Màn đêm buông xuống TP HCM cũng là lúc bắt đầu cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những người lao động nghèo, bất chấp hiểm nguy rình rập và cả khi đau ốm bất ngờ. Vắt kiệt sức đổi lấy những đồng tiền lẻ nhưng trong họ vẫn không thôi mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
20 giờ, từng đoàn xe tải, xe con chở rau củ, cá tôm từ khắp nơi đổ về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8, TP HCM). Trong bóng đêm phủ lấp, hàng ngàn người miệt mài mưu sinh với nhiều công việc khác nhau nhưng đông đảo và cực nhọc nhất vẫn là nghề cửu vạn. Đáng nói, công việc vốn đòi hỏi sức mạnh của nam giới lại có không ít chị em lựa chọn gắn bó.
Cực lắm...
Chúng tôi làm quen với chị Nguyễn Thị Mai (44 tuổi, quê Tiền Giang) nhưng chưa kịp nói gì thì đã có người gọi đẩy hàng. Nhanh nhẹn nhấc từng thùng cá nặng vài chục ký chất lên xe, chị gồng người đẩy hàng trên nền nhà trơn trượt tưởng như có thể té ngã bất cứ lúc nào. Chuyến hàng này đẩy ra xong lại quay vào đẩy chuyến hàng khác, chị làm liên tục không nghỉ.
Phải đợi đến gần 3 giờ sáng, chị Mai mới có chút ít thời gian ngồi nghỉ ngơi. Mồ hôi đổ ròng ròng, thấm đẫm thân hình nhỏ bé của chị. Đưa đôi tay với những đường gân xanh chạy ngoằn ngoèo dưới làn da nhăn nheo gạt mồ hôi, chị nhìn chúng tôi cười hiền khi được hỏi thăm.
“Công việc này cực lắm. Quần quật từ đêm đến rạng sáng nhưng tiền công kiếm được chỉ dao động từ 150.000-200.000 đồng/đêm. Đàn ông thì tiền công kiếm được cao hơn, từ 300.000-500.000 đồng. Làm mệt, về đến nhà rã rời chân tay, ăn qua loa rồi lăn ra ngủ để lấy sức tối đi “cày” tiếp” - chị Mai thở dài.
Theo chị, ở quê lên TP, không nghề nghiệp, không bằng cấp, có nơi để bán sức lao động xoay xở cuộc sống cũng may rồi, bây giờ kiếm việc làm khó lắm. Ngay cả công việc cực nhọc này cũng không trống chỗ, phải đợi có người nghỉ việc mới xin vào được.
Đôi mắt trũng sâu dõi nhìn những đồng nghiệp khác đang oằn người đẩy xe hàng cao ngất ngưởng, chị tâm sự: “Đàn bà làm nghề này vẹo xương sống, còng lưng, bong gân là chuyện thường. Có nhiều bữa đau cũng không dám nghỉ... ”.
Vì tương lai của con
Giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn, ồn ào xen lẫn những lời mắng chửi xối xả, hàng trăm người vẫn lầm lũi, liêu xiêu, xuôi ngược chuyển hàng. Chị Trần Thị Thu (40 tuổi, quê Tiền Giang), người vừa bị chủ vựa la mắng, nói: “Đổ hàng, chậm hàng, giao hàng không đúng số lượng… đều bị chửi. Nghe riết rồi quen.
Vợ chồng tôi ở dưới quê sống cực quá mới lên đây kiếm việc. Chồng làm đủ thứ nghề từ sáng đến tối, còn tôi kiếm hoài không được việc, may mắn có chị ở cùng dãy trọ thương tình dắt đến đây. Mới đầu không quen, đau ê ẩm khắp người nhưng giờ cũng ổn rồi”.
Chị Nguyễn Thị Thơm (46 tuổi) lặn lội từ Đồng Tháp lên TP HCM gắn bó với nghề cửu vạn, dạt từ chợ này sang chợ khác, quần quật làm cũng chỉ đủ nuôi 4 đứa con qua ngày. Đứa con gái lớn của chị mới 10 tuổi đã nghỉ học, theo mẹ ra chợ mót cá. Đến năm 12 tuổi, em giúp mẹ đẩy xe rồi chính thức trở thành nữ cửu vạn khi mới 18 tuổi.
Một trong những nữ cửu vạn thâm niên nhất ở chợ Bình Điền phải kể đến bà Nguyễn Thị Tám (54 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM), gắn bó với công việc kéo xe hơn 20 năm qua. “Trước đây, tôi làm ở chợ cá Xóm Củi, khi các chợ trong nội thành giải thể và quy tụ về chợ Bình Điền, tôi về theo.
Hồi trẻ làm dữ lắm, giờ già rồi, sức khỏe cũng không chịu nổi nữa nhưng phải ráng, không làm nghề này thì biết làm gì? Con gái tôi mới học xong cao đẳng, cũng chưa xin được việc. Tôi còn ráng được tới đâu thì hay tới đó” - bà Tám nói.
Nhắc đến con, ánh mắt của các nữ cửu vạn thấp thoáng niềm vui. Động lực giúp họ trụ được với nghề, vượt qua bao nỗi vất vả, tủi nhục và cả những hiểm nguy chính là niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho các con. “Thằng nhỏ nhà tôi học lớp 3 rồi, nó giỏi lắm. Vợ chồng tôi đi làm cực nhọc mấy cũng không sao, cố gắng để con học được cái chữ mà thoát nghèo” - chị Thu nói.
Ngồi cạnh bên, chị Mai cũng không giấu được niềm hạnh phúc: “Tiền học thêm, quần áo, sách vở… lo mờ mắt nhưng nghĩ đến cuộc đời con nhờ được học hành mà đỡ khổ hơn cha mẹ, tôi lại ráng làm. Vậy chứ ở đây dù cực nhọc, chị em cũng biết nương tựa nhau mà sống”.
“Xe kéo!”. Tiếng các tiểu thương vang lên. Các chị lại lao ra, mất hút sau lớp lớp xe cộ, hàng hóa.
Chúng tôi ra về khi đồng hồ chỉ 6 giờ. Đây cũng là lúc các nữ cửu vạn kết thúc một ngày lao động vất vả của mình, mệt nhọc hướng về bãi đất trống bên hông chợ lấy xe về nhà kiếm tìm giấc ngủ, chuẩn bị cho một đêm làm việc mới.
Kỳ tới: Những gánh hàng rong
Phải đóng phí
Theo nhiều nữ cửu vạn ở chợ Bình Điền, muốn vào làm kéo xe phải có hồ sơ nộp cho các HTX vận chuyển và đóng thêm một khoản phí. Cách đây nhiều năm, phí khoản 300.000 đồng, nay gần 1 triệu đồng. Ngoài số tiền phải đóng ban đầu, mỗi đêm, cửu vạn còn phải trả cho HTX 20.000 đồng tiền thuê xe đẩy. Cửu vạn được phát áo, trên mỗi áo đều có số để chủ vựa tiện theo dõi.
Bình luận (0)