Ông Trần Văn Hoàng (SN 1971, tạm trú quận Tân Bình, hành nghề xe ôm), người có “thâm niên” bắt trộm cướp gần 20 năm, là một trong những “gương sáng phố phường” được mời giao lưu nhân kỷ niệm 9 năm ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và 69 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân diễn ra vào tối 15-8. Buổi giao lưu do Báo Công An TP HCM, Cung Văn hóa Lao Động và Đài Truyền hình TP phối hợp tổ chức.
Bị dọa chém, vẫn bắt cướp
Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông trung niên có nụ cười hiền khô, lối nói chuyện chân chất, dễ mến. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, ông Hoàng cùng đồng đội đã phá 21 vụ cướp giật và trộm cắp tài sản, bắt 34 đối tượng, thu nhiều tang vật cùng phương tiện gây án giao công an.
Năm 1987, ông Hoàng từ Bình Định vào TP HCM làm thuê rồi lấy vợ- cũng làm thuê. Vụ bắt cướp đầu tiên là vào năm 1995. Lúc ấy, ông Hoàng nghe tiếng la cướp, sau đó xuất hiện 3 thanh niên đi chung xe máy, gã ngồi sau cầm dao nên không ai dám nhào vô. Ông Hoàng nhảy xuống xe đạp đuổi theo, đá văng con dao, bắt gọn đối tượng. Từ đó, ông bắt đầu “nghiệp” bắt trộm cướp.
Năm 2013, ông Hoàng cùng một số thanh niên mê… bắt cướp lập nhóm săn bắt cướp đường phố với 10 thành viên. “Trong 20 năm qua, tôi cùng người dân và anh em trong nhóm bắt trên 200 vụ. Chúng tôi hoạt động trên tinh thần tự nguyện, dùng xe nhà, tự đổ xăng, không đòi hỏi quyền lợi. Vì vậy, nếu phát hiện thành viên nào lợi dụng việc hành hiệp để tiêu cực, chúng tôi loại ra khỏi nhóm” - ông Hoàng khẳng định.
Chúng tôi thắc mắc rằng "làm quá" có sợ bị băng nhóm trộm cướp trả thù không, ông Hoàng cười: “Lúc đầu cũng ngán nhưng cách đây 10 năm, khi bạn tôi bị giật dây chuyền ngã xuống đường còn bị bọn cướp đạp vào đầu để lấy bằng được tài sản dẫn đến tử vong, tôi không còn sợ bọn chúng nữa. Nếu để nỗi sợ hãi lấn át trước cái ác, tôi không ngủ yên.
Từ sau khi lập nhóm bắt trộm cướp, tôi bị dọa chém 15 lần. Năm 2013, khi đang ngồi chờ khách trên đường, tôi bị 2 đối tượng dùng mã tấu chém, dù né được nhưng vẫn phải khâu 3 mũi. Cách đây 5 ngày, một đôi nam nữ chạy xe máy đến nơi tôi đậu xe ôm, đe dọa sẽ chém tiếp” - ông kể.
Đến giao lưu tại hội nghị “Gương sáng phố phường” lần này còn có chị Nguyễn Thị Thanh Thới (SN 1973, ngụ quận 7), tuy làm nội trợ nhưng khi thấy cướp vẫn dũng cảm đuổi theo hạ gục chúng; trung úy Bùi Thị Ngọc Vân (SN 1981, trinh sát Đội 5 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP HCM), từng tham gia cùng đồng đội phá những vụ án lớn như “đường dây bán dâm ngàn đô”, những quán bar chuyên phục vụ cho khách nước ngoài trên đường Hai Bà Trưng...
Mong muốn một chút sẻ chia…
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những tấm lòng nhân ái nhiệt tình giúp đỡ cộng đồng, làm cho cuộc sống thêm ấm áp tình người, như: anh Huỳnh Thanh Trang (SN 1978, ngụ quận Bình Tân), ông Lương Tấn Hằng (SN 1965, giám đốc kiêm Trưởng đoàn Lân sư rồng Hằng Nghĩa Đường ở quận 11)…
Nhà anh Trang có 150 phòng trọ, trong thời buổi kinh tế khó khăn, dù xung quanh các chủ nhà trọ đều cho thuê với giá 1,2- 1,5 triệu đồng/phòng/tháng, anh Trang vẫn cho công nhân thuê chỉ 600.000- 900.000 đồng.
“Thấy đời sống công nhân quá khó khăn, đồng lương thấp, họ không chỉ lo toan cho bản thân mà còn nuôi gia đình ở dưới quê nên tôi chia sẻ chút ít với mong muốn tạo chỗ ở ổn định cho anh chị em. Thu nhập gia đình tuy ít hơn một chút nhưng tôi vui vì giúp đỡ được nhiều người” - anh Trang tâm sự. Ngoài việc cho thuê phòng trọ giá rẻ, mỗi năm, anh cùng gia đình còn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức tặng quà cho người nghèo tại địa phương, tổ chức đón Tết cho công nhân không có điều kiện về quê…
Với niềm đam mê, năm 21 tuổi, ông Hằng đã đứng ra lập một đoàn lân và đặt tên là Hằng Nghĩa Đường. Ông luôn quan tâm đến những em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ cơ nhỡ, bụi đời... Vì thế, không chỉ tạo điều kiện cho các em học nghề, ông còn đứng ra nhận nuôi. Năm 1999, ông Hằng được UBND quận 11 giao phần diện tích trong khuôn viên nhà thiếu nhi quận để mở mái ấm.
Tính đến nay, đội lân Hằng Nghĩa Đường đã có trên 1.000 thành viên, trong đó có 70 em là trẻ lang thang, bụi đời, chấp hành án phạt tù trở về… Ngoài việc dạy học múa lân sư rồng, học sản xuất đầu lân…, Hằng Nghĩa Đường còn giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp thanh thiếu niên học nghề như lái ô tô, đồ họa, quay phim… Đến khi các em trưởng thành, ông Hằng giới thiệu vào làm việc tại những doanh nghiệp, công ty quen biết.
Luôn tỏa sáng
Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết qua 15 năm, chương trình “Gương sáng phố phường” đã giới thiệu, tổ chức giao lưu với 75 cá nhân điển hình, trong đó có 34 cán bộ, chiến sĩ công an và 41 người dân. Từ những khu phố trung tâm đến xóm, ấp nơi ngoại ô, xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh người dân lao động bình thường nhưng đầy lòng nhân ái và quả cảm trong công cuộc bảo vệ bình yên cho TP. Bên cạnh đó, còn có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an tận tình giúp đỡ, phục vụ nhân dân; không quản ngại hy sinh, dũng cảm đấu tranh chống các loại tội phạm. Rất nhiều người trong số họ luôn tỏa sáng trên mỗi góc phố, con đường.
Bình luận (0)