xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những thảm kịch từ game online

A.Q (Tổng hợp)

(NLĐO)- Bắt đầu từ 22 giờ đêm nay (30-3), quy định siết chặt quản lý game online (G.O) được áp dụng. Nhìn lại hàng loạt vụ việc đau lòng có liên quan đến G.O, thấy rằng việc tăng cường quản lý là rất cần thiết. Nhưng có lẽ, mệnh lệnh hành chính thì chưa đủ…

Câu chuyện thứ nhất
 
TPHCM, năm 2010. Trong một bức ảnh treo trên tường nhà, họ là một gia đình hạnh phúc. Hai đứa con ngồi cạnh bố mẹ, trong trang phục cưới. Bố mẹ không còn trẻ nữa. Ảnh cưới chụp lại như một kỷ niệm một thời khốn khó.
 
Người mẹ đã đi lao động tại nước ngoài. Chị gái lớn đã trở thành sinh viên Đại học Y, còn em trai bước vào lớp 12. Mẹ đi làm xa, chị đi học xa, cậu em nhút nhát tìm niềm vui ở G.O.
 
Bố thì bận rộn với công việc và những mối quan hệ hằng ngày, gần như quên mất rằng con trai đang bước vào giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời. Và bi kịch âm ỉ xác lập vị trí của mình trong “biệt thự đàn ông” ấy.
 
Con trai lên ngôi bang chủ trong G.O. Từ một cậu bé nhút nhát nay con trai đã có ánh mắt lì lợm, có thể nổi quạu bất cứ lúc nào và đã từng đầu trò dẫn bạn bè trong trường đi quậy phá.
 
Hình ảnh một bang chủ võ lâm dần dần tạo thành một thứ hào quang ảo, mà con trai không hề biết, mình đang bước vào một cuộc chơi đầy phiêu lưu, có thể dẫn đến chết người.
 
Những thang bậc trong G.O đã ngốn của con trai không chỉ thời gian mà còn là tiền bạc. Con trai bước vào cuộc sống bằng sự lảo đảo của nhận thức, trong những ngày thâu đêm suốt sáng với bàn phím máy tính, và hết tiền thì về nhà lục túi của bố.
 
Ban đầu, bố không nghi ngờ gì. Ông còn có cảm giác an toàn khi con mình chỉ có niềm đam mê online, chứ không theo chúng bạn dính vào ma túy. Cho đến khi, những món tiền bị mất ngày một lớn, đỉnh điểm là vài chục triệu đồng thì bố chợt nhận ra mối nguy hiểm.
 
Bố không biết nói nhẹ, cũng không biết khuyên con có lý có tình. Những cuộc cãi vã, ban đầu chỉ là lặt vặt, rồi đến ngày bùng nổ thành xung đột lớn. Con trai, bước vào cuộc chơi cuồng dại, bắt đầu dùng những hành vi thú tính nhất của mình. Bị bố mắng nặng nề, con trai liền cầm dao chém thẳng vào sau đầu bố. Bố đã gục xuống... Cay đắng!
 
Dường như những trò G.O và phim bạo lực đã không dạy được gì cho con trai ngoài cách phi tang khi làm điều xấu. Cách phi tang của con trai cũng khiến nhiều người rùng mình khi nhắc tới. Con trai lấy lưỡi cưa máy cưa thân cha mình để thành nhiều hộp khác nhau và thả từng hộp xuống sông. Con trai phá nát máy tính vì nghĩ là cái máy tính đó có dính máu.
 
Rồi con trai thản nhiên đi học, viết blog, lấy tiền đi chơi game. Đến khi chị gái nhận dạng xác bố từ những phần thân thể không lành lặn ghép lại, em trai vẫn đứng yên nhìn. Và rồi con trai bỏ đi. Nghĩ rằng mình sẽ đi thật xa để làm lại từ đầu.
 
Nhưng làm sao làm lại được từ đầu, khi tội ác ấy không thể tha thứ! Và phần đời còn lại của con trai sẽ là phần đời u tối, vĩnh viễn chìm vào sự giày vò của chính tâm hồn mình…
 
Vụ án gây xôn xao dư luận và bỗng chốc trở thành nỗi ám ảnh thực sự với nhiều gia đình có con bước vào tuổi mới lớn. Khi bước vào những trò chơi online, có thể cậu con trai ấy không bao giờ nghĩ mình sẽ là kẻ cắp. Và khi lấy tiền đi trả nợ vì game, cậu cũng không nghĩ có một ngày vì một cơn điên lạnh gáy, cậu dám dùng dao lạnh lùng cắt đứt cuộc sống của cha mình.
 
