Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu. Tuy nhiên, thực tế khả năng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội có thể xảy ra sớm hơn.
Nhiều nguyên nhân làm mất cân đối thu chi
Nguyên nhân khiến vỡ quỹ có thể xảy ra nhanh hơn là do tỉ lệ thu quá thấp so với mức chi bảo hiểm xã hội. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đang tăng bình quân 0,3 triệu người/năm nhưng số người nghỉ hưởng chế độ một lần lại tăng gấp đôi con số này. Số người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu lại đang giảm từ 217 người trong năm 1996 xuống còn 9,3 người năm 2012.
Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nguyên nhân khác khiến số thu thấp là mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chỉ đạt 66% tiền lương thực tế do các doanh nghiệp (DN) tìm mọi cách lách luật. Hiện nay, mức lương đóng bảo hiểm xã hội chỉ đạt 2,8 triệu đồng/tháng trong khi tiền lương thực tế ở khối DN nhà nước lên đến 3,8 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam - cho biết vấn đề nan giải trong quản lý, sử dụng, giám sát quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay là tình trạng trốn đóng và nợ bảo hiểm xã hội diễn ra ở hầu hết địa phương. Tổng số nợ bảo hiểm xã hội năm 2013 là hơn 4.700 tỉ đồng nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã lên đến hơn 11.000 tỉ đồng.
Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra khá phức tạp, chỉ có 150.000 DN tham gia bảo hiểm xã hội, trong khi cả nước có 300.000 DN đang hoạt động. Theo Bộ LĐ-TB-XH, số người thuộc diện phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 16 triệu nhưng chỉ có gần 11 triệu người đóng bảo hiểm xã hội làm cho số thất thu lên đến 56.000 tỉ đồng.
Thiếu thanh tra chuyên ngành
Để chống nguy cơ vỡ quỹ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất cần rốt ráo thực hiện công tác thu nợ và có chế tài đủ mạnh để tình trạng này không tái diễn. Trong đó, quan trọng là xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành, trao thêm công cụ cho bảo hiểm xã hội tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, quản lý, sử dụng quỹ một cách hiệu quả.
Ghi nhận trong công tác thu nợ bảo hiểm xã hội ở tỉnh Vĩnh Phúc - địa phương liên tục lọt vào tốp 10 đơn vị có tỉ lệ nợ thấp - cho thấy ngành bảo hiểm xã hội đang rất thiếu thẩm quyền để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc, nợ bảo hiểm xã hội của địa phương năm 2013 là 35,667 tỉ đồng, chiếm 2,23% trong tổng số phải thu nhưng 4 tháng đầu năm nay, số nợ đã lên đến 79 tỉ đồng, chiếm 3,9% tổng số thu.
Để thu nợ, bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc đã dùng đến biện pháp cuối cùng là khởi kiện ra tòa 32 đơn vị nhưng chủ DN không đến hầu kiện theo yêu cầu của tòa. Đến khi tòa ra phán quyết cũng không thi hành án được vì rơi vào các tình huống: DN không còn tài sản hoặc không biết chủ DN ở đâu. “Tổ thu nợ phải ăn chực nằm chờ, tìm mọi cách tiếp xúc với lãnh đạo DN để thương thuyết. Đi thu nợ mà không khác gì đi xin nhưng hiệu quả thu vẫn không cao, đạt chưa đến 50%” - ông Lê Đình Tuấn, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc, phân trần.
Nguyên nhân khiến DN “lờn” luật, cố tình chiếm dụng bảo hiểm xã hội là do không có lực lượng thanh tra chuyên ngành. Hiện nay, chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội là ngành LĐ-TB-XH nhưng do lực lượng mỏng nên chỉ thanh tra được khoảng 0,5% DN đang tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ thanh tra lại không được quyền xử phạt, chỉ được lập biên bản kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nên việc xử lý chậm và không có tính răn đe. Vì thế, trong 6.000 đơn vị bị đề nghị xử phạt, mới chỉ có khoảng 900 đơn vị bị phạt hành chính.
Bình luận (0)