Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết để đáp ứng nhu cầu, ĐBSCL đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện, như Duyên Hải, Sông Hậu, Ô Môn, khí - điện - đạm Cà Mau… Trong đó, đa phần sử dụng than để phát điện.
Làm giảm tuổi thọ người dân
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng - Bộ Công Thương), tổng công suất nguồn điện của ĐBSCL hiện mới đạt khoảng 2.000 MW, chỉ chiếm 6% nguồn điện cả nước. Dự kiến, đến năm 2030, tổng công suất phát điện toàn vùng sẽ đạt khoảng 16% sản lượng điện của cả nước, trong đó điện than chiếm 27,5%.
Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than đã ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân. Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết PM2,5 (những hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet) từ những nhà máy điện than đã làm cho 3.200.000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu trong năm 2010. Trong đó, Trung Quốc có 1.230.000 người mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi, bệnh tim… Việt Nam cũng có đến 31.000 người mắc bệnh do PM2,5. Dự báo, mỗi năm, những nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL sẽ làm giảm tuổi thọ khoảng 8.000 người do ảnh hưởng bụi.
Nghiên cứu của GreenID tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cho thấy nhiệt điện than ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh nhà máy. “Từ khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải đi vào hoạt động, khói bụi bắt đầu xuất hiện nhiều ở khu vực này, gây ô nhiễm môi trường” - bà Hoàng Thanh Bình (thuộc GreenID) cảnh báo.
Bà Ngô Thị Mỏng (ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải) bức xúc: “Ruộng muối nhà tôi bị giảm thu nhập nhiều do khói bụi từ Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải thải ra. Thông thường, 1.000 giạ muối thô thì được 30 tấn muối thành phẩm, bán được 25 triệu đồng. Từ khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải vận hành, khói bụi làm muối đen, giá bán giảm gần một nửa”.
Nhiệt điện than sẽ chiếm 60% nguồn cung
Dù nhà máy điện than ảnh hưởng xấu đến cộng đồng nhưng theo ông Sính, trong cơ cấu điện năng của Việt Nam từ đây đến năm 2030, nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu, chiếm tới 60%.
Ông Lâm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, đặt vấn đề: “Do đe dọa đến sức khỏe người dân, nhiều nước đã dừng hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than hoặc không xây mới. Vậy tại sao chúng ta vẫn làm mà không tìm nguồn nguyên liệu khác thay thế?”.
Ông Nguyễn Đức Cường cho rằng có 3 nguồn có thể thay thế nhiệt điện than, gồm thủy điện, điện từ năng lượng tái tạo và điện sinh khối. Trong đó, thủy điện đến năm 2020 sẽ hết tiềm năng khai thác. Năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… thì phụ thuộc thời tiết, vốn đầu tư lại quá cao.
“Muốn có 1 MW điện mặt trời cần khoảng 15-18 ha đất là quá tốn kém. Còn điện gió, theo quy hoạch đến năm 2030 đạt 6.200 MW nhưng mới triển khai được 3 dự án với công suất 32 MW nên nguồn cung này không đáp ứng nhu cầu” - ông Cường phân tích. Điện sinh khối, sử dụng trấu, rơm rạ, xơ dừa làm điện thì nguồn nguyên liệu lại phụ thuộc vào thời vụ, công nghệ sơ chế lạc hậu.
Vì vậy, theo ông Cường, việc phát triển điện than trong thời gian tới là bắt buộc.
Từ nay đến năm 2030, phải nhập 520 triệu tấn than
Hiện nay, nước ta nhập khẩu khoảng 900-1.000 tấn than mỗi năm để sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện. Con số này sẽ tăng lên 17 triệu tấn vào năm 2020, 44 triệu tấn năm 2025 và 78 triệu tấn năm 2030. Theo đó, tổng lượng than nhập khẩu từ nay đến năm 2030 lên đến 520 triệu tấn.
Ông Nguyễn Đức Cường đề xuất: “ĐBSCL cần xúc tiến nhanh cảng trung chuyển than mới đáp ứng nhu cầu than cho phát điện”.
Bình luận (0)