30 năm hoạt động bí mật giữa Sài Gòn, H3 không chỉ cung cấp những thông tin tình báo tối mật mà còn là địa chỉ đỏ giúp đỡ, che giấu cán bộ cách mạng hoạt động khi vào thành trong những chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968, đại thắng mùa Xuân 1975.
Cựu điệp viên H3 - Nguyễn Văn Lễ (bìa phải) cùng các bạn học
trong một lần đến thăm người thầy - GS Trần Văn Giàu. Ảnh tư liệu của Lê Phong Lan
Gia nhập A20
Tên đầy đủ của H3 là Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ), sinh quán Vĩnh Hựu, Gò Công Tây - Tiền Giang, tham gia cách mạng từ năm 1945 trong quốc vệ đội tại Tiền Giang, làm trưởng ban cứu thương ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trước yêu cầu kháng chiến tại tỉnh nhà, năm 1951, ông được phân công vào nội thành Sài Gòn hoạt động bí mật trong lòng địch. Ông mất liên lạc với tổ chức kể từ năm 1957, khi cán bộ phụ trách đột ngột hy sinh.
Trong điều kiện phải hoạt động đơn độc, ông Ba Lễ không lúc nào quên mình là người của cách mạng và luôn tìm cách giúp đỡ những người tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức.
Năm 1963, thủ trưởng Cụm Tình báo A20 Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí) nhận lệnh vào thành xây dựng mạng lưới. Người đầu tiên mà ông tìm đến là Chánh Văn phòng đặc biệt kiêm Bí thư của Tổng Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn Nguyễn Văn Lễ. Sáu Trí là anh họ ông Ba Lễ.
Sau một buổi tối chuyện trò và gợi mở về tư tưởng giữa 2 người, ông Ba Lễ chính thức gia nhập Cụm Tình báo A20 với mật danh H3. Và từ đây về sau, ông đã lập được nhiều chiến công quan trọng, đặc biệt cho Cụm A20.
Điệp viên trong Hạ viện
Ngoài bản lý lịch “đỏ”, ông Ba Lễ còn mang một lý lịch khác cũng không kém phần dữ dội. Năm 1951, ông bắt đầu con đường thâm nhập bộ máy chính quyền Sài Gòn.
Ông được nhận vào làm việc tại Ty Đặc cảnh miền Đông, thuộc Nha Công an Cảnh sát Nam phần do anh rể họ Trần Bá Thành (về sau là điệp viên mang bí số H1) làm trưởng ty. Năm 1953, ông được biệt phái sang Nha An ninh quân đội, theo dõi hoạt động của các giáo phái.
Sau Hiệp định Geneve, ông Ba Lễ lần lượt trải qua các chức vụ: Trưởng Ban Chiêu hồi các lực lượng giáo phái kiêm Trưởng Chi nhánh Công an Tân Định rồi Trưởng Phòng Kiểm soát các trại định cư, Trưởng Ty Công an Cảnh sát Bạc Liêu (1955), Trưởng Ty Công an Cảnh sát tỉnh Cà Mau (1956), Trưởng Phòng Tố cáo Khiếu nại Nha Công an Cảnh sát Nam phần (1957), Phó Ty Công an tỉnh Kiến Tường (1959), Trưởng Ty Công an Côn Sơn (1960), quyền Trưởng Ty Công an Bà Rịa - Vũng Tàu (1961), Trưởng Ty Công an tỉnh Vĩnh Bình (1962 - 1963)...
Năm 1963, sau khi tham gia đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô, ông Ba Lễ được đề cử giữ chức Chánh Văn phòng đặc biệt kiêm Bí thư Tổng Giám đốc Tổng nha Công an Cảnh sát Sài Gòn. Sau cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh, ông Ba Lễ rút khỏi ngành cảnh sát và bắt đầu tìm kiếm con đường đến Hạ viện của chính quyền Sài Gòn.
Ông xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, ra ứng cử dân biểu khu vực Gò Công quê nhà. Cấp trên đồng ý. Và ông trúng cử với số phiếu bầu cao, được bầu tiếp vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Lao động Xã hội Chiến binh của Hạ viện chính quyền Sài Gòn.
