Thông tin về một doanh nghiệp hào phóng tặng 2 “siêu xe” trị giá 6,2 tỉ đồng cho tỉnh Cà Mau gây xôn xao dư luận những ngày qua. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu đằng sau việc tặng xe, doanh nghiệp này có được ưu ái và hưởng lợi gì?
Sáng 22-2, ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý)- doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe Lexus GX 460 trị giá mỗi chiếc 3,1 tỷ đồng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau- đã trả lời Báo Người Lao Động nhiều vấn đề xung quanh việc cho tặng 2 xe nói trên; việc tạm ứng 25 tỉ đồng bảo trì nhà máy xử lý rác; việc khai thác cát tại Khu du lịch Khai Long (Cà Mau)….
Tự nguyện, không có ý “đi cửa sau”
Nói về mục đích tặng xe cho tỉnh Cà Mau, ông Dân cho rằng do thấy đường xá Cà Mau xấu, trong khi lãnh đạo tỉnh phải liên tục đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống cháy rừng… mà không có xe tốt để đi nên vào ngày 23- 3-2 016, Công ty Công Lý có công văn gửi UBND tỉnh Cà Mau, ngỏ ý muốn tặng 2 xe nói trên. “Thời điểm đó tỉnh đang thiếu phương tiện nhưng Trung ương chưa cho phép tỉnh sắm xe công nên tôi tự nguyện tặng xe chứ không có dụng ý gì khác. Bởi lúc này tôi cũng vừa thành công với dự án điện gió Bạc Liêu và tôi cũng là người con quê hương Cà Mau, từng đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác, Khu Du lịch Khai Long… Không chỉ có tặng xe, tôi cũng đã đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh; đồng thời còn đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, làm đường, tặng quà cho hộ nghèo… với kinh phí hỗ trợ an sinh xã hội hàng chục tỉ đồng…”, ông Dân nói.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau khẳng định không dùng xe doanh nghiệp tặng để đi làm
Trả lời phóng viên về việc dư luận cho rằng có phải vì tặng xe cho tỉnh nên Công ty Công Lý được ưu ái cho ứng kinh phí xử lý rác 25 tỉ đồng, ông Dân nói: “Nếu có ý đi “cửa trước, cửa sau” thì tôi đâu cần thiết phải tặng xe cho tốn kém. Mà xe sử dụng mục đích công chứ có riêng ai đâu. Còn việc ứng 25 tỉ đồng cho nhà máy rác là nhu cầu cấp thiết. Tỉnh đã từng duyệt cho tạm ứng 20 tỉ vào năm 2013 chứ đâu phải tặng xe rồi mới cho tạm ứng”.
Cũng theo ông Dân, Nhà máy xử lý rác Cà Mau có công suất 200 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác ở TP Cà Mau chỉ đáp ứng được khoảng 160 tấn/ngày nên hàng năm công ty phải bù lỗ trên 10 tỉ đồng, có năm trên 20 tỉ đồng. “Doanh nghiệp tôi đã chấp nhận lỗ lã để duy trì nhà máy hoạt động thường xuyên. Thời gian gần đây, nhiều thiết bị máy móc xuống cấp nặng nên chúng tôi xin tạm ứng kinh phí để bảo dưỡng. Tiền tạm ứng trừ dần vào kinh phí xử lý rác hàng tháng”, ông nói.
Trả lời tại buổi họp báo ngày 21-2, ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, cho rằng việc hỗ trợ, tạm ứng cho Công ty Công Lý 25 tỉ đồng là căn cứ vào Luật Ngân sách và nhu cầu của doanh nghiệp. Về căn cứ để hỗ trợ, tạm ứng số tiền vượt mức quy định theo quy định của Bộ Tài chính, ông Khởi cho rằng căn cứ vào hợp đồng mua thiết bị của Công ty Công Lý sau khi đã khảo sát thực tế nhu cầu của doanh nghiệp này.
Có dấu hiệu ưu ái?
Vào ngày 6- 12- 2016, trên đường tuần tra đến khu du lịch Khai Long (ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) do Công ty Công Lý đầu tư cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau phát hiện 4 người khai thác cát được cho là trái phép. Những người khai thác cát không xuất trình được giấy phép khai thác và những giấy tờ liên quan; đồng thời khai nhận trung bình mỗi ngày khai thác trên 150 m3 cát và đã hoạt động liên tục gần một tháng. Số cát nói trên được phục vụ cho san lấp mặt bằng công trình trong khu du lịch và làm lộ nhựa nối từ khu du lịch ra đường Hồ Chí Minh với chiều rộng khoảng 24 m, dài 1,5 km, cao 0,5 m và xây dựng bờ kè dài 400 m, độ cao cát bơm khoảng 1 m.
Du luận nghi vấn Nhà máy rác Cà Mau được ứng 25 tỉ đồng có liên quan đến việc tặng xe
Sau khi nhận được báo cáo của BĐBP Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau và Sở TN- MT đã không xử phạt hành chính mà chỉ nhắc nhở. Đến ngày 13- 1- 2017, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản thống nhất nội dung đăng ký khai thác khoán sản làm vật liệu thông thường (cát) trong khu vực dự án bờ kè chống sạt lở Khu Du lịch Khai Long kết hợp du lịch thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư. Giải thích việc không xử phạt vi phạm của Công ty Công Lý, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN- MT Cà Mau, cho biết: “Lẽ ra phải xử phạt hành chính Công ty Công Lý về hành vi này với mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng nhưng do công trình có tính cấp bách và doanh nghiệp bỏ nguồn vốn tương đối lớn để làm nên UBND tỉnh có ý kiến chỉ phê bình, nhắc nhở doanh nghiệp”.
Ngoài ra, mới đây Công ty Công Lý còn để chết 4ha rừng phòng hộ được Nhà nước cho thuê. Lẽ ra công ty phải bị truy trách nhiệm nhưng Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau lại đề xuất tỉnh cho phép công ty tận thu toàn bộ số cây rừng bị chết, trồng lại cây thay thế phục vụ du khách trong Khu Du lịch sinh thái Khai Long do công ty đầu tư.
Ngày 21- 2, UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng, xác định về nguyên nhân cây rừng chết hàng loạt tại Khu Du lịch Khai Long là do thời tiết, triều cường… Lỗi của Công ty Công Lý là chưa thường xuyên theo dõi, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng hiện tượng cây rừng chết để có biện pháp khắc phục. “Qua phân tích các nguyên nhân nói trên, chưa có cơ sở để khẳng định Công ty Công Lý có hành vi cố ý gây chết cây rừng”, báo cáo nêu.
Theo một lãnh đạo tỉnh Cà Mau, việc du di cho một doanh nghiệp có nhiều đóng góp lớn cho địa phương cũng không có gì nghiêm trọng. “Nếu du di được cho doanh nghiệp chỉ mới sai sót lần đầu thì cũng nên du di, tạo cơ hội sửa chữa sai lầm. Chứ cái gì cũng xử lý cứng nhắc thì ai dám mạnh dạn đầu tư vào tỉnh nữa”, vị này nói.
Không dùng xe doanh nghiệp tặng đi làm
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định cá nhân ông và lãnh đạo Tỉnh ủy không sử dụng 2 chiếc xe do Công ty Công Lý tặng để đi làm việc hàng ngày, mà chủ yếu dùng vào việc đi kiểm tra phòng chống lụt bão, cháy rừng, kiểm tra đê điều. “Thỉnh thoảng có đoàn công tác của Trung ương về thì sử dụng xe này để đưa đón...”, ông Hải nói.
Bình luận (0)