Trong buổi trao đổi với báo chí chiều 24-11, ông Tuấn Anh cho biết từ tháng 11-2015 đến nay đã có 65 trường hợp lái xe GrabBike (chở khách bằng xe máy) và xe ôm truyền thống xảy ra xô xát. Phần lớn những vụ này đều xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); vòng xoay Cống Quỳnh (quận 1); khu vực xung quanh bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây… Riêng với dịch vụ Grab Car (chở khách bằng ô tô), phía công ty Grab chưa ghi nhận có chuyện cạnh tranh xảy ra xô xát.
Hành khách đi dịch vụ GrabBike
Cũng theo ông Tuấn Anh, những vụ xô xát xảy ra nhiều nhất là vào thời điểm lái xe của công ty này chưa mặc đồng phục. Nguyên nhân được cho là một số tài xế xe ôm truyền thống không nhận biết được đâu là tài xế đang hoạt động theo hình thức GrabBike, đâu là tài xế thông thường và dẫn đến tình trạng cạnh tranh địa bàn.
“Sau mỗi vụ việc, phía công ty Grab đều có báo cáo lên các cơ quan chức năng nhưng hiện vẫn chưa được chấn chỉnh" – ông Tuấn Anh thông tin.
Trong khi đó, phía Công ty Grab Việt Nam nói đang mở đợt thu mua xe máy cũ của những người thường xuyên đi GrabBike nhằm hạn chế lượng xe cá nhân cũng như các phương tiện đăng ký mới. Công ty này cho biết giá mua xe được tính theo giá thị trường, tiền sau đó sẽ chuyển vào thẻ tín dụng cho người bán và trừ dần vào mỗi lần họ sử dụng dịch vụ GrabBike.
Bình luận (0)