Với vỏ bọc mới và vị thế thuận lợi, điệp viên Ba Lễ đã tạo dựng các mối quan hệ rộng khắp để thu thập các tin tức tình báo, đặc biệt là những tin nguyên bản tuyệt mật, rất giá trị, phục vụ hoạt động của tổ chức cách mạng.
Bản tin “đáng giá ngàn vàng”
Ông Ba Lễ có một người bạn sĩ quan rất thân ở Phòng An ninh - Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam. Những tin tức tình báo tối mật của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thường không phổ biến rộng rãi nhưng cơ quan này luôn được cung cấp đầy đủ và nhanh chóng. Ông Ba Lễ thường dựa vào nguồn này để lấy những tin quan trọng đó.
Một buổi cà phê sáng, người bạn ở Phòng An ninh tiết lộ với Ba Lễ thông tin tối mật, rằng một cán bộ Việt cộng mới hồi chánh đã khai báo chi tiết về căn cứ Trung ương cục ở Tây Ninh.
Sau khi kiểm chứng, tình báo Mỹ đánh giá tin này chính xác và chuyển thông tin sang Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ tại Thái Bình Dương để chuẩn bị kế hoạch hủy diệt. Như thường lệ, ông Ba Lễ mượn tài liệu để đọc và tranh thủ chụp một bản gửi cấp tốc vào chiến khu.
Một ngày tháng 4-1969, sau khi nhận xấp tin tình báo của H3, ông Nguyễn Đức Trí (bấy giờ là thủ trưởng J22) chú ý một bản tin đặc biệt quan trọng.
Tin nguyên bản có kèm theo sơ đồ vẽ tỉ mỉ các địa điểm đóng quân, tổ chức, cán bộ của Quân ủy miền, Cục Chính trị, Cục Tham mưu, Cục Hậu cần tại căn cứ ở Sóc Mông - Tây Ninh. Ngay lập tức, tin được hỏa tốc gửi đi trong đêm đến thủ trưởng và tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền.
Một lệnh sơ tán khẩn cấp được ban ra. Tất cả các cơ quan của Bộ Tư lệnh miền, Cục Chính trị, Cục Tham mưu và Cục Hậu cần cùng các phòng, ban trực thuộc phải di chuyển ngay lập tức trong ngày khỏi Sóc Mông.
Cuộc di tản vừa kết thúc thì một đợt tập kích bằng pháo đài bay B52 ác liệt đã diễn ra trên vùng căn cứ cũ, kéo dài từ 20 giờ đến tận 5 giờ hôm sau.
Toàn bộ vùng căn cứ của Trung ương cục rộng khoảng 20 km2 tại Sóc Mông bị phá hủy hoàn toàn. Nếu không có nguồn tin từ Ba Lễ, rất có thể toàn bộ căn cứ của Trung ương cục đã bị xóa sổ, thiệt hại về nhân lực - vật lực rất lớn.
Đầy ắp chiến công
Công văn số 777/TC2 của Tổng cục II - Bộ Quốc phòng đánh giá: “Đồng chí Nguyễn Văn Lễ nguyên là cán bộ của ngành, có 37 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 30 năm hoạt động trong lòng địch. Đồng chí tạo được vỏ bọc tốt, chui sâu vào hàng ngũ cao cấp của quân đội và ngụy quyền Sài Gòn nên đã cung cấp cho ta nhiều tin tức nguyên bản có giá trị chiến lược như: Tin địch dùng B52 hủy diệt căn cứ Trung ương cục, ta đã kịp thời di chuyển cơ quan, tránh được tổn thất; kế hoạch hành quân Junction City, Mậu Thân 1968; Đường 9 - Nam Lào; kế hoạch bố trí lực lượng Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam; kế hoạch địch dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, kể cả dùng B52 đánh vào Hà Nội; kế hoạch địch dùng biệt kích thám báo ra miền Bắc… Ta đã kịp thời đối phó có hiệu quả…
Trong Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch năm 1975, đồng chí đã trực tiếp đi điều tra các mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, phục vụ cho cuộc tổng tấn công. Đồng chí là một trong ba người được giao thảo tuyên bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc trước Đài Phát thanh và chứng kiến sự đầu hàng đó. Do lập được nhiều thành tích xuất sắc, đồng chí đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương chiến công…”. |
Kỳ tới: Anh hùng thầm lặng
Bình luận (0)