Mekong 1.000 là chương trình đào tạo sau đại học tại nước ngoài triển khai đồng loạt ở khu vực ĐBSCL từ năm 2005. Các tỉnh kỳ vọng qua chương trình sẽ có nhiều nhân tài phụng sự cho phát triển kinh tế, lực lượng cốt cán cho các ngành kinh tế mũi nhọn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao và tham gia quản lý nhà nước.
Lãng phí ngân sách
Tổng kinh phí sử dụng hơn 19 triệu USD do ngân sách địa phương chi trả. Trong đó, chi phí đào tạo trung bình cho 1 thạc sĩ là 34.208 USD, tiến sĩ 59.121 USD. Sau 10 năm triển khai, có thể nhận định hiệu quả mang lại của chương trình không cao, gây tốn kém ngân sách.
Trong phạm vi chương trình, đến nay, đã có 552 ứng viên khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đưa ra nước ngoài đào tạo, ít hơn phân nửa so với chỉ tiêu ban đầu là đào tạo 1.015 ứng viên. Trong số này, 120 lượt ứng viên đi theo học nhóm ngành kinh tế; 78 ứng viên ở nhóm công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm; 72 ứng viên ở nhóm ngành nông nghiệp - thủy sản, giáo dục, luật; 54 ứng viên nhóm ngành công nghệ thông tin và 53 ứng viên nhóm ngành viễn thông. Số còn lại theo học nhóm ngành xây dựng, môi trường, hợp tác quốc tế…
Theo PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, một số ứng viên của Chương trình Mekong 1.000 khi về làm việc tại địa phương đã phát huy tốt những kiến thức học được. Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cũng có không ít người đã quay lưng với chương trình. “Một số em khi được đi học nước ngoài ôm ấp hoài bão lớn nhưng lúc trở về địa phương làm việc thì có tư tưởng thực dụng, đòi hỏi, chê lương thấp không làm, phá vỡ cam kết. Có khoảng 2% ứng viên bỏ học, không về vì lý do kinh tế hoặc kết hôn với người nước ngoài” - ông Dũng nhận xét.
Ông Nguyễn Hữu Thời, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc đào tạo 1 thạc sĩ tại nước ngoài được đầu tư từ 600-700 triệu đồng nhưng nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng, gây tốn kém nguồn kinh phí. “Có 1 ứng viên tại Đồng Tháp đi học thạc sĩ ở Canada. Sau 1 năm không có tin tức của em ấy, chúng tôi mới đến nhà tìm hiểu thì gia đình cho biết em này đã kết hôn với người nước ngoài và không về. Chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi kinh phí của ứng viên này” - ông Thời dẫn chứng.
“Đầu voi đuôi chuột”
Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh An Giang cho biết trong khuôn khổ Chương trình Mekong 1.000, từ năm 2007, An Giang triển khai Đề án An Giang 100 với hy vọng đến năm 2012 có 100 cán bộ đạt trình độ thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Tổng kinh phí của đề án lên đến 73 tỉ đồng. Đáng nói là đến khi dừng đề án vào năm 2010 thì An Giang chỉ có 3 ứng viên được chính thức đào tạo ở nước ngoài.
Về vấn đề này, ông Phạm Trung Quân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang, đánh giá do lần đầu triển khai đề án nên còn nhiều mặt bị động và lúng túng, nhất là về cách thức tuyển chọn ứng viên với quá nhiều bước kéo dài. Ngoài ra, ban điều hành đề án cũng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn cơ sở đào tạo trong nước để bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng học tập cần thiết cho các ứng viên cũng như lựa chọn cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
Ông Phan Văn Tiếu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận chuyện thừa hay thiếu nguồn nhân lực ở các ngành là không thể tránh khỏi và trong Chương trình Mekong 1.000 cũng vậy. Trong thời gian qua, Đồng Tháp cũng có hơn 40 ứng viên (2 tiến sĩ và 38 thạc sĩ) được đưa đi đào tạo ở nước ngoài theo Chương trình Mekong 1.000. Dù vậy, phần lớn cán bộ này vẫn chưa phát huy hiệu quả công việc, nhất là đối với các lĩnh vực về nghiên cứu khoa học. Cũng theo ông Tiếu, hiện lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đang tận dụng nhóm cán bộ này để tham gia tổ tư vấn cho Tỉnh ủy hoặc đóng góp ý kiến về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực được đào tạo.
Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng nhân lực, vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh ban hành quyết định về thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Thế nhưng, sau hơn 7 tháng thực hiện, số lượng cán bộ từ cấp tỉnh đến huyện tham gia rất ít. “Điều này cho thấy có bộ phận không nhỏ cán bộ thuộc các ngành vì năng lực kém nên ngại tham gia đánh giá. Đáng nói là có đến 7 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh không thực hiện. Chúng tôi muốn đánh giá đúng thực chất về cán bộ để qua đó thấy được ai làm nhiều, ai làm ít hoặc làm sai vị trí việc làm. Thế nhưng, hiện còn hơn 70% cán bộ né tránh việc tham gia đánh giá này” - ông Tiếu bày tỏ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-7
Kỳ tới: Đào tạo phải gắn với thực tiễn
Đi học ở nước ngoài như...đi mua sắm
Nói về đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL theo Chương trình Mekong 1.000, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết điểm nghẽn của chương trình vẫn là kinh phí. Trong khi đó, những người đã được đào tạo nhưng chưa phát huy hiệu quả là do 2 phía. Một là, cán bộ không có sự cố gắng, nỗ lực của bản thân để chọn đề án có ý nghĩa để áp dụng. Hai là, do chính quyền địa phương chưa biết sử dụng hoặc chưa muốn tạo điều kiện cho cán bộ làm việc vì chưa có sự “bằng lòng”. Cũng có nhiều địa phương cứ cử cán bộ đi học nước ngoài như kiểu muốn sắm món đồ mà không biết đến bao giờ mới sử dụng tới.
Bình luận (0)