Cũng như con trai ông K, người em trong gia đình bạn Thùy cũng trở nên lỳ lợm và khó bảo sau khi nghiện game. Tuy nhiên, theo bạn đọc này, nếu gia đình cương quyết và mạnh tay thì vẫn có thể lôi con em mình trở lại cuộc sống bình thường được.
Bạn đọc Phạm Thi Thùy thẳn thắn nhận xét: “Tôi thấy vợ chồng ông K quá mềm mỏng và chiều con. Để đạt được hiệu quả, phải cứng rắn và kiên quyết hơn rất nhiều. Cai nghiện game là một việc rất gian nan, vất vả…”.
Khi sa vào thế giới game, nhiều trẻ không chỉ khó bảo mà còn trở nên liều lĩnh, bạn đọc Nguyễn Nam kể lại: Trường hợp này giống trường hợp cháu tôi cách đây 5-6 năm trước. Hồi đó là game Audition (không bạo lực). Mới đầu, cháu cũng chơi ít, nhưng sau 1 thời gian, cháu đã nghiện từ đó bỏ học, trốn nhà chơi game thâu đêm, gia đình bỏ công sức săn đón, đi tìm nhưng không ăn thua, kể cả nhờ đến công an.
Khi không có tiền, cháu xin tiền bà, không cho, cháu lăn từ trên lầu xuống đất, có khi cầm dao đòi tự tử, thấy vậy bà liền cho cháu tiền. Lúc đó, gia đình không còn hy vọng gì nữa, đành bỏ mặc”.
Tuy nhiên, chỉ một sự kiện đơn giản đã làm thay đổi người cháu của bạn Nguyễn Nam. Đó là khi người cháu đó được gia đình đăng ký tham gia "học kỳ quân đội".
“Khi tham gia, cháu thấy bạn bè trang lứa học giỏi, hiểu biết và được các anh, các chị tại trung tâm tư vấn nên khi về, cháu đã thay đổi, không ở nhà ngoại nữa mà về ở hẳn nhà mình, không đi qua đêm, tụ tập và cháu đã tự đăng ký đi học bổ túc văn hoá”.
Có phải chương trình” học kỳ quân đội” trong một thời gian ngắn giúp trẻ cai nghiện game? Không hẳn là như vậy, điều quan trọng là qua sinh hoạt với những người đồng trang lứa, trẻ đã thay đổi nhận thức.
Bạn đọc Nguyễn Nam nhận định “Qua đó, tôi hiểu vấn đề thanh thiếu niên hiện có 3 mức đó là: Ích kỷ, ngang bướng và nổi loạn. Vì vậy, phải xem trẻ như 1 người bạn, thấy trẻ hư, không nên mắng nhiếc, so sánh, xúc phạm. Nên cho trẻ sinh hoạt với đoàn, đội tại địa phương, nếu có điều kiện”.
Ông bà, cha mẹ nói, trẻ có thể không nghe, nhưng với số đông là thanh niên ngang lứa họ nói trẻ sẽ nghe và làm theo. – Bạn Nguyễn Nam kết luận.
Từng là một người nghiện game và đã cai nghiện thành công bằng các khóa học, bạn đọc tung lam hiến kế: “Tôi thực sự thông cảm với nỗi đau của bác, tôi cũng đã từng là 1 đứa con như con của bác vậy. Bác hãy tìm hiểu và đăng ký cho con của bác theo học khóa học: "Tôi tài giỏi! Thanh niên" của anh Trần Đăng Khoa. Khóa học này được tổ chức tại TPHCM. Bác có thể tìm hiểu qua website: toitaigioi.com”.
Thực chất, game chỉ là một công cụ giải trí của con người. Ban đầu người ta tìm đến game khi có thời gian rảnh rỗi, lâu dần thành nghiện.
Từng nghiện game đến mức chơi thâu đêm suốt sáng, bạn đọc nguyen van thinh gởi đến ông K một kinh nghiệm thực tế: “Không phải ở lứa tuổi của em L. mới chơi đâu bác, có cả những người đã có gia đình có vợ con đàng hoàng nhưng họ vẫn chơi là chơi. Nói cách khác chơi game online thường là để giết thời gian. Hoặc có quá nhiều thời gian rảnh rỗi không biết làm gì.