Chỉ có những con nghiện lâu ngày mới không kiểm soát được hành vi của mình. Những biểu hiện nghiện G.O cũng không khác gì những cơn giận choáng người của những con nghiện ma túy.
 
Câu chuyện thứ hai
 
Từ một học sinh giỏi nhiều năm liền, V.H.T.N (14 tuổi, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trở thành cô bé kỳ quái chỉ vì nghiện G.O. Mái tóc cắt lởm chởm, phong cách ăn mặc dị hợm cùng các loại trang sức quái đản hoàn toàn đối lập với gương mặt thông minh, xinh xắn.
 
V.H.T.N. từng là nữ “game thủ” duy nhất trong một khóa cai nghiện G.O tại TPHCM. Chúng tôi tiếp cận được N. trong lúc em “rảnh tay” vào một buổi chiều. Mặc cho nhà có khách, cô bé lạnh lùng nhìn chằm chằm chúng tôi một lát rồi bỏ ra sân chơi, không chào lấy một câu.
 
img
Ban đầu, V.H.T.N vẽ rất đẹp các bức tranh về chủ đề gia đình nhưng khi nghiện game,
cô bé lại vẽ những hình thù gớm ghiếc. Ảnh: NLĐO
 
N. mặc quần jeans lửng và áo ba lỗ giống hệt con trai, tay và cổ đeo những sợi xích to kỳ quái. Mẹ của N. nhìn con ngao ngán nói: “Có hôm nó về nhà với đầu tóc nửa xanh, nửa vàng, cắt cạo lởm chởm như những nhân vật trong game. Chỉ một tuần mà nó thay đổi đến 4 màu tóc”.
 
Từ khi N. nghiện game, mẹ N. thường xuyên mất ngủ và bị ám ảnh vì những gì con gái thể hiện. Tất cả khuyên tai, dây thắt lưng, giày dép, xe đạp... đều được N. trang trí thêm những chiếc đầu lâu trắng toát. Có lần, mẹ N. xây xẩm mặt mày khi phát hiện N. thay chiếc thánh giá đeo ở dây chuyền thành một chiếc... đầu lâu để đi nhà thờ.
 
 
Đang học lớp 7, N. bỏ ngang, gia đình khuyên răn thế nào em cũng gạt phăng để tụ tập băng nhóm say sưa với các trò chơi trực tuyến. Chưa thỏa mãn với thế giới ảo, N. còn thường xuyên tham gia đua xe và đánh nhau ngoài đường.
 
Là chị cả trong nhà nhưng N. không hề đụng tay vào việc gì. Mẹ sai quét nhà, rửa chén bát thì em quắc mắt đáp: “Không”! Khi bị mẹ đánh, N. lạnh lùng tuyên bố mẹ là kẻ thù và sẽ chịu báo hận khi có dịp! Nguy hiểm hơn, em V.H.Nh (em của N.) thường xuyên phải chịu những trận đòn theo kiểu “xã hội đen” của chị. Nh. tâm sự: “Chị N. bị khùng hay sao ấy, hở ra là đấm đá em túi bụi”.
 
Trước khi trở thành “game thủ”, N. học rất giỏi với chuỗi thành tích đáng nể trong suốt bậc tiểu học và năm đầu tiên của cấp 2. Xấp giấy khen của em từ lớp 1 đến lớp 6 đều ghi thành tích “Học sinh xuất sắc”.
 
N. cũng nhiều lần nhận được khen thưởng về thành tích trong hoạt động Đoàn, Đội ở trường. Xem qua hàng loạt bài kiểm tra của N., chúng tôi thấy em luôn đạt điểm 9, 10 ở nhiều môn như Anh văn, toán, lý, tập làm văn...
 
Sự thay đổi trong nhận thức, tính cách của N. cũng thể hiện qua những gì em vẽ ra. Ban đầu, em vẽ rất đẹp các bức tranh về chủ đề gia đình, bộ đội, phong cảnh nhưng khi nghiện game, cô bé lại vẽ những hình thù dễ sợ, gớm ghiếc như đầu lâu, mặt quỷ...
 
“Trong game toàn là cảnh chém giết, bạn game trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ rất thô tục thì làm sao nó không đổ đốn” – mẹ N. rầu rĩ nói.
 
Năm ngoái, khi biết có lớp cai nghiện game ở TPHCM, gia đình N. lập tức đưa N. lên đăng ký nhưng do quá trễ nên N. chỉ tham gia được 10 ngày.
 
Sau khóa cai này, N. có thay đổi phần nào nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì “ngựa quen đường cũ”. Tiễn chúng tôi ra về, bà nội của N. khẩn khoản: “Con xem trên TPHCM có nơi nào chữa trị được bệnh nghiện game thì chỉ giúp bà, chứ cháu chắt thế này thì làm sao sống nổi”…
 
Câu chuyện thứ ba
 
Vụ án cậu học trò cấp II giết mẹ sau khi bị mẹ mắng vì nghiện game đang khiến dư luận Hàn Quốc rúng động. Theo báo Korea Herald, cậu bé 15 tuổi này đã treo cổ tự tử bằng dây điện trên ban công nhà ở quận Daeyeon, tỉnh Busan.
 
Thi thể người mẹ được con gái 11 tuổi phát hiện ở phòng ngủ của bà và bà ngoại của em đã vội thông báo cho cảnh sát. Cậu bé học lớp 9 để lại mảnh giấy ghi lời nhắn: “Bà ơi, mẹ mắng con vì đã chơi game. Con đã phạm phải tội ác không thể tha thứ. Con rất xin lỗi”.
 
Theo cảnh sát Hàn Quốc, chồng của người phụ nữ xấu số này đi làm ăn ở Trung Quốc từ năm 2000 và từ đó họ sống ly thân. Bà làm trợ lý tại một phòng ảnh để kiếm tiền nuôi con và thường xuyên về nhà trễ. Do không có sự quan tâm của cha mẹ, cậu bé nghiện game từ lớp 5. Cậu dường như thích các trò chơi đao kiếm, súng ống.
 
Theo lời kể của em gái, cậu thường chơi game trong phòng riêng tới 2-3 giờ sáng. Năm 2009, cậu đã ba lần tham gia tư vấn để chữa chứng nghiện game. Khám nghiệm tử thi cho thấy trên thân thể người mẹ có những vết bầm tím do bị đánh đập, trên gương mặt có nhiều vết cào cấu.
 
Cô con gái khai với cảnh sát cô chỉ nghĩ mẹ và anh trai cãi nhau như bình thường nên đi ngủ, sau đó đến sáng mới biết mẹ và anh đều đã chết.
 
img
Hai trẻ vị thành niên chơi G.O ở Gwangmyeong, Seoul – Hàn Quốc. Ảnh: nytimes.com
 
Vụ việc đang khiến dư luận Hàn Quốc rất lo lắng. Trong xã luận “Đừng coi thường ảnh hưởng của G.O” trên tờ Joong Ang Daily, An Yeong Gyun, chuyên viên kiểm toán công, viết: “Khi tôi đi dự các cuộc họp phụ huynh, chúng tôi thường nói về chuyện cấm đoán hay ngăn chặn con trai chơi game, trong khi những đứa con trai của mình dường như không thể sống mà thiếu game. Ông bố này kể đã ném máy tính qua ban công, còn bà mẹ kia nói đã tịch thu con chuột. Thậm chí có cặp vợ chồng còn rút cả dây điện ra, mang máy tính đến dự họp để chắc chắn là ở nhà “ông” con mình không chơi game khi họ đi vắng. Gần như tất cả bậc cha mẹ ở Hàn Quốc đều gặp vấn đề rất nghiêm trọng với G.O. Tuy nhiên, thực tế lại không có nhiều sự quan tâm của xã hội”.
 
Tác giả viết tiếp: “Dù truyền thông đưa nhiều tin về sự phát triển của game, nhưng ít khi nói về chứng nghiện game và những khó khăn mà cha mẹ và con cái gặp phải do game. Kinh doanh game ở Hàn Quốc mang lại doanh thu 6,2 tỉ USD/năm, một món lợi nhuận kếch sù. Tuy nhiên, cũng cần phải tính tới chi phí xã hội rất lớn. Năm 2009, 940.000 trẻ em và thanh niên Hàn Quốc bị nghiện Internet. Nếu họ nghiện game thì tình hình còn nghiêm trọng hơn. Ngày nay, nhiều gia đình giấu nhẹm chuyện nghiện game, cố tảng lờ, giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng. Nhưng chi phí xã hội do game và chứng nghiện Internet lại quá nghiêm trọng, và không còn là vấn đề cá nhân nữa”.
 
Tác giả đề nghị nhà chức trách Hàn Quốc xem xét liệu hệ thống pháp luật hiện nay có được áp dụng phù hợp để ngăn chặn các vấn đề về game từ trước hay không.
 
Nghiện game, theo các chuyên gia thế giới, đang là khuynh hướng tăng nhanh. Ngày càng nhiều người thấy rằng game - một sở