Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng và các sở - ngành, quận - huyện ngày 13-12, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết thời gian gần đây, trên địa bàn TP thường xảy ra ùn tắc giao thông (UTGT) vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường, nhất là các cảng hàng không, cảng biển và những tuyến đường khu vực trung tâm.
Kiểm soát phương tiện cá nhân
Trước tình trạng UTGT hiện nay, Sở GTVT đã đưa ra hàng loạt giải pháp triển khai năm 2017, như: Khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. Cụ thể, khu vực cửa ngõ, nghiên cứu tổ chức một chiều các cặp đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ; đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định; tổ chức lại nút giao thông Hàng Xanh; giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương và đường Nguyễn Hữu Thọ (từ đường 15 đến cầu Kênh Tẻ, quận 7); giao lộ Chánh Hưng - Hưng Phú (quận 8).
Khu vực trung tâm, tổ chức lưu thông một chiều cặp đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch; một chiều cặp đường Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn; cấm taxi lưu thông 24/24 giờ trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) và Nguyễn Tất Thành (quận 4); tổ chức giao thông một số tuyến đường theo phương thức xe lưu thông ngày chẵn - lẻ.
Ngoài ra, sở sẽ triển khai các giải pháp chấn chỉnh tình hình đậu xe tại khu vực trung tâm TP như: Lắp đặt hệ thống thu phí đậu xe theo thời gian; rà soát, sắp xếp vị trí đậu xe; quy định cụ thể việc đón, trả khách của taxi để bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tiếp tục đầu tư các tiện ích cho người bộ hành như bổ sung hàng rào bảo đảm an toàn cho người đi bộ; các đảo dừng chờ; xây dựng cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 13 cầu vượt cho người đi bộ, gồm: trên Quốc lộ 1 (Trường ĐH Kinh tế - Luật, khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, khu vực cầu vượt Sóng Thần, quận Thủ Đức) và trên đường Điện Biên Phủ (khu vực Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Công nghệ, quận Bình Thạnh); Công viên Gia Định; trước Khu Chế xuất Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7)…
Bên cạnh đó, sở cũng đề ra giải pháp kiểm soát chặt công tác cấp phép cho các phương tiện vận tải lưu thông trong nội thành, hạn chế tối đa các trường hợp xe tải, xe container, xe máy chuyên dùng lưu thông vào nội đô TP trong giờ cao điểm. Tổ chức giao thông phục vụ thi công xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như: tuyến metro số 1, các cầu vượt thép, dự án vệ sinh môi trường, dự án cải thiện môi trường nước… Tăng cường công tác kiểm tra, duy tu, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường trên địa bàn TP; kiểm soát các khu tập trung đông người hiện hữu; chấn chỉnh công tác thi công trên đường bộ đang khai thác. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị...
Đường sắt, đường thủy “chia lửa” đường bộ
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết năm 2016, tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp hơn năm trước. “Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá khách quan, phân tích nguyên nhân để đưa ra giải pháp lâu dài cũng như trước mắt” - ông Thăng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy yêu cầu rà soát lại các văn bản quy hoạch liên quan đến giao thông đô thị, hạ tầng, đề xuất sửa đổi bổ sung, gắn với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch dân số vì đây là vấn đề rất quan trọng. Cần quy hoạch đường sắt, đường thủy để “chia lửa” với đường bộ. Bên cạnh đó, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị sở - ngành, quận - huyện trong xử lý UTGT, lấn chiếm lòng lề đường. Rà soát lại các giải pháp dài hạn, ngắn hạn để đưa ra các mốc hoàn thành. “Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây phải di dời sớm để dành phần cho giao thông” - ông Thăng nói.
Bí thư Thành ủy đồng ý với Sở GTVT là TP sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ xin cơ chế, giải quyết cấp bách những dự án giao thông; có văn bản gửi Bộ GTVT và các đơn vị liên quan để giải quyết điểm UTGT ở cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất. Dứt khoát phải điều tiết lại việc điều hành bay, cất/hạ cánh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm tinh thần thực thi công vụ, kiên quyết loại bỏ bảo kê. Các sở - ngành, quận - huyện phải phối hợp giải quyết tình trạng “xe dù, bến cóc”; quản lý taxi; bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì phải quản lý chặt chẽ, đầu tư ngay bãi đỗ xe; tăng cường chất lượng xe buýt…
Tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư
Trong năm 2017, Sở GTVT ưu tiên tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình giảm ùn tắc khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (6 công trình với nhu cầu vốn là 1.380 tỉ đồng); cảng Cát Lái (14 công trình, nhu cầu vốn 4.995 tỉ đồng); các công trình giảm UTGT khu vực trung tâm, cửa ngõ TP (55 công trình, nhu cầu vốn 32.200 tỉ đồng) gồm nút giao thông An Sương, xây dựng cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt…; các dự án phát triển giao thông đường thủy (3 công trình, nhu cầu vốn 281 tỉ đồng) gồm 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy; nạo vét khai thông các tuyến rạch…
Để các giải pháp được thực hiện, Sở GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư theo hình thức PPP đối với các dự án cấp bách nhằm khép kín đường Vành Đai 2; các bãi đỗ xe cao tầng tại Công viên 23 tháng 9, cư xá Lý Thường Kiệt…; chấp thuận cơ chế chỉ định nhà thầu ứng vốn thi công đối với các dự án có vốn đầu tư lớn cấp bách như xây dựng cầu đường Nguyễn Văn Khoái (quận 4, 7), xây dựng cầu Giồng Ông Tố 1 và nút giao thông hai đầu cầu… Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị TP ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển hệ thống xe buýt nhanh, đầu tư phát triển hệ thống bến bãi và các điểm trung chuyển phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568…
Bình luận (0)