Cháu nghĩ rằng thời điểm hiện nay bác hãy để em L chơi nhưng hãy thu hẹp dần thời gian chơi. Nói cách khác là đừng để em ấy có thời gian rảnh, hãy thường xuyên đưa em L đi dã ngoại hay làm việc gì đó sẽ khiến nó quên game dần…”.
Theo bạn Huynh dung thì điều quan trọng là các bậc cha mẹ quản lý việc chơi game của trẻ sao cho có chừng mực. “Chỗ tôi kinh doanh có rất nhiều phụ huynh chở con tới chơi, cho phép con họ chơi cố định tại quán trong 1 khoảng thời gian nhất định trong ngày, có việc thì gọi điện cho chủ quán. Những con em của các bậc phụ huynh này rất ngoan, học giỏi, biết nghe lời, minh chứng là các em đều đỗ đại học”.
Từ những đóng góp chân tình, kinh nghiệm thực tế trên, điều còn lại là sự quyết tâm của gia đình ông K. Bạn đọc song ve dau viết: “Vấn đề còn lại là trách nhiệm của gia đình anh K. Lúc này không nên than khóc và suy nghĩ tiêu cực mà phải cố gắng uốn nắn giáo dục, động viên cháu nhiều hơn nữa để gia đình thoát khỏi tình trạng căng thẳng hiện nay”.
Gửi em L (con chú K)!
Hơn tuần nay anh đọc hết những dòng nhật ký của ba em được đăng trên Báo Người Lao Động Online và cả lá thư... Từ những ngày đầu anh đã nhận ra đây chính là những người mà mình quen biết. Hôm nay anh gửi vài lời đến em, mong em sẽ đọc được. L nè, khi đọc những tâm sự của ba em gửi vào những trang nhật ký anh đã hình dung ra được nỗi buồn rất lớn đang phủ kín gia đình em, mà người đem đến điều đó không ai khác chính là em. Và anh luôn hy vọng em sẽ đọc được những gì ba em viết, rồi em hãy ngồi mà nhớ lại những kỷ niệm tốt đẹp của gia đình mình thời gian trước khi em vướng vào game online. Anh còn nhớ năm 2000, anh có ghé nhà em và ngủ lại một đêm, anh luôn cảm phục ba mẹ em về cách dạy dỗ con cái. Tiếp xúc với 3 đứa, anh thấy đứa nào cũng ngoan hiền dễ thương. Và anh cảm nhận em là người được ba mẹ cưng nhất nhà. Cách đây vài tháng anh cũng đến D.A chơi, nhưng dường như anh không nhận ra được em vì nhìn em khác ngày xưa quá. Cái khác đó không phải do em lớn lên mà là cái khác từ trong tâm hồn của một con người. Có hôm anh tình cờ thấy mẹ em đứng ở công viên trông em về, dù rằng trời đã rất khuya. Tại sao em lại để mẹ mình phải như thế? Đừng để người đời tặng mình hai tiếng "bất hiếu" nhé em, vì 2 từ đó nặng nề lắm, nó như một vết nhơ mà có thể suốt đời mình không bao giờ gột rửa được.
Em nè! Trong cuộc sống ai cũng có những lúc sai lầm, nhưng đừng cứ trượt dài trên sai lầm của mình, đừng đánh mất tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình may mắn có được. Chắc em cũng biết là anh không được may mắn như em, anh thèm được một ngày nào đó được đi đứng như em. Em đang có cái quý nhất mà anh luôn ước ao đó là sức khỏe, vì thế mà đừng lao vào những trò vô bổ để dần dần trở thành một “phế nhân”, em nhé! Mình đã may mắn được ông trời cho mang kiếp con người thì mình phải sống sao xứng đáng... Hãy quay lại đi em, sau lưng em luôn là những người thân, ba mẹ và anh chị của em. Anh hy vọng một ngày nào đó anh trở lại D.A anh sẽ nhìn thấy được hình ảnh ngày xưa của một cậu bé khôi ngô, hiền lành, dễ thương. Chào em! Anh S (C.Đ) |
Bình luận (0)