Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), cho biết trung tuần tháng 8-2017, 20 hộ dân của xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa sẽ phải bàn giao đất để phục vụ dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư vẫn chưa đàm phán xong hợp đồng BOT với Bộ Công Thương nên dự án vẫn chưa thể khởi công theo kế hoạch.
Trải thảm đỏ vẫn lỡ hẹn
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đề nghị đầu tư từ năm 2006 với công suất 2.640 MW, tổng vốn khoảng 3,8 tỉ USD. Đến năm 2009, Thủ tướng đồng ý cho nhà đầu tư thực hiện dự án này theo hình thức BOT.
Khu vực xây dựng Nhiệt điện Vân Phong 1 chưa được triển khai sau 8 năm đàm phán
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, tổng diện tích xây dựng dự án rộng hơn 514,79 ha, gồm: 178,4 ha nhà máy, 68 ha bãi xỉ, 3,4 ha dùng cho nhà ở chuyên gia và diện tích mặt nước 265 ha. Dự án ảnh hưởng đến khoảng 340 tổ chức, cá nhân, trong đó có 100 trường hợp phải bố trí tái định cư với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 190 tỉ đồng. Ở giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 2 tổ máy với công suất 1.320 MW, tổng vốn hơn 2 tỉ USD.
Từ năm 2012, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đã "trải thảm đỏ" bằng việc ứng 150 tỉ đồng đền bù giải tỏa, dành 135 tỉ đồng làm khu tái định cư Ninh Thủy, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Dự kiến đến năm 2015 khởi công dự án. Tuy nhiên, kế hoạch này không được thực hiện đúng thời gian. Tháng 3-2017, khi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, bà Rie Nakagawa (Giám đốc Dự án của Tập đoàn Sumitomo) cho biết hiện nay, các hợp đồng quan trọng đã thống nhất xong với Bộ Công Thương. Mục tiêu của tập đoàn là cuối tháng 6-2017 sẽ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và khởi công vào cuối năm 2017.
Tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ ban đầu rất nhiều cho chủ đầu tư như nâng cấp Tỉnh lộ 1B nối với dự án; xây dựng cảng tổng hợp tại phường Ninh Thủy, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn. "Địa phương xem đây như một dự án trọng điểm tạo động lực cho Khu Kinh tế Vân Phong. Dù vậy, đến nay, các hợp đồng BOT giữa Tập đoàn Sumitomo và các bộ, ngành vẫn chưa được thông qua. Dự án tiếp tục dời thời điểm khởi công đến tháng 4-2018" - ông Hoàng Đình Phi nói.
Phải luôn nghĩ đến môi trường
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - người đang tham gia tư vấn, phản biện dự án Nhiệt điện Vân Phong 1, cho rằng nhà máy nhiệt điện than bản chất là gây ô nhiễm cho dù nhà đầu tư Sumitomo có năng lực, công nghệ hiện đại. "Tôi hy vọng dự án khi triển khai phải kỹ càng. Cẩn thận nhất chính là vấn đề về môi trường và cuộc sống người dân" - ông Chi lưu ý.
Theo ông Chi, vịnh Vân Phong có lợi thế là nước sâu nên việc nạo vét xây dựng cầu cảng sẽ thuận lợi hơn ở nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhưng như thế không phải là không ảnh hưởng đến môi trường, dù sử dụng công nghệ hiện đại. Ông Chi cho rằng có 3 vấn đề cần phải tính toán kỹ. Thứ nhất, nếu sử dụng than quốc tế có hàm lượng tốt nhất là 85% carbon và 15% xỉ bã thì với công suất 1.320 MW (giai đoạn 1) phải mất gần 16.000 tấn than/ngày. Lượng than này sẽ đốt khoảng 34.000 tấn ôxy. Thứ hai, lượng xỉ bã than chiếm khoảng 15% đổ ra sẽ xử lý như thế nào? Thứ ba, là ô nhiễm axít, vì có 5% lưu huỳnh trong than khi bốc hơi sẽ tạo thành 750 kg axít/ngày, sẽ tạo thành mưa axít. Bên cạnh đó, nước thải làm mát khi xả ra môi trường sẽ có nhiệt độ khoảng 80 độ C, cá tôm bị ảnh hưởng như thế nào?
Về các tác động môi trường, ông Phi cho rằng vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá, dự án phải bảo đảm mới được triển khai. Về lâu dài, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong sẽ di dời toàn bộ người dân ở đây ra khỏi khu vực xây dựng các công trình công nghiệp để tránh các vấn đề phát sinh.
Người dân thiếu đất sản xuất
Bà Đỗ Thị Dù, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ninh Phước, cho biết do dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 chậm triển khai nên việc giải tỏa mặt bằng rất khó khăn. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án đều mong khi tái định cư thì phải đi kèm tái định canh. Khu tái định cư mới được xây dựng khang trang thì không ai ở, đến nay chỉ có 7-8 hộ dân vào sinh sống. Rất nhiều người dân nhận tiền đền bù xong không có việc làm, phải đi thuê đất tận Ninh Sơn (vùng núi), mua đất để trồng hành tỏi (nghề chính của bà con Ninh Phước), cuộc sống rất khó khăn. Trong khi đó, khu vực quy hoạch tái định canh vẫn chưa được đầu tư. "UBND tỉnh chỉ đạo trước ngày 15-8 phải bàn giao toàn bộ diện tích "sạch" cho dự án. Ngành điện lực đã có kế hoạch cắt điện ở khu vực này" - bà Dù cho biết.
Bình luận (0)