xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà may Thiết Lập: Phù thủy đường cong

Bài và ảnh: NGỌC MAI

Trong khi nhát kéo, đường may của Thiết Lập tôn vinh nét đẹp nền nã của người Việt thì Ảnh viện Lộc thổi hồn vào những bức ảnh, lưu giữ nét thanh xuân của bao thế hệ người Sài Gòn

Có thể nói Thiết Lập là nhà may chuyên về áo dài lâu đời gần như nhất nhì Sài Gòn. Ngày nay, xu hướng thời trang thay đổi từng phút nhưng chủ tiệm, anh Nguyễn Văn Vinh, khẳng định dù ở thời đại nào, Thiết Lập vẫn chỉ trung thành với áo dài bởi nó là thế mạnh của thương hiệu này, từng được nhiều thế hệ người Sài Gòn vinh danh.

Vang tận trời Tây

Từ năm 1953, ông Trần Khiêm và bà Nguyễn Thị Bắc đã rời quê hương miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp. Họ chọn một khu đất trên đường Pasteur cất nhà làm tiệm may lấy tên Thiết Lập.

Những chiếc áo dài của Thiết Lập thời ấy nổi tiếng với phong cách rất quý phái, nền nã. Đặc biệt, bằng tài nghệ chít ben tạo dáng eo “con kiến”, Thiết Lập chẳng mấy chốc nổi lên như một hiện tượng. Không chỉ giới ca sĩ phòng trà, hầu hết các nữ sinh thi đậu tú tài đôi cũng chỉ mơ ước có được chiếc áo dài từ nhà may Thiết Lập.

Anh Nguyễn Văn Vinh thực hiện những nét cắt đầu tiên cho chiếc áo dài truyền thống
Anh Nguyễn Văn Vinh thực hiện những nét cắt đầu tiên cho chiếc áo dài truyền thống

Sau năm 1975, gia đình ông bà Khiêm sang Mỹ định cư, giao lại nhà may cho cháu trai là anh Nguyễn Văn Vinh. Từ đó đến nay, Nhà may Thiết Lập vẫn đắm mình với phong cách áo dài truyền thống bằng những đường cắt cúp uyển chuyển, tôn được hết dáng vẻ ngọc ngà của người phụ nữ.

Bàn tay khéo léo của những người thợ tài ba ở Nhà may Thiết Lập không chỉ thể hiện ở từng đường kim mũi chỉ mà còn luôn tìm đường nhấn ở vùng eo. Những biến tấu rất tài tình, có khi chỉ là một lối cắt vải xéo cho giống với chiếc áo đầm hay lấn một đoạn màu ở 2 bên sườn áo rồi cài hờ hững vào đó một chiếc khuy thùa tay vắt  ngang bằng chiếc nút vải, cũng đủ biến những vòng eo quá khổ của nhiều quý bà, quý cô trông như nhỏ lại đến vài phân!

Đưa chúng tôi xem một mẫu áo “ăn gian” vòng eo, anh Vinh ví nó như giai điệu của một bản nhạc. Khi người phụ nữ - dù đẹp hay xấu - mặc vào, nó cũng tấu lên những âm thanh diệu kỳ mà bất cứ ai thưởng thức cũng phải mê mẩn.

Không chỉ tạo uy tín ở Sài Gòn, Nhà may Thiết Lập còn nổi danh ở tận trời Tây.  Rất nhiều người xa quê hương, ở bên kia nửa vòng trái đất vẫn tin tưởng gửi số đo về Việt Nam, chờ Thiết Lập may xong áo chuyển qua để mặc trong các dịp lễ lộc, cưới hỏi.

Tay nghề, bí quyết “độc”

Cũng nâng niu nét đẹp của con người nhưng không phải bằng trang phục mà bằng những bức ảnh, Ảnh viện Lộc - nằm khiêm tốn trên đường Trần Phú, quận 5, TP HCM - từ mấy chục năm qua đã lưu giữ nét thanh xuân của không biết bao nhiêu người.

Hồi tưởng lại quá khứ vàng son, chủ tiệm, ông Nguyễn Ngọc Lộc, năm nay đã 70 tuổi, thừa nhận mình may mắn được tổ nghề ưu đãi khi  mới 18 tuổi, một thân một mình khăn gói từ Đà Lạt về Sài Gòn lập nghiệp. “Do đã học việc tại một tiệm chụp hình ở chợ Đà Lạt nên khi xuống Sài Gòn, tôi được chủ tiệm Photo Hậu ở số 57 Trần Hưng Đạo chiêu nạp ngay” - ông nhớ lại.

Thời đó, các cô, các bà ai dắt chồng con đến tiệm Photo Hậu chụp ảnh cũng đều yêu cầu đúng người thợ tài hoa tên Lộc “ra tay” mới chịu. Đơn giản vì ông có khiếu chụp ảnh chân dung - nhìn luôn như ở trạng thái động, có hồn - mà không phải tay thợ nào cũng làm được.

Thấy tay nghề vững vàng, được nhiều người thán phục, năm 1974, ông Lộc quyết định mở một tiệm ảnh riêng lấy tên mình và đặt tại nhà thuê ở số 64 Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú quận 5). Từ khi Ảnh viện Lộc ra đời, ông đã biết kết hợp giữa tay nghề chụp ảnh của người thợ và việc chấm sửa trên phim bằng phương pháp thủ công nên khách hàng kéo đến ùn ùn. Do phải chấm sửa trên phim nên Ảnh viện Lộc thông báo được trọn quyền giữ phim, không giao ảnh trả phim ngay như các tiệm khác thời bấy giờ.

Vợ chồng ông Lộc bận rộn chọn ảnh cho những khách hàng quen thuộc
Vợ chồng ông Lộc bận rộn chọn ảnh cho những khách hàng quen thuộc

Đến nay, đã hơn 40 năm trôi qua, Ảnh viện Lộc dời qua thuê 2 căn nhà khác cũng trên đường Trần Phú nhưng vẫn giữ phim của khách - điều mà chưa một tiệm ảnh nào tại đất Sài Gòn làm được.

Khác với các tiệm cùng thời, Ảnh viện Lộc không hề có phông phong cảnh làm nền, tất cả chỉ là phông đen - trắng. Thế nhưng, khi bước chân vào cửa tiệm, điều khiến nhiều người trầm trồ là nơi đây từng ghi dấu ấn của các nhân vật nổi tiếng một thời như vợ chồng TS Nguyễn Xuân Oánh - Thẩm Thúy Hằng, thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nghệ sĩ điện ảnh Thùy Liên, ca sĩ phòng trà Song Loan… Mỗi người mỗi vẻ nhưng đều rất sống động, có hồn.

Không chỉ chụp ảnh chân dung, nhiều người Sài Gòn cho đến nay, khi chụp hình thẻ vẫn tín nhiệm tìm đến Ảnh viện Lộc. Bởi đến đây, họ yên tâm là sẽ cầm chắc trong tay bức ảnh đẹp nhất.

Ngày nay, cho dù kỹ thuật chụp ảnh được hỗ trợ bởi phần mềm photoshop có thể biến vịt thành thiên nga nhưng nhiều người vẫn tìm đến Ảnh viện Lộc. Không phải khách hàng hoài niệm mà là vì họ chuộng tay nghề và bí quyết sửa phim lâu đời đầy kinh nghiệm ở đây. 

Ông Nguyễn Ngọc Lộc cho biết sắp tới, có lẽ Ảnh viện Lộc sẽ đóng cửa, không phải do ế khách mà vì các hãng Fujifilm, Kodak... thông báo sẽ ngưng sản xuất phim bởi nhiều sản phẩm kỹ thuật số đã chiếm lĩnh thị trường.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo