xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người không vô cảm

KHA MIÊN - THU HỒNG

Bất chấp nguy hiểm, không kịp đắn đo, anh “tuyên chiến” với 4 tên cướp đang cầm mã tấu trong tay. Điều thôi thúc anh lúc ấy chỉ có hai chữ: Cứu người!

Gặp chúng tôi sau nửa tháng ra tay cứu chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (người bị băng cướp chém gần đứt lìa bàn tay để cướp xe SH dưới chân cầu Phú Mỹ, quận 2 - TPHCM tối 24-11), anh Đặng Văn Nở (ngụ quận 2) cười ngại ngùng: “Đó là chuyện bình thường, nên làm!”.

Cứu người là trên hết

Kể về đêm đáng nhớ đó, anh Nở cho biết: “Bình thường, tôi đi làm đến 21-22 giờ mới về. Hôm đó thứ bảy nên tôi về sớm. Đến nơi xảy ra vụ án là khoảng 19 giờ 45 phút, tôi vừa xuống cầu Phú Mỹ, chạy khoảng 500 m thì thấy một cô gái đang ngồi lết trên mặt đường. Tôi không quan tâm nhiều, tưởng là trai gái bồ bịch, đùa giỡn. Tới gần, tôi thấy chiếc xe SH nằm trong bụi cỏ, còn cô gái vẫn lết ra phía ngoài đường. Khi thấy có 4 thanh niên đang giật túi xách của cô gái, tôi mới biết đó là cướp”.

Không như thái độ chung của nhiều người khi gặp cướp, anh Nở khẳng khái: “Lúc thấy tên cướp cầm cây mã tấu, tôi hết sợ luôn, chỉ nghĩ làm sao để cứu người”. Không kịp suy nghĩ, anh Nở tấp xe vào, quát lớn: “Tụi bây làm gì đó?”. Lúc này, một thanh niên cầm mã tấu quay lại hỏi: “Mày nói cái gì?”. “Tôi thấy tụi nó cầm dao chém tới nên rồ ga chạy một đoạn rồi dừng lại. Tụi nó cũng dừng lại, một lúc sau, thấy tôi đứng im nên tiếp tục chạy theo. Tôi nhích thêm một đoạn nữa, rồi cương quyết đứng ở đó để chặn đầu. Nhìn sang bên kia đường, thấy có chốt dân phòng, tôi liền chạy lại, la lớn: “Mấy anh ơi, phụ tôi, có 4 tên cướp nè, mình tôi làm không lại!”. Thế nhưng, tôi thấy thái độ của các anh dân phòng không mặn mà lắm” - anh thở dài giữa câu chuyện.
 
img
Anh Đặng Văn Nở (trái) và anh Nguyễn Văn Tàu kể lại chuyện cứu người
Ảnh TRÂM ANH

Nghe anh Nở hô hoán, băng cướp bỏ chạy. Tức tốc, anh rồ ga rượt theo. Thế nhưng, băng cướp đã chạy qua khỏi cầu Phú Mỹ. Biết không thể đuổi kịp, anh dừng lại dưới chân cầu. Lúc này, 2 anh dân phòng mới đến nơi.

Trở lại hiện trường, anh Nở vẫn thấy chị Thúy đang ngồi dưới đất. “Khi cô gái gục xuống đường, bị những tên cướp đánh, đá, giật túi xách, có rất nhiều ô tô, xe tải, xe máy chạy ngang qua nhưng đều bỏ đi. Có thể lúc ấy, người ta sợ băng cướp nhưng đến khi chúng đã bỏ đi cũng không ai chịu giúp đỡ” - anh Nở ngao ngán. “Mọi người xúm lại đông lắm nhưng chỉ đứng xem, không một ai chở cô gái đi bệnh viện. Lúc rượt theo mấy tên cướp, tôi nghĩ vậy là xong việc của tôi, tôi về nhà. Tuy nhiên, khi thấy cô gái bước lên xe của một người dân phòng và bị từ chối, tôi mới nói: “Qua đây, chú chở đi!” - anh nhớ lại.

Khi chị Thúy leo lên xe của anh Nở, cũng không một ai giúp đỡ. Lúc này, chị Thúy mệt quá, nói: “Sợ không chịu nổi” rồi gục đầu lên vai anh. Một tay cầm lái, một tay anh vòng ra sau giữ nạn nhân, sợ té ngã. Anh chở thẳng chị Thúy đến Bệnh viện quận 2. Sau khi Thúy được sơ cứu, anh lại tất tả theo xe cứu thương đưa chị đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, rồi qua Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Không đem theo nhiều tiền, anh lại tất tả gọi điện về cho gia đình nhờ mang 2 triệu đồng đến bệnh viện.

