“Huyện ủy có cử cán bộ đến động viên tôi tiếp tục công việc nhưng tôi nhất quyết xin nghỉ vì thấy mình chưa làm tốt”, ông Bùi Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - giải thích.
Trách nhiệm người đứng đầu
Ông Bùi Văn Toàn nộp đơn từ chức vào ngày 17-11, sau gần 2 nhiệm kỳ giữ chức chủ tịch UBND xã Tam An. Lý do ông xin thôi chức là vì không hoàn thành nhiệm vụ, cảm thấy mất uy tín với dân.
Theo ông Toàn, xã Tam An triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2010 và được công nhận năm 2014, vượt kế hoạch 1 năm. Vì mong muốn đạt được những tiêu chí NTM nên một số thời điểm, dù ngân sách không có nhưng xã Tam An vẫn tiến hành xây dựng các công trình. Do đó, sau khi đạt danh hiệu NTM, xã Tam An nợ trên 5 tỉ đồng. Số nợ này xã dự tính khai thác quỹ đất để lấy tiền trả nhưng do vướng quy định nên không thực hiện được. Vì vậy, trong đợt kiểm điểm năm 2016, xã Tam An bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. “Trách nhiệm là của tập thể nhưng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tiên” - ông Toàn thẳng thắn.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc ông Toàn xin từ chức là do ông nhận thấy không làm tròn lời hứa với dân. Cụ thể, năm 2010, khi ông bắt đầu làm chủ tịch UBND xã Tam An, 16 hộ mua đất được cấp sổ đỏ trước đó nhưng không có đất. Ông nhiều lần hứa sẽ sớm giải quyết nhưng đến nay mới xong 12 hộ. Trong 4 hộ còn lại có cả anh ruột của ông. “Mình hứa với dân nhiều lần nhưng không làm được, thấy quá mất uy tín nên xin từ chức, để người khác có năng lực hơn thay thế” - ông Toàn phân trần.
Ông Toàn khẳng định ông đã làm hết khả năng nhưng vì nhiều lý do mà không hoàn thành nhiệm vụ nên xin nghỉ, chứ không hề có tiêu cực hay sai phạm gì.
Tùy thuộc vào lòng tự trọng
Nhiều người dân ở xã Tam An rất bất ngờ khi hay tin vị chủ tịch UBND xã năng nổ xin từ chức. Nhiều người cho biết ông Toàn là người gần dân, công việc của dân luôn được ông giải quyết nhanh gọn.
Ông Huỳnh Kim Kính, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Ninh, nhận xét ông Toàn là người có năng lực, nhiệt tình trong công việc, có tư duy, sáng kiến đổi mới và được lòng dân. “Chúng tôi chưa phát hiện anh Toàn có vấn đề gì, kể cả vấn đề tài chính, ngân sách” - ông nhấn mạnh.
Theo ông Kính, khi nhận đơn của ông Toàn, lãnh đạo huyện Phú Ninh đã gặp gỡ, động viên ông tiếp tục làm việc. Do ông không đổi ý nên Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất cho ông thôi chức.
Từ câu chuyện của ông Toàn, bàn về văn hóa từ chức, ông Kính cho rằng điều này tùy thuộc vào lòng tự trọng của từng người. Ông Kính bày tỏ: “Một cán bộ được giao việc mà không hoàn thành và xin từ chức để cơ quan, địa phương mình tốt hơn, khá hơn là đáng hoan nghênh”.
Trong khi đó, theo ông Phan Việt Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - cần phải xem xét động cơ từ chức là trong sáng hay để trốn tránh trách nhiệm. “Trong trường hợp nghỉ để trốn tránh trách nhiệm hay có sai phạm thì sẽ phải kiểm tra để xử lý nghiêm. Còn nếu nghỉ với động cơ trong sáng, để cho thế hệ trẻ lên thay thì rất đáng biểu dương” - ông Cường nhìn nhận.
Đại biểu Quốc hội TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) :
Chưa có cơ chế
Việc ông Bùi Văn Toàn xin thôi chức chủ tịch xã cho thấy cán bộ, đảng viên này có lòng tự trọng rất cao. Việc làm này đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều người đang giữ những trọng trách nhưng không thực hiện chức trách đầy đủ, để cho dân kêu.
Trong nền hành chính của nước ta có quy định: “Có thể từ chức” - nghĩa là không quy định bắt buộc phải từ chức, cũng không quy định cho người ta được phép từ chức. Việc này khiến người ta nghĩ không từ chức thì cũng chẳng làm sao!
Ở nước ngoài, việc từ chức khá bình thường nhưng ở Việt Nam chưa có cơ chế. Cho nên, trong công tác tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, phải quy định những cơ chế từ chức để giúp người từ chức bảo vệ lòng tự trọng.
Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG (Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương):
Luật hóa việc từ chức
Một cán bộ sẵn sàng từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ uy tín thì đó là người có lòng tự trọng cao, rất đáng hoan nghênh.
Theo tôi, cần luật hóa việc từ chức hoặc ít nhất có nghị định quy định về từ chức. Quy định căn bản không phải là nội dung mà là thủ tục và việc công nhận từ chức như thế nào. Nội dung có thể quy định: người không hoàn thành nhiệm vụ, người không muốn làm nữa, người mà bản thân bị dư luận đánh giá quá kém cỏi, không còn đủ uy tín nữa..., khi thấy dư luận quá bức xúc rồi thì phải từ chức. Các hình thức, thủ tục để công nhận việc từ chức cũng nên đàng hoàng, có tính chất pháp lý.
Quốc hội đang giao cho Chính phủ nghiên cứu để xây dựng quy trình, quy định về việc từ chức.
Ng.Quyết ghi
Bình luận (0)