Lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo chữa cháy rừng đặc dụng Nam Hải Vân trong đêm 2-5. Ảnh: Hoàng Dũng
Biểu dương lực lượng chữa cháy ở Nam Hải Vân
Trước đó, trong đêm 2-5, theo sự hướng dẫn của các kiểm lâm viên và dân quân địa phương, trên 1.000 bộ đội đã chia thành nhiều mũi tiến vào rừng giữa đêm khuya để dập lửa. Do khu vực cháy nằm sâu trong rừng, không thể đưa xe chữa cháy vào được nên các lực lượng sử dụng máy thổi khói, nhành cây, dao, rựa... từng bước khống chế đám cháy.
Tuy vụ cháy đã được dập tắt nhưng do thời tiết nắng nóng nên nguy cơ lửa bùng phát trở lại rất cao. Ban Chỉ huy Phòng chống cháy rừng Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy trì tại chỗ một xe chữa cháy, một đại đội của Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng và lực lượng kiểm lâm để kiểm tra, kịp thời khống chế các đám cháy tái phát. Chiều 3-5, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng đã vào kiểm tra hiện trường vụ cháy. Ông Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng chức năng đã dũng cảm, quyết liệt ngăn chặn được vụ cháy và yêu cầu sớm tìm rõ nguyên nhân để ngăn ngừa những vụ cháy tương tự.
Theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, toàn bộ một cánh rừng tiểu khu 11 và tiểu khu 4A nằm trên quả đồi rộng lớn bao trùm phần lớn diện tích đèo Hải Vân đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Đám cháy đã lan rộng xuống và chỉ còn cách Quốc lộ 1A khoảng 25 m. Ông Trần Văn Lương cho biết diện tích rừng bị cháy trong vụ hỏa hoạn này là 80 ha, chủ yếu là rừng trồng và lau lách. Nguyên nhân vụ cháy có thể do người dân đốt thực bì hoặc do bom đạn còn sót lại nổ. Ông Phan Thế Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu, kiến nghị cần mở thêm các tuyến đường lên các quả đồi của rừng Hải Vân để thuận tiện cho việc chữa cháy trước nguy cơ nắng nóng kéo dài.
Cháy rừng ở 20 tỉnh
Ngày 3-5, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, TP về phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng. Theo đó, mấy ngày qua, khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao trên diện rộng, ở nhiều địa phương đã xảy ra cháy rừng như: Hà Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Bộ NN - PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, TP chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác PCCC rừng theo chỉ thị và công điện của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức kiểm tra, rà soát các biện pháp triển khai thực hiện phương án PCCC rừng ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời….
Không được chủ quan Ông Hà Công Tuấn cho rằng biện pháp phòng chống cháy rừng quan trọng nhất là các địa phương, chủ rừng phải bố trí trực thường xuyên, canh gác ở nơi có nguy cơ cháy cao, tuyệt đối không cho người ra vào, không tạo ra nguồn lửa… Đặc biệt, khi phát hiện có đám cháy phải tập trung dập tắt, nếu để đám cháy lan rộng thì rất khó khống chế và thiệt hại là rất lớn. Điều cần nhất là các địa phương và chủ rừng không được chủ quan. |
Bình luận (0)