Chị Thúy nhớ lại: “Lúc đó, tôi mệt quá, không còn biết gì nhưng nghe chú nói: “Con yên tâm đi, chú ở đây. Không cần biết hôm nay hay ngày mai, khi nào người nhà con đến, chú mới về”, tôi đã bật khóc vì cảm động”. Hơn 22 giờ, khi người nhà nạn nhân đến bệnh viện, anh Nở mới lặng lẽ ra về.

“Mấy chú ơi, cứu con!”

Nhà anh Nguyễn Văn Tàu (ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - TPHCM) - cách điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông tại ngã tư Phan Văn Hớn - Dương Công Khi làm một nữ sinh chết, một người bị kẹt cánh tay dưới bánh xe tải - vài trăm mét.

Anh kể: “Lúc ấy, tôi đang sửa xe (chiều 1-12). Một người bạn chạy ngang qua cho biết có tai nạn ở ngã tư, tôi chạy lên xem thử. Đến nơi, tôi hỏi mới biết tai nạn xảy ra đã hơn 10 phút, rất đông người dân đứng xem. Nhìn xuống gầm xe, tôi thấy một nữ sinh đã tắt thở, em còn lại đang thều thào “mấy chú ơi, cứu con”. Mặt em dính đầy máu, bàn tay phải bị kẹp chặt dưới bánh xe tải. Tôi cùng rất nhiều người đã yêu cầu lùi xe lại để cứu em nhưng lơ xe không dám, mãi hơn 15 phút sau mới thực hiện. Ngay khi bánh xe rời bàn tay của em, tôi cùng một người tên Cường mượn xe một người ở hiện trường chở đi cấp cứu. Đoạn đường tuy ngắn nhưng không hiểu sao tôi thấy nó dài quá. Ngồi sau xe, em hỏi: “Tay con có sao không chú?”. Tôi trấn an “không sao đâu, chú gọi ba mẹ con lại là ổn thôi”. 

“Tại sao có hàng chục người đứng xem, rất nhiều người có sẵn phương tiện để nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng lại không hỗ trợ, còn anh thì lại khác?” - chúng tôi đặt vấn đề. Nhẹ nhàng, anh Tàu ôm 2 con nhỏ vào lòng, nói: “Ai làm cha mẹ cũng sẽ đau lòng trước hoàn cảnh ấy, nếu bỏ mặc như mọi người thì ai sẽ cứu em nữ sinh? Thời khắc ấy chỉ tính bằng giây, chậm trễ sẽ nguy kịch đến tính mạng vì nạn nhân ra máu quá nhiều. Tôi ám ảnh mãi tiếng kêu “mấy chú ơi, cứu con” của cô bé. Nhìn bàn tay phải của em bị bánh xe tải cán nát, cánh tay còn lại quơ lên quơ xuống mà không thể kéo ra, tôi áy náy lắm. Mấy ngày sau tai nạn, có tin đồn Ngân (tên của nạn nhân - PV) không qua khỏi, tôi gọi điện hỏi thăm mẹ em thì bà cho biết “bác sĩ đang ghép xương, cấy da…, sức khỏe Ngân cũng ổn định”, tôi yên tâm và “đính chính” để mọi người cùng mừng”. 

Thực tế, không phải ai cũng vô cảm trước sự sống còn của những người xung quanh mình. Vậy điều gì đã ngăn cản họ không thể chìa đôi tay khi cần thiết?
 

Tin vào lẽ phải

“Anh có sợ bị trả thù không?” - chúng tôi hỏi anh Nở. Anh khẳng định: “Giờ nếu trở lại đêm hôm đó, tôi vẫn sẽ làm như vậy. Tôi không sợ. Họ phải sợ tôi vì họ làm điều sai…”. Nở cho biết đêm hôm ấy có nhiều niềm vui khó quên trong đời anh. Niềm vui lớn nhất chính là chị Thúy đã bảo toàn tính mạng. Niềm vui thứ hai là băng cướp đã bị lực lượng công an tóm gọn. Vui hơn nữa, khi đoạn đường nơi xảy ra vụ cướp đã được lắp bóng đèn chiếu sáng sau kiến nghị tha thiết của anh.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-12

Kỳ tới: Vô cảm: Do đâu?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo