website để thân nhân liệt sĩ thuận tiện hơn trong việc truy cập cũng như phản hồi thông tin.
“Bây giờ, trên website Người Đưa Đò có hơn 50.000 hình ảnh và 200.000 thông tin về liệt sĩ. Vẫn còn khoảng 16.000 thông tin tôi chưa kịp đưa lên” - ông Nguyễn Sỹ Hồ cho biết. Nhờ sự cần mẫn đó, ông đã “đưa đò” cho hơn 1.000 gia đình tìm được mộ liệt sĩ, góp phần làm dịu nỗi đau của những người mẹ, người cha, người vợ... 20.000 liệt sĩ đã được ông trả lại đúng tên và địa chỉ với tấm lòng của người còn sống đối với những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.
Hồi sinh từ những mất mát
Ông Nguyễn Sỹ Hồ không thể quên cuộc điện thoại của một người đàn ông chừng 50 tuổi được ông giúp tìm được mộ người thân. Người đàn ông ấy khóc nấc lên từng hồi, giọng nghẹn ngào: “Cho tôi được quỳ dưới đất lạy thầy... Một nhà ngoại cảm cho rằng mộ bố tôi trên Đắk Nông nhưng nhờ thầy, tôi tìm được mộ ông chính xác ở Cai Lậy - Tiền Giang”.
Có thân nhân liệt sĩ còn muốn đến tận nơi chỉ để xem ông Nguyễn Sỹ Hồ “có phải là người không”. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Đình Liên, em ruột của liệt sĩ Nguyễn Đình Thiên ở huyện Kỳ Tân - Hà Tĩnh. “Anh Liên hết sờ tay, sờ chân rồi véo má, véo tai kiểm tra xem tôi có phải là người thật hay không vì anh ấy nghĩ người thật không làm được chuyện này” - ông Hồ xúc động.
Trên Người Đưa Đò có hơn 50.000 hình ảnh, 200.000 thông tin về liệt sĩ và khoảng 16.000 thông tin chưa kịp đưa lên. Chủ nhân trang web này đã cần mẫn “đưa đò” cho hơn 1.000 gia đình tìm được mộ liệt sĩ, góp phần làm dịu nỗi đau của những người mẹ, người cha, người vợ... |
Chưa bao giờ mệt mỏi Vào Người Đưa Đò, ta dễ dàng nhận thấy hàng trăm bức thư điện tử từ mọi miền đất nước cảm ơn, động viên, chia sẻ dành cho chủ nhân trang web. Dù công trình này tốn khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc nhưng dường như chưa bao giờ ông Nguyễn Sỹ Hồ thấy mỏi mệt.
Ông Nguyễn Sỹ Hồ chụp ảnh bia mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 - Quảng Trị để đưa lên website Người Đưa Đò (Ảnh do nhân vật cung cấp) “Một cuộc điện thoại, một lá thư điện tử của thân nhân các gia đình liệt sĩ gửi về báo tin đã tìm thấy mộ người thân nhờ trang web Người Đưa Đò là niềm vui, hạnh phúc để tôi quên đi sự mệt mỏi của tuổi tác để tiếp tục công việc này” - ông Hồ tâm sự. |
Bình luận (0)