Các nạn nhân trong vụ tai nạn này là Nguyễn Viết Hòa (SN 1974, quê Lâm Đồng), Hà Văn Dư (SN 1989), Hoàng Văn Phúc (SN 1992), Đoàn Văn Thực (SN 1993) và Vi Văn Dũng (SN 1995), cùng quê ở Đắk Lắk. Trong đó, 2 nạn nhân Hòa và Dư bị cây đè chết tại chỗ, các nạn nhân khác đang được cấp cứu tại Phòng khám khu vực thị trấn Dương Đông.
“Do cây quá to nên lực lượng chức năng phải sử dụng nhiều phương tiện mới có thể đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường. Chúng tôi đã cùng các đoàn thể địa phương đến thăm hỏi nạn nhân và hỗ trợ mỗi trường hợp tử vong 3 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với những người bị thương” - bà Hằng nói.
Tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, mưa lớn kèm theo lốc mạnh làm hàng chục căn nhà bị tốc mái. Mưa bão cũng khiến nhiều nơi ở ĐBSCL không thu hoạch được lúa thu đông. Theo ông Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đang cắt lúa mướn ở Cần Thơ), mưa lớn khiến nhiều nơi trong quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ lúa bị ngã, rất khó thu hoạch.
Thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho thấy từ ngày 13 đến 15-9, có 3 tàu cá bị sóng đánh chìm trên vùng biển tỉnh này, ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng.
Trong 2 ngày 15 và 16-9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa lớn kéo dài, gây ngập sâu trên diện rộng và sạt lở đất. Tại khu vực đèo Cô Gái, trên 3.000 m3 đất đá sạt xuống Quốc lộ 8A khiến giao thông bị chia cắt.
Tại tỉnh Đồng Nai, chiều 16-9, mưa tạm ngưng nhưng nước vẫn dâng cao trên dòng sông Buông, xã Phước Tân, TP Biên Hòa. Hàng trăm hộ dân, nơi có cây cầu Bà Cải bị nước cuốn trôi mấy ngày trước, bị cô lập. Hiện tại, các tuyến đường liên ấp đến trung tâm xã đều ngập từ 0,5-1,5 m.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết từ ngày 12 đến 16-9, địa phương này có mưa lớn kèm theo lốc xoáy khiến 2 người chết,1 người bị thương, 85 nhà dân tốc mái và nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại.
Bình luận (0)