xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những bài học lớn từ Vinashin

Phương Anh

Bài học lớn nhất từ Vinashin là phải giám sát chặt chẽ các tập đoàn kinh tế, không được quá ưu đãi với những đặc quyền đặc lợi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 13-8 đã chính thức ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin) do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này.

 
Tăng trưởng bong bóng
 
Liên tục trong 10 năm (1996-2006), đơn vị này tăng trưởng rất nóng với mức tăng bình quân từ 35%-40%/năm. Tháng 10-2005, Vinashin trình và được Thủ tướng phê duyệt đề án điều chỉnh phát triển giai đoạn 2005-2010, định hướng đến năm 2015 với mục tiêu cơ bản đặt ra là đạt sản lượng

3 triệu tấn tàu/năm, chiếm 6%-7% thị phần thế giới, tỉ lệ nội địa tăng từ 15% lên 60%...

 
Với vốn điều lệ ban đầu chỉ hơn 100 tỉ đồng, năng lực chỉ đóng được tàu 1.000 - 3.000 tấn, đến năm 2007, giá trị tổng sản lượng của Vinashin đã đạt con số 27.500 tỉ đồng, đóng thành công các tàu 6.500 tấn, 53.000 tấn, kho nổi chứa dầu 104.000 tấn... Từ con số 0, Vinashin đã giành vị trí thứ 11 trên bản đồ đóng tàu thế giới và ngấp nghé vị trí thứ 5.
 
 
img
Ụ tàu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng thuộc Vinashin. Ảnh: NGUYỄN QUYẾT


Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, Vinashin đã được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ, từ bảo lãnh vay vốn nước ngoài, tạo điều kiện vay thương mại trong nước, cho đất dự án... Nguồn lực quá lớn dồn dập đổ vào khiến Vinashin không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề như xây dựng hàng loạt nhà máy lắp ráp động cơ, sản xuất container, thép, đồ nội thất, xi măng, cơ khí và các thiết bị chuyên dụng khác. Nói như TS Lê Đăng Doanh, thương hiệu Vinashin bùng nổ từ quy mô trại chăn nuôi, cửa hàng kinh doanh xe máy đến khu công nghiệp tàu thủy.
 
Quá say sưa với tăng trưởng, Vinashin đã trở thành người khổng lồ trên đôi chân đất sét. Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của Vinashin có khoảng 104.000 tỉ đồng nhưng số nợ đã lên tới 86.000 tỉ đồng vì trình độ quản lý không theo kịp quy mô đầu tư. Tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gần 11 lần, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Bước vào giai đoạn này, Vinashin đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.
 
Lỗ hổng từ cơ chế giám sát
 
Sự đổ vỡ của Vinashin là trường hợp rất đáng tiếc bởi vì sự bất thường ở tập đoàn kinh tế này đã được các chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo. Mỗi năm, Vinashin cũng phải chịu nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra hơn so với mức bình thường của một doanh nghiệp nhưng vẫn không kịp thời phát hiện sai phạm để ngăn chặn hậu quả.
 
TS Lê Đăng Doanh cho rằng bài học lớn nhất từ Vinashin là phải giám sát chặt chẽ các tập đoàn kinh tế, đặt các tập đoàn hoạt động nghiêm túc theo đúng pháp luật, không được quá ưu đãi, không được đặc quyền, đặc lợi. Chính vì Vinashin đã được quá nhiều ưu đãi, được che chắn, không có giám sát chặt chẽ nên khi phát hiện sai phạm đã là quá muộn.
 
Mức độ tăng trưởng 35%-40%/năm là không bình thường, chỉ muốn tăng trưởng theo số lượng không chú ý đến chất lượng. Tăng trưởng quá nóng nên có rất nhiều quyết định đầu tư không được thông qua HĐQT, đầu tư không có luận chứng kỹ thuật. “Đây là bài học rất đau xót. 86.000 tỉ đồng nợ của Vinashin là con số quá lớn đối với VN. Tính ra bình quân mỗi đầu người là 1 triệu đồng tiền nợ”- TS Lê Đăng Doanh nói.
 
 
img

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với Công ty Đóng tàu Hạ Long. Ảnh: T. DŨNG



Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cần làm rõ những yếu kém trong công tác giám sát ở Vinashin để rút kinh nghiệm cho các tập đoàn khác. Sự đổ vỡ của Vinashin xuất phát từ sai phạm của bộ máy lãnh đạo tập đoàn nhưng những sai phạm này đã không được phát hiện, xử lý kịp thời. Đây là lỗi hệ thống, từ công tác giám sát trong nội bộ tập đoàn đến sự giám sát của các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội.
 
Một vấn đề đáng chú ý là ở VN, không ai có thể được đề bạt vào các vị trí quan trọng mà không có ý kiến của cấp ủy. Ở Vinashin xảy ra sai phạm nghiêm trọng của chủ tịch kiêm tổng giám đốc Phạm Thanh Bình chứng tỏ cơ sở Đảng  tại đây đã mất năng lực tranh đấu. 
 
Không nên bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp
 
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng sự đổ vỡ của Vinashin là cơ hội để xem lại căn nguyên của vấn đề quản trị, giám sát và tiến tới tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng nguyên tắc chung là giao tiền phải giao cả trách nhiệm và đi kèm các điều kiện cụ thể. Nhà nước không nên o bế, đi vay tiền hộ doanh nghiệp, cuối cùng hoạt động không hiệu quả, Nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm. Hiện nay, vực dậy một doanh nghiệp lớn đang bên bờ vực phá sản không đơn giản, tái cấu trúc phải làm từng bước, không thể kỳ vọng đặt mục tiêu nhanh chóng đưa Vinashin trở thành một doanh nghiệp có tài chính lành mạnh tuyệt đối.
 
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho rằng cần chấm dứt tình trạng Chính phủ đi vay nợ rồi cho doanh nghiệp vay lại. Việc bảo lãnh nợ doanh nghiệp phải để cho thị trường làm, hỗ trợ doanh nghiệp phải tiến hành theo cách khác. Cũng theo TS Trần Du Lịch, tái cấu trúc Vinashin không phải phụ thuộc vào vấn đề nợ nhiều hay ít mà là cơ cấu nợ thế nào, xu thế tài chính, dòng tiền sử dụng ra sao. Đây là bài toán cần một giám đốc tài chính thật giỏi phân tích, tìm ra cơ cấu tài chính, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường rồi mới định hướng được tái cấu trúc.
 
Một số chuyên gia cũng đã lên tiếng cho rằng tái cơ cấu Vinashin cần tôn trọng luật pháp quốc tế vì tập đoàn này không chỉ vay nợ trong nước mà còn vay nợ hơn 1 tỉ USD ở nước ngoài, thông qua khoản vay 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ VN và khoảng 600 triệu USD do Vinashin tự đi vay. Đồng thời, cần rà soát việc chia tách Vinashin hiện nay có phù hợp với các cam kết và hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài hay không.

Cần tổng kiểm tra “sức khỏe” các tập đoàn

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, các tập đoàn kinh tế Nhà nước được thành lập thí điểm nhưng không có cơ sở pháp lý tương ứng. Nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước đều có thời kỳ tăng trưởng cao và đua nhau hoạt động đa ngành nghề.
 
Đã đến lúc cần tổng kiểm tra lại “sức khỏe” các tập đoàn, xem lại tăng trưởng những gì. Nếu tăng trưởng trong lĩnh vực chính là xu hướng tốt nhưng nếu phát triển bằng “râu rết” thì đó không thực sự là quá trình phát triển. Đó là những tế bào ung thư, không phải tế bào tốt.

Bảo đảm lương, BHXH cho người lao động

Ngày 14-8, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, cùng đoàn công tác đã có cuộc làm việc với 2 doanh nghiệp trực thuộc Vinashin tại Quảng Ninh là Công ty Đóng tàu Hạ Long và Công ty TNHH một thành viên Thép Cái Lân.

 
Báo cáo với đoàn, Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long, ông Trần Đức Thận, cho biết: Công ty có 5.100 lao động dự kiến năm 2010, công ty sẽ đạt tổng sản lượng 2.600 tỉ đồng, doanh thu 2.500 tỉ đồng. Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của công ty là 4.518 tỉ đồng; tổng tiền vay 3.217 tỉ đồng, trong đó, vay ngắn hạn 2.023 tỉ đồng và dài hạn 1.185 tỉ đồng.
 
Công ty TNHH một thành viên thép Cái Lân hoạt động chính là sản xuất thép tấm nóng. Sau một thời gian hiệu chỉnh, ngày 20-7, nhà máy đã hoạt động trở lại với công suất 500.000 tấn/năm.
 
Đại diện 2 doanh nghiệp đã nêu một số khó khăn và kiến nghị một số vấn đề, nóng nhất là thiếu vốn sản xuất và nguyên liệu đầu vào.
 
Tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh sẽ làm hết trách nhiệm, tạo điều kiện về thủ tục kể cả hỗ trợ về ngân sách đối với 18 doanh nghiệp Vinashin trên địa bàn.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vấn đề đặt ra trong lúc này là cần cơ cấu lại Vinashin. Ông khẳng định 2 doanh nghiệp cần bảo đảm đầy đủ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động và đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề tư tưởng để tạo sự đồng thuận và tạo sức mạnh tổng hợp trước nhiệm vụ mới đang được đặt ra.
 
Đối với các đề nghị của 2 doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết vốn điều lệ sẽ được cấp sớm trên cơ sở các dự toán và có thể được tạm ứng. Các ngân hàng sẽ cơ cấu lại vốn và phần nợ sẽ cùng tính toán. Các dự án đã đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ; đầu tư mới cần tính toán kỹ lưỡng và báo cáo tập đoàn...

Đông Bắc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo