xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ cháy chợ vẫn cao

NHÓM PHÓNG VIÊN

Sau vụ cháy trung tâm thương mại ở tỉnh Hải Dương, qua khảo sát nhiều chợ, trung tâm thương mại lớn trong cả nước, cho thấy ý thức phòng cháy, chữa cháy nhiều nơi còn khá hời hợt

Theo các Sở Cảnh sát PCCC, lỗi thường gặp ở các chợ, trung tâm thương mại (TTTM) là tiểu thương sắp xếp hàng hóa cản trở lối đi, không bảo đảm khoảng cách hoặc bày vật dụng, hàng hóa choán lối thoát nạn khi xảy ra cháy. Việc bảo quản phương tiện PCCC cũng như công tác luyện tập và lên phương án chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức.

img
Hàng hóa đầy ắp, lối đi chật hẹp tại Trung tâm Thương mại An Đông, quận 5, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Hà Nội: Tuyên truyền PCCC hằng ngày

Ông Trần Ngọc Thịnh, Phó Ban Chỉ huy PCCC Công ty CP Đồng Xuân (đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân, Hà Nội), cho biết vụ cháy lớn chợ Đồng Xuân cách đây gần 20 năm vẫn là bài học sâu sắc cho công tác PCCC tại đây. Hằng năm, công ty đều có kế hoạch, phương án với sự ưu tiên đầu tư ngân sách cho công tác PCCC. Tuy vậy, thời gian qua, tại đây cũng xảy ra nhiều vụ cháy nhưng may là được dập tắt kịp thời.

Do nguy cơ cháy vẫn còn cao nên hằng ngày, ban quản lý chợ đều có 2 chương trình phát thanh tuyên truyền về PCCC vào sáng và chiều. “Chúng tôi thuê cả phát thanh viên chuyên nghiệp để hấp dẫn người nghe, thêm nhạc đệm để tránh nhàm chán như các chương trình khác” - ông Trần Ngọc Thịnh cho biết.

TP HCM: Ở đâu cũng có hạn chế

TP HCM hiện có hơn 220 chợ, TTTM và siêu thị. Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, cho rằng chợ, TTTM và siêu thị là một trong những khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Vì vậy, sở luôn xác định đây là khu vực quan trọng trong công tác PCCC, duy trì kiểm tra theo định kỳ 4 lần/năm. Sau mỗi lần kiểm tra, sở tiếp tục phúc tra để việc phòng chống cháy nổ có thể đạt hiệu quả ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, theo đại tá Lê Tấn Bửu, các lỗi thường gặp trong PCCC ở các chợ, TTTM, siêu thị như: Tiểu thương sắp xếp hàng hóa cản trở lối đi, không bảo đảm khoảng cách hoặc bày vật dụng, hàng hóa choán lối thoát nạn khi xảy ra cháy. Thậm chí, nhiều nơi khóa cửa thoát hiểm khi đang hoạt động. Việc bảo quản phương tiện PCCC cũng như việc luyện tập và lên phương án chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, để phòng chống cháy nổ, tuy đã cấm thắp nhang, đốt vàng mã tại các chợ, TTTM và siêu thị nhưng nhiều nơi vẫn còn tiểu thương lén lút làm. Dù đã tuân thủ các quy định về việc câu mắc, sử dụng điện an toàn nhưng đôi khi, nhiều nơi vẫn còn để dây điện hở mạch, bong tróc. Nếu lực lượng chức năng lơ là trong kiểm tra, nhắc nhở, đây sẽ là nguy cơ gây cháy nổ.  

“Qua kiểm tra công tác PCCC, bên cạnh ưu điểm, chúng tôi thấy gần như ở đâu cũng có hạn chế với những mức độ khác nhau. Tất nhiên, trong quá trình kiểm tra, Sở Cảnh sát PCCC luôn nhắc nhở và có xử lý vi phạm nhưng chỉ cần sơ hở một chút trong phòng chống là có thể trả giá đắt” - đại tá Lê Tấn Bửu đánh giá.

Đà Nẵng: Cảnh giác cao với cháy vào ban đêm

Ông Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, cho biết nguy cơ cháy nổ tại các chợ, TTTM trên địa bàn hiện vẫn còn cao bởi những nơi này nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy. Bên cạnh đó, nhiều chợ có lối ra vào rất hẹp, hệ thống điện cũ kỹ… Chính vì thế, công tác PCCC tại các chợ, TTTM luôn được đề cao cảnh giác. Hằng năm, tại các chợ, TTTM, lực lượng Cảnh sát PCCC đều diễn tập chữa cháy, bố trí đội chữa cháy túc trực tại chỗ 24/24. Trung bình, 3 tiểu thương có 1 bình chữa cháy để dập lửa kịp thời khi có sự cố xảy ra.

“Nguy cơ cháy vào ban đêm luôn được lực lượng PCCC đề phòng ở mức nghiêm ngặt. Các chợ đều ngắt cầu dao điện khi đóng cửa, trừ nguồn điện cho bảo vệ và PCCC” - ông Hải cho biết.

Nha Trang: Đường chữa cháy chợ Đầm bị chiếm dụng

Chợ Đầm Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa rộng gần 7.000 m2, đưa vào sử dụng từ năm 1974 với khoảng 1.500 hộ kinh doanh.

Theo quan sát của phóng viên, phía trong chợ, hàng quán khá dày đặc, trong khi đường thoát hiểm, đường phục vụ chữa cháy lại bị nhiều người chiếm dụng bất chấp biển cấm…

Theo ông Huỳnh Văn Đệ, Trưởng Ban Quản lý chợ Đầm, chợ đã xuống cấp, trong khi nhiều chủ sạp không theo quy định khi xây dựng, ý thức của một số hộ kinh doanh chưa cao… nên nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Số vụ cháy giảm nhưng thiệt hại tăng

Theo Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (C66 - Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 1.440 vụ cháy, làm chết 22 người, bị thương 52 người, tổng giá trị tài sản thiệt hại gần 580 tỉ đồng. Chỉ riêng với vụ cháy TTTM Hải Dương, thiệt hại tài sản gần bằng tổng số vụ cháy 6 tháng đầu năm. Nếu so với cùng kỳ năm 2012, mặc dù số vụ cháy giảm nhưng tổng thiệt hại lại tăng hơn 32,5 tỉ đồng.

Theo C66, phương tiện của lực lượng PCCC cả nước hiện vừa thiếu vừa lạc hậu. Toàn lực lượng có khoảng 1.200 xe chữa cháy và hỗ trợ, trong đó 2/3 đã sử dụng từ 15-20 năm, thậm chí 30 năm. Trong vụ cháy ở Hải Dương vừa rồi, có những xe có từ những năm 1980 cũng được huy động.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo