Chiều 20-3, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông báo ý kiến kết luận buổi họp sáng 20-3 của UBND TP. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng thay thế cây xanh trên các tuyến phố.
Đơn vị tài trợ nôn nóng!
Cuộc họp thu hút hơn 100 phóng viên báo chí với hàng chục câu hỏi đặt ra xung quanh vụ lùm xùm đốn hạ hàng loạt cây xanh nhưng không nhận được bất cứ câu trả lời nào từ lãnh đạo TP.
Các câu hỏi xoáy vào những nội dung chính như: Hà Nội đã chặt bao nhiêu cây, trách nhiệm chính thuộc về ai? Việc điều tra, lấy ý kiến nhân dân thực hiện ra sao? Ai thẩm định cây hư để chặt bỏ? Việc xử lý những cây đã chặt ra sao? Trồng cây gì thay thế, giá cây như thế nào?...
Với vai trò chủ trì cuộc họp báo, đáp lại hàng loạt câu hỏi vô cùng bức xúc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của TP, thực hiện đúng quy định, quy trình. “Tuy nhiên, do việc tổ chức thực hiện còn thiếu thông tin minh bạch và các đơn vị tài trợ nôn nóng tiến hành nên đã nhận được nhiều ý kiến chưa đồng thuận” - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng thay mặt TP thừa nhận những thiếu sót, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và hứa từ nay, những vấn đề liên quan đến dân sẽ thận trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến. “Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn những câu hỏi mà các cơ quan báo, đài đưa ra. Chúng tôi sẽ giao các cơ quan chức năng trả lời đầy đủ và chính xác. Nếu các đơn vị nào trả lời không đầy đủ thì phải chịu trách nhiệm trước TP” - phó chủ tịch UBND TP nói và tuyên bố kết thúc họp báo trong sự ngỡ ngàng của các phóng viên.
Phải xử lý trách nhiệm
Xung quanh đề án còn nhiều tranh cãi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, với tư cách là một trong những người đã tham gia thẩm tra Luật Thủ đô trước khi trình Quốc hội ban hành, cho rằng việc UBND TP Hà Nội cho phép chặt hạ ồ ạt cây xanh trong thời gian qua là có biểu hiện vi phạm Luật Thủ đô.
Dẫn điều 14 Luật Thủ đô, ông Cương chỉ rõ việc quản lý và bảo vệ môi trường được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở thủ đô; bảo đảm tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Trên địa bàn thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích. “Quy định là vậy nhưng Hà Nội lại cho lập dự án chặt hàng loạt cây xanh. Phải chăng đó là hành vi vi phạm pháp luật?” - ông Cương đặt vấn đề.
Theo ông Cương, việc chặt bỏ, thay thế một số lượng lớn cây xanh cần được hiểu trong nội hàm “tái thiết đô thị” tại các quận trung tâm Hà Nội chứ không phải chặt, tỉa cây xanh trước mùa mưa bão. “Việc này theo quy định tại điều 10 Luật Thủ đô thì Hà Nội phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Nếu chặt hạ hàng loạt cây xanh được xác định là vi phạm Luật Thủ đô thì cần kiểm điểm trách nhiệm và xử lý các cá nhân có liên quan” - ông Cương nhấn mạnh.
Giải thích lý do dừng đề án chặt bỏ 6.700 cây xanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói đây là chủ trương đúng nhưng cách làm chưa hợp lý.
Bình luận (0)