Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, khoảng 18 giờ ngày 16-7, trong lúc chuẩn bị bữa cơm, bà Lê Thị Ngọc Diệp (SN 1972) không thấy con trai là Lâm Chí Thuận (SN 2007) chơi trước nhà nên đi tìm. Khi đến chùa Bảo Quốc (cách nhà khoảng 1 km), bà Diệp thấy cháu Thuận ở gần đó. “Cạnh con tôi có một người đàn ông ăn mặc lịch sự. Lúc này, tay con tôi nắm chặt cành cây như sợ ai đó kéo đi, mặt thì sắp khóc. Cách đó vài mét là một xe tải, bên trong có 2 người đàn ông, 1 phụ nữ” - bà Diệp kể.
Dụ dỗ nhiều trẻ em
Bà Diệp cho biết khi được hỏi tại sao dẫn cháu Thuận đến đây thì người đàn ông trả lời: “Tôi là cha của bé Đạt, bạn con chị. Tôi dẫn thằng bé ra đây để cho đồ chơi”. Nghi con mình bị bắt cóc, bà Diệp đã kéo người đàn ông này đến khu chợ gần đó rồi la lớn: “Có người bắt cóc”. Sau đó, người đàn ông này bị đưa đến công an trình báo.
Theo lời kể của cháu Thuận, khi cháu đang chơi trước nhà thì người đàn ông trên dẫn đi và nói sẽ cho đồ chơi. Trong lúc đi, Thuận đòi về gặp mẹ nhưng bị người này dùng tay bịt miệng. Nhiều người dân sống ở khu vực trên thông tin thêm lúc 17 giờ cùng ngày, người đàn ông đã dụ dỗ 2 đứa trẻ khác ở gần chợ đầu mối nông sản Hóc Môn. “Con tôi cũng bị người này dụ dỗ nhưng tôi đã phát hiện nên dẫn về kịp” - ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1968) nói.
“Thấy gia cảnh tội nghiệp nên cho về”
Tại trụ sở Công an xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM, người đàn ông khai tên là Vòm Quý Kiệt (gốc Trung Quốc, SN 1971), tạm trú quận 12. Sau vài giờ bị tạm giữ, ông Kiệt đã được người nhà bảo lãnh về nhà. Theo trung tá Ngô Tiến Hùng, Trưởng Công an xã Xuân Thới Thượng, lý do cho ông Kiệt về là vì có vợ làm đơn xin bảo lãnh với nội dung: “Chồng tôi bị trầm cảm, có biểu hiện tâm thần, thích con trẻ nên hành động lạ”.
Trung tá Hùng cho biết tại cơ quan công an, ông Kiệt ít nói, chỉ cười như một người tâm thần; còn người đến bảo lãnh tự xưng là vợ, 10 ngón tay đều bị cụt. “Thấy gia cảnh họ tội nghiệp nên tôi đã đồng ý cho bảo lãnh. Việc ông Kiệt có bệnh hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu người nhà cung cấp giấy tờ” - ông Hùng nói.
Trước thông tin cho rằng ông Kiệt bị tâm thần, bà Diệp đã bày tỏ sự bức xúc. “Ông ta đôi co với tôi rất rành rọt. Lúc vào trụ sở công an thì mới giả bộ chứ không có chuyện bệnh tâm thần, thích trẻ con. Tôi vừa nộp đơn kiến nghị đến Công an huyện Hóc Môn để yêu cầu làm rõ 2 nội dung. Thứ nhất, có hay không đường dây bắt cóc trẻ em với sự tham gia của ông Kiệt. Thứ hai, Công an xã Xuân Thới Thượng vì sao lại thả người dễ dàng như vậy?” - bà Diệp thông tin.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã đến phường Thạnh Xuân, quận 12 để xác minh nhân thân của ông Kiệt. Người dân ở đây khẳng định ông Kiệt không hề bị bệnh tâm thần và vợ ông - bà Nguyễn Thị Mến (SN 1969) - cũng không bị cụt tay. “Bà Mến sống ở khu vực này khá lâu. Lúc trước, bà sống trên chiếc xuồng cùng với chồng (ông Kiệt - PV) và 2 con. Cách đây 2 năm, gia đình thuê một căn nhà gần đó sinh sống. Từ khi lên bờ, ông Kiệt không còn sống chung nữa.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Trinh (SN 1995, con ông Kiệt) cho biết: “Tối 16-7, cha tôi có gọi điện thoại về thông báo bị bắt ở trụ sở Công an xã Xuân Thới Thượng. Tôi gọi điện thoại cho mẹ để thông báo nhưng bà không có mặt ở TP HCM. Sau đó, tôi nhờ cô Trang - người bị cụt 10 ngón tay - đến bảo lãnh cho cha về”.
Cần làm rõ nhiều vấn đề
Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM), để xác định một người có bị tâm thần hay không thì cần giám định y khoa về thần kinh chứ không thể chỉ dựa vào những lời nói, cử chỉ vu vơ. Việc Công an xã Xuân Thới Thượng cho người không phải vợ bảo lãnh ông Kiệt về là không thỏa đáng.
“Đối với vụ việc này, công an cần làm rõ mục đích và động cơ ông Kiệt dụ dỗ cháu Thuận để làm gì? Kiểm tra ông Kiệt về vấn đề thần kinh vì có thể đối tượng vi phạm khi bị bắt thường giả bộ bị bệnh tâm thần nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra” - luật sư Thảo nói.
Bình luận (0)