Về những vụ việc xuất phát từ khiếu nại, tố cáo, qua xác minh, kiểm tra, cơ quan hữu trách đều kết luận có vi phạm. Vụ mới nhất được Thanh tra Bộ Nội vụ công bố ngày 8-3 là ông Vũ Huy Hoàng, lúc đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến tháng 6-2016 đã bổ nhiệm 345 trường hợp, trong đó nhiều trường hợp bổ nhiệm có sai phạm, không đúng quy định pháp luật. Điển hình là các quyết định bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Riêng trường hợp ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng, các quyết định bổ nhiệm giữ trọng trách tại bộ này và tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) do lãnh đạo Bộ Công Thương ra quyết định cũng đã được thu hồi.
Giữa tháng 2-2017, Bộ Nội vụ công bố kết quả kiểm tra bổ nhiệm 58 trường hợp tại 9 địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả nhà làm quan”, gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, TP Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Yên Bái và Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng. Qua đó, Bộ Nội vụ đề nghị miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo đối với ông Hồ Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện A Lưới; đề nghị chấm dứt hợp đồng lái xe tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với ông Nguyễn Văn Thanh (do vượt chỉ tiêu được giao)...
Mới nhất là trường hợp thăng tiến “thần tốc” của bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Sinh năm 1986, từ nhân viên hợp đồng vào năm 2011, đến năm 2015 được bổ nhiệm làm trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản của sở này. Ngoài thăng tiến như “vũ bão”, bà Quỳnh Anh sở hữu nhiều bất động sản cao cấp, xe sang. Sở dĩ dư luận săm soi bởi tin đồn về các quan hệ của bà này với chức sắc lãnh đạo ở địa phương để tiến thân và ngày càng giàu có.
Không thể nào không “bổ ngửa” với những quyết định bổ nhiệm đó. Từ các kết quả thanh tha, kiểm tra công bố vừa qua, có thể thấy cái gọi là “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, hay “bổ nhiệm người nhà chứ không bổ nhiệm người tài” đều đúng cả. Khi có sự thao túng của nhóm lợi ích với công tác cán bộ thì người tài đã bị tước đoạt đi cơ hội thi thố tài năng, cống hiến. Thay vào đó là nội bộ mất đoàn kết, khó hoạt động hiệu quả. Thế nhưng khâu xử lý như vụ ở 9 địa phương lại quá nhẹ nhàng, nước chảy bèo trôi.
Liệu có cần kiểm tra công tác bổ nhiệm nhân sự ở diện rộng hơn, đồng thời xem xét trách nhiệm cơ quan tham mưu và cá nhân liên quan? Phải có hình thức xử lý tương xứng, cho dù đã về hưu cũng đưa ra xử lý, không để hạ cánh an toàn. Đã đến lúc cơ quan hữu trách hãy bỏ đi những thói quen lâu nay như giơ cao đánh khẽ, chạy theo sự vụ. Phải chấm dứt tư duy nhiệm kỳ, lơ là quay đi là chớp mắt hết 5 năm, những nhân sự đó đã thao túng bộ máy, gây ra nhiều tổn hại.
Bình luận (0)