Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, cho biết lịch sử ngành thận nhân tạo 45 năm từ khi thành lập đến nay chưa từng xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng như vụ sốc phản vệ làm 7 bệnh nhân chạy thận tại BVĐK Hòa Bình tử vong.
Theo bác sĩ Dũng, trong chạy thận nhân tạo có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Các tai biến này thường khá nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử trí chính xác, kịp thời thì nguy cơ khiến bệnh nhân tử vong rất cao. Chẳng hạn, bệnh nhân tụt huyết áp trong lọc máu, nếu không phát hiện xử lý kịp thời trong vài phút bệnh nhân có thể tử vong. Hay như tai biến khí vào máu bệnh nhân, chỉ cần khoảng 10 ml khí vào máu bệnh nhân có thể gây biến chứng tắc mạnh khó cứu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, máy móc lọc máu tốt nên ít xảy ra những tai biến này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch mai
Đặc biệt, hội chứng mất cân bằng là một trong những hội chứng hiếm gặp trong chạy thận nhân tạo nhưng vô cùng nguy hiểm vì rất có thể dẫn đến hôn mê, co giật hoặc tử vong cho bệnh nhân. Bác sĩ Dũng lưu ý để phòng các nguy cơ này, bệnh nhân cần phải trải qua vài chục công đoạn trong lọc máu, được theo dõi chặt từ 3 giờ rưỡi đến 4 giờ trong một lần lọc máu. "Chúng tôi nhìn nhận đây là sự cố trầm trọng, hy hữu, có những bệnh nhân không may đã không thể qua được, vì thế chúng tôi có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân xảy ra sự việc, xem sự cố xảy ra là ở khâu nào. Đây là bài học cho toàn ngành rút kinh nghiệm, sẽ cố gắng tìm sớm nguyên nhân" - ông Dũng nói
Trong khi đó, theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bạch Mai, từ sự cố này, ngành y tế cần rà soát lại tất cả phác đồ, quy trình chạy thận, khu trú vào nhóm nguyên nhân nào để rà soát chuẩn hóa lại, dù đây là quy trình quốc tế đã chuẩn hóa.
Nói về quy trình trình lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn, một điều dưỡng nói thông thường, mỗi bệnh nhân lọc 3 lần/tuần. Quy trình trải qua nhiều bước chặt chẽ, đầu tiên nhân viên y tế sẽ lắp dây và quả lọc, sau đó cắm kim ra và kim vào rồi lần lượt đến các công đoạn nối vào máy cho bệnh nhân, đo dấu hiệu sinh tồn, đo huyết áp mỗi giờ một lần… Sau 3 giờ rưỡi đến 4 giờ, trả máu cho bệnh nhân, đo lại huyết áp trước khi cho bệnh nhân về.
Đáng chú ý, theo điều dưỡng này, trong toàn bộ quy trình, mỗi bệnh nhân có một kim, quả lọc, thiết bị lọc máu riêng, chỉ có hệ thống nước là dùng chung. Do đó, nếu không lọc kỹ, không có hệ thống lọc thì sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân. Với nguồn nước sử dụng cho bệnh nhân trước hết phải lọc thô, sau đó lọc tinh (lọc than hoạt tính, tiếp theo lọc chiếu đèn cực tím, sau đó qua một quả lọc vi khuẩn mới cho bệnh nhân lọc máu). Thông thường, mỗi cuối tuần nhân viên y tế sẽ khử khuẩn bằng formol, nếu chất này không rửa sạch sẽ đọng trong đường ống nước.
"Chỗ chúng tôi đã từng ghi nhận một số bệnh nhân có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt vì kỹ sư tráng quả lọc không sạch" - điều dưỡng này nói.
Sau sửa hệ thống lọc, bệnh nhân gặp sự cố
Chiều 30-5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã làm việc với Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (Hà Nội). Đây là đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị, bảo hành, bảo trì, thiết bị y tế của BVĐK Hòa Bình trong đó có thiết bị lọc máu. Được biết ngày 28-5, một ngày trước khi xảy ra sự cố, công ty này đã bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến thiết bị lọc máu. Sáng 29-5, khi sử dụng hệ thống thiết bị này, 18 bệnh nhân trong lúc chạy thận thì bị tai biến.Ng.Hưởng
Bình luận (0)