Trong cuộc đời nhiều sóng gió của mình, bác sĩ (BS) Dương Quang Trung đã cho thấy nỗi khắc khoải đến đau đớn khi chứng kiến những cái chết thảm thương của các bệnh nhân bệnh tim, nhất là trẻ em. Đó là những năm 1987-1988. Không hiểu sao vào những năm ấy, bệnh nhân tim lại xuất hiện nhiều, mà với điều kiện của TP HCM lúc bấy giờ, đụng vào bệnh này thì cứ xem như phải chấp nhận điều xui rủi nhất.
Nhiều người xúc động đến viếng viện sĩ - bác sĩ Dương Quang Trung Ảnh: HỒNG THÚY
Không thể đứng nhìn thảm cảnh đó, BS Dương Quang Trung tìm mọi cách vận động một tổ chức nhân đạo của Pháp tài trợ để mỗi năm giúp 5-7 cháu bị bệnh tim sang pháp điều trị. Ông vui khi thuyết phục được tổ chức này. Tính ra, chi phí rất tốn kém nhưng đâu phải cứ sang Pháp là thoát khỏi tử thần? Có những trường hợp thất bại phải quay về, mang theo những chiếc hòm kẽm bên trong là tử thi các cháu. Ông cứ nghĩ ngợi, lòng buồn da diết.
Lại không thể ngồi yên. Năm 1988, BS Dương Quang Trung sang Pháp, đến Bệnh viện Broussais ở Paris để gặp nhà phẫu thuật tim Alen Carpentier tìm sự giúp đỡ xây dựng một viện tim tại TP HCM. Ông đã tìm cách thuyết phục nhà phẫu thuật tim Pháp đến 3 lần nhưng không thành. Vài tháng sau, BS Dương Quang Trung lại mời ông Carpentier sang TP HCM, lần này ông vận động cả cố vấn của ông Carpentier là GS Alen Deloche.
Hôm đó, rất ngẫu nhiên, ông Carpentier ghé thăm Bệnh viện Nhi Đồng 2 và chứng kiến một bé gái 12 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh vừa tắt thở trên giường bệnh, xác vẫn còn hơi ấm. Cái chết cháu bé đã bất ngờ lay động nhà phẫu thuật tim người Pháp tài ba. Ngay lúc đó, ông Alen Carpentier không chỉ hứa với BS Dương Quang Trung xúc tiến kế hoạch lập viện tim ở TP HCM mà còn muốn mọi thứ chuyển động nhanh hơn.
Rồi dự án xây dựng viện tim được triển khai. Hai bác sĩ được cử sang học tại Bệnh viện Broussais là Phan Kim Phương và Nguyễn Văn Phan sau một đợt thi tuyển khắc nghiệt. Họ học với tinh thần chạy đua với thời gian nên chỉ sau 2 năm thì hoàn thành chương trình học 3 năm. Năm 1991, họ về nước. BS Dương Quang Trung kể lại ông đã đón các học trò của mình với tâm trạng nôn nao và xúc động khó tả.
Năm 1992, BS Phan Kim Phương đã vinh dự cùng GS Carpentier thực hiện ca mổ tim hở đầu tiên tại Viện Tim TP HCM. Bệnh nhi là bé Duy, 8 tuổi, bằng đúng tuổi con trai của chị lúc ấy. Ca mổ thành công trong sự reo mừng của kíp mổ và rất nhiều đồng nghiệp. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM), nơi BS Phan Kim Phương từng công tác, có lần nói về người học trò: "Phương mổ gì cũng giỏi, 2 tay em cứ như đang chơi piano vậy".
Nhớ lại giai đoạn BS Dương Quang Trung phải xoay xở, tìm kiếm tài trợ quốc tế để lo 5-7 cháu bị bệnh tim được mổ mỗi năm mới thấy giờ đây, chỉ riêng BS Phương đã mổ hàng chục ngàn ca trong 20 năm qua. Giờ đây, đội ngũ những nhà phẫu thuật của Viện Tim không chỉ đủ cứng cáp để chu toàn nhiệm vụ của mình mà còn chuyển giao công nghệ mổ tim cho các bệnh viện lớn khác.
Còn nhớ vào năm 1975, BS Dương Quang Trung được phân công lãnh đạo Sở Y tế TP HCM. Suốt giai đoạn từ năm 1975 đến 1977, ngành y tế thành phố đã phải đương đầu khốc liệt với dịch sốt xuất huyết, dịch tả, dịch hạch..., có lúc tưởng như không vượt qua được. Rồi đến năm 1978 lại đối mặt với hai thách thức mới, cân não hơn: Một là cạn kiệt thuốc men, thiết bị y tế; hai là hàng trăm BS, dược sĩ có tiếng trước năm 1975 lần lượt ra đi.
BS Dương Quang Trung nhớ lại: "Lúc ấy, chúng tôi đề xuất cho tổ chức phòng mạch tư ngoài giờ và mở hình thức đại lý thuốc để giữ chân anh em lại. Phải tạo điều kiện cho anh em sống được, làm việc được và con cái họ học hành dễ dàng. Tôi không nghĩ anh em bỏ đi là xấu, bởi nếu vậy họ đã đi từ ngày giải phóng". Ông nhớ có lần, đích thân ông đã ra tận cầu thang máy bay tiễn GS Phạm Biểu Tâm sang Mỹ. Đây là vị trí thức mà theo ông, được giới y khoa Sài Gòn so sánh ngang với GS Tôn Thất Tùng.
Được tiếp xúc với BS Dương Quang Trung tại cuộc hội nghị, hội thảo, tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế và cả tại nhà riêng, tôi nhận thấy ông là người rất khiêm tốn, thân thiện, dễ gần và nụ cười của ông như mở hết tâm can, cõi lòng với người đối diện. Cũng đôi khi lắng sâu trong mắt ông là nỗi thao thức về những vấn đề không vui của ngành y mà ông thường bảo là cần phải đối mặt và giải quyết nó một cách bình tĩnh.
Lần cuối cùng tôi được nói chuyện với BS Dương Quang Trung là vào khoảng tháng 12-2011. Vào một đêm, tôi mạo muội điện thoại nhờ ông "gửi một tiếng" cho BS phẫu thuật ở Viện Tim để anh bạn đồng nghiệp rất thân của tôi có vợ sắp được mổ (bệnh lý hẹp van 2 lá) yên tâm cao nhất (tâm lý của nhiều người thường là vậy). Một lát sau, ông gọi lại, giọng ôn tồn: "Chú đã gặp BS Phan Kim Phương, cháu cứ nói anh bạn và gia đình yên tâm. BS Phương luôn làm hết sức mình vì tất cả mọi người". Tôi thấy lòng nhẹ tênh và anh bạn đồng nghiệp cũng đầy cảm kích.
Giờ này, tôi lại nhớ về nụ cười hồn hậu của ông, nụ cười như mở hết tâm can, cõi lòng... Kính chúc chú Tư về cõi vĩnh hằng với mãi mãi nụ cười như thế.
Bình luận (0)