Không ở đâu có số lượng người bán hàng rong đông đảo như TP HCM. Hình ảnh những xe mì gõ, bắp luộc, gánh bánh ướt… đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố và cũng là “cần câu cơm” nuôi sống nhiều gia đình.
Thân cò lặn lội
Làm nghề bán bánh tiêu dạo hơn 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Cẩm (35 tuổi, ngụ quận 8) đã đi qua không biết bao nhiêu con đường của TP HCM. Từ 15 đến 24 giờ mỗi ngày, với chiếc xe máy cùng tủ kính chứa bánh, bình gas, chảo, dầu…, chị rong ruổi khắp các nẻo đường.
“Nghề này do mẹ chị dạy từ hồi mới 13 tuổi” - vừa nói đôi tay chị vừa thoăn thoắt ngắt bột, cán, trải mè lên rồi thả từng miếng bột vào chảo dầu sôi. Chị Cẩm cởi mở tâm sự: “Chị có 2 đứa con. Đứa lớn học lớp 9, học thêm 4 môn, mỗi môn 300.000 đồng. Còn đứa nhỏ mới học lớp 1. Vợ chồng chị thuê căn phòng nhỏ để ở, quần quật cả ngày lẫn đêm, tiết kiệm dữ lắm để ráng cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng.
Lúc mới bắt đầu, chị đẩy xe đi bộ cực lắm. Làm rồi dành dụm tiền dần dần, mua lại chiếc xe máy cũ. Lúc ế quá, chị chuyển qua bán bánh ướt, bánh trung thu nhưng được một thời gian rồi cũng quay về lại với nghề bán bánh tiêu dạo. Chắc tại cái số…”.
Lầm lũi với gió sương ngày này qua ngày khác, chị nói vất vả mấy cũng chịu được vì có thể kiếm được tiền nuôi sống gia đình; chỉ sợ nhất những hôm ế ẩm, không bán được, cả nhà phải ăn bánh trừ cơm.
“Mình làm nghề này cũng phải uy tín dữ lắm. Bánh làm sẵn để lâu không ngon, vì vậy có khách mua, chị mới làm. Làm đến đâu, bán đến đó, cực nhưng khách ăn ngon, lần sau lại đến mua” - chị cười hiền khi chúng tôi hỏi vì sao không làm sẵn bánh để bán nhanh và đỡ vất vả hơn.
Từ Đồng Tháp, chị Vũ Thị Hà (49 tuổi) dắt 2 con lên TP HCM kiếm sống sau khi chồng qua đời. Mấy mẹ con thuê nhà ở quận 5; gánh bún, hủ tiếu là chiếc “cần câu cơm” của họ. Dưới ánh đèn đường leo lét, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ với bộ quần áo bạc màu, đôi dép nhựa mòn vẹt giở chiếc bao ni-lông cẩn thận đếm và vuốt lại từng đồng bạc lẻ.
“Bán cho dân lao động nghèo phải ra đường kiếm ăn vào ban đêm như mình nên giá cũng bình dân thôi. Mỗi đêm bán đến 2 giờ sáng cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Số tiền đó so với vật giá ở đây không thấm vào đâu nhưng ở quê không có đất đai, tài sản, vốn liếng, 2 đứa nhỏ đang tuổi đi học, phải ráng thôi…” - chị Hà thở dài rồi nhanh tay thu dọn tô chén.
Đối mặt hiểm nguy
Nghề bán hàng rong không chỉ nhọc nhằn, vất vả mà còn phải đối mặt với việc bị kẻ xấu trấn lột. “Đẩy xe đi bán rong vầy cũng lo lắm, đang ngồi mà “có biến” là chạy gần chết. Lỡ bị tịch thu đồ đạc là hết vốn, phải làm lại từ đầu. Vẫn biết bán ở lề đường là lỗi của mình, bị đuổi phải chịu nhưng làm gì có tiền để sang một gian hàng hay một nơi cố định để bán?” - chị Hà than thở.
Tuy nhiên, đối với chị Hà và nhiều người bán hàng rong khác, đó cũng chưa phải là điều tồi tệ nhất. Đêm hôm vắng vẻ, một mình lầm lũi bán hàng, sợ nhất là bị quỵt tiền hoặc trấn lột. “Nhiều đêm có mấy đứa choai choai vào ăn. Thấy 8-9 đứa, tôi mừng, tưởng được mối to. Ai ngờ ăn xong, tụi nó đứng dậy vừa chạy vừa cười. Tụi nó đông, lại là thanh niên, biết mình không dám làm gì nên dăm ba bữa lại quậy một lần. Tụi nó cười còn mình thì khóc vì bữa đó hụt vốn. Riết rồi sợ quá nên khách đến ăn, tôi xin lấy tiền trước. Người hiểu thì thông cảm, người không hiểu thì chửi dữ lắm…” - chị Hà kể.
“Xui xẻo” hơn chị Hà, chị Nguyễn Thị Út (47 tuổi, quê Tây Ninh) lay lắt kiếm sống với gánh bánh tét dạo kiếm từng đồng bạc. Một lần, khi đi bán ở khu vực phường 14, quận 8, bất ngờ chị Út bị 2 đối tượng nghiện chặn đường cướp tiền.
“Tôi còn có mấy đòn bánh, định bán xong rồi về. Đi tới chỗ cầu số 1, 2 đứa nó chạy xe ngang thắng lại hỏi mua. Tôi vừa hỏi: “Đậu hay chuối, em?”, nó liền móc đâu ra cây kim tiêm có máu rồi kêu đưa hết tiền ra. Đường vắng không có ai, tôi đành bấm bụng đưa cho tụi nó. Bữa đó coi như hết vốn, phải đi vay tiền bán lại. Nghèo mà còn mắc cái eo…” - chị Út thở dài.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-3
Kỳ tới: “Nghệ sĩ” đường phố
Nhiều cám dỗ
Gần 24 giờ, những hàng quán ở khu phố Tây (đường Bùi Viện, quận 1) vẫn nhộn nhịp. Một cô bé có gương mặt xinh xắn mời chúng tôi mua xoài và trứng cút. Vừa thoăn thoắt gọt xoài, cô bé vừa cười nói: “Em tên Lớn, mới bán ở đây được mấy tháng. Trước em lang thang ở đoạn bờ kè. Nhìn em nhỏ vậy thôi chứ 16 tuổi rồi. Mẹ em cũng đi bán giống em mà ở đoạn đường khác, gần gần đây nè”.
Tám tuổi, Lớn từ Kiên Giang lên TP HCM cùng cha mẹ. Cả gia đình sống ở căn phòng khoảng 12 m2 thuê ở quận 8 với giá 600.000 đồng/tháng. “Mẹ con em không có vốn nên đi bán mấy thứ này. Chỉ cần cái thúng với xoài, trứng cút là hành nghề được rồi. Mỗi đêm, 2 mẹ con kiếm được khoảng 300.000-350.000 đồng...” - Lớn cho biết.
Lăn lộn ở khu phố Tây sầm uất, Lớn phải đối mặt với nhiều tệ nạn, trong đó không ít lần em nhận được lời rủ rê đi khách. “Lúc mới đi bán ở đây, em thấy nhiều người bán hoa hồng kiếm được nhiều tiền nên bắt chước, mua hoa về bán. Ai dè, mới tuần đầu tiên, có mấy ông khách chèo kéo, ra giá đi khách, sợ quá, em quay về lại với xoài và trứng cút cho... an toàn. Có khi không tránh khỏi mấy người không đàng hoàng, lúc đó lấy tiền nhanh rồi chuồn đi chỗ khác” - Lớn kể.
Bình luận (0)