Dải đất Nam Trung bộ trải dài từ Bình Định đến Ninh Thuận và miệt Đơn Dương (Lâm Đồng) từng “một thời vang bóng” với nghề nuôi ngựa cùng những chuyến xe thổ mộ (xe ngựa) ngược xuôi.
Xà ích Trần Đăng Hưng chăm sóc chú ngựa Hồng như một người bạn thân
Những ngày vui vẻ ấy qua rồi...
Từ mờ sáng, ông Huỳnh Phúc (62 tuổi, một trong những xà ích hiếm hoi ở miền quê Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã cho chú ngựa Truy Phong ăn thật no, mang theo ít cỏ dự phòng, rồi “ra roi” rời nhà, bắt đầu một ngày làm việc mới.
Gần 50 năm trước, khi nghề xà ích còn thịnh hành, cha ông đã sắm xe ngựa làm phương tiện mưu sinh cho gia đình. Cậu bé 12 tuổi Huỳnh Phúc theo phụ cha khuân vác hàng lên xe và cắt cỏ cho ngựa ăn. Ròng rã gần 3 năm làm “tà lọt”, ông mới được giao cầm cương ngựa.
Thế rồi mỗi ngày, xà ích Huỳnh Phúc chở khoảng chục bà con từ quê lên TP Phan Rang – Tháp Chàm mua sắm hoặc khám bệnh. Sau đó, ông vào chợ đầu mối trung tâm nhận hàng theo đơn của các tiểu thương ở chợ quê rồi đánh xe quay về.
“Hồi đó, xe ngựa kiếm sống được lắm nên tui mới nuôi nổi vợ và 3 đứa nhỏ ăn học. Bây giờ, nhà nào cũng có xe máy, xe buýt cũng đâu có thiếu, ai thèm đi xe ngựa nữa. Tui với con Truy Phong chủ yếu chở hàng rau củ quả và tạp hóa linh tinh, kiếm khoảng 150.000 – 200.000 đồng/ngày là mừng lắm rồi” - ông Phúc tâm sự.
Có lẽ vì thế mà thị trấn Phước Dân trước kia có hơn 10 xà ích thì nay chỉ còn mỗi ông Phúc bám trụ với nghề.
Theo các bậc cao niên ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, phường Tấn Tài từng có 2 bến xe ngựa với hơn chục xà ích. Mỗi ngày, từ khoảng 3 giờ, các xà ích đánh xe về các vùng biển Dư Khánh, Tri Thủy Đông Giang, Tân Thành (cách TP 5-10 km) để chở ngư dân và cá, mắm lên chợ phố. Đến chiều, khi tan chợ, họ đưa các ngư dân về nhà. Trên xe lúc nào cũng lỉnh kỉnh hàng hóa.
Họa hoằn lắm người ta mới bắt gặp chiếc xe ngựa lẻ loi trải vó trên phố thị Phan Rang ồn ào, náo nhiệt.
“Cái thời vui vẻ ấy qua lâu rồi, bến xe ngựa giờ đã được quy hoạch thành chợ nông sản. Đồng nghiệp mấy chục năm trước người thì đã già yếu, kẻ chuyển nghề khác mưu sinh, chỉ còn mình tui vẫn cứ… lộc cộc mỗi ngày” - ông Trần Đăng Hưng, người xà ích 53 tuổi nhưng có đến gần 40 năm trong nghề, trải lòng.
Người nuôi ngựa cuối cùng
“Người ta chọn nuôi bò, dê, cừu để làm kinh tế nhưng riêng tôi chỉ thích nuôi ngựa…” - ông Lai Lầu (67 tuổi, dân tộc Chăm ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc) có lẽ là người nuôi ngựa cuối cùng ở Ninh Thuận, tâm sự.
Lão nông Lầu kể khoảng 50 năm trước, ở Bắc Sơn có nhiều gia đình nuôi ngựa để phục vụ cúng kính trong tín ngưỡng dòng tộc và bán cho các chủ xe ngựa. Nuôi ngựa thời đó là một trong những nghề mưu sinh chính của nhiều gia đình. Ngoài ra, theo phong tục của đồng bào Chăm, cúng Ri Chà dấu tộc họ - đám cúng trả ơn ông bà do con cháu có lời cầu xin phù hộ may mắn trong việc làm ăn - phải có ngựa sống để bà bóng làm lễ “quất roi”. Nếu không có ngựa thật, đàn ông trong tộc họ phải giả làm ngựa để nghi lễ được thực hiện đúng quy định.
Vài xà ích cuối cùng ở Ninh Thuận vẫn bấu víu lấy nghề vì nặng lòng với tiếng vó câu
Giữa năm 2005, ông Lai Lầu bàn với bà con tộc họ khôi phục nghề nuôi ngựa để có lễ vật tế cúng trong đám Ri Chà dấu. Ban đầu, ông Lầu mua một cặp ngựa một cái, một đực khoảng 1 năm tuổi. Nhờ điều kiện khí hậu và đồng cỏ tự nhiên sẵn có, 2 con ngựa đến nay đã cho ra đời 3 con ngựa con. Năm 2012, ông Lầu bán một con ngựa đực 2 năm tuổi với giá 8 triệu đồng. Giữa tháng 8-2014, ông bán tiếp con ngựa cái 12 tháng tuổi được 5 triệu đồng.
“Thật ra nghề nuôi ngựa hiệu quả kinh tế không cao như nuôi bò, dê nhưng để phục vụ cho phong tục, chúng tôi phải cố gắng chăm chút thôi” - ông Lầu bộc bạch.
Món cát xê bất ngờ
Đời xà ích của ông Trần Đăng Hưng vui nhất là khi cả ngựa và chủ cùng được… lên phim. Tháng 10-2013, đạo diễn Đinh Thái Thụy tìm tới nhà mời ông đưa con Hồng (tên con ngựa kéo xe) tham gia bộ phim truyền hình nhiều tập “Dấu chân du mục”. Phim quay tại đồi cát Sơn Hải và vùng rừng núi Nhị Hà thuộc huyện Thuận Nam.
Gần một tháng ròng rã, ông Hưng theo chân đoàn làm phim để hướng dẫn diễn viên kỹ thuật cưỡi ngựa phi nước đại giữa vùng sa mạc. Phim kết thúc, ông Hưng và con Hồng được trả khoản cát-xê 12 triệu đồng. “Cũng hơi bất ngờ, mệt nhưng vui…” - ông Hưng tâm sự.
Bình luận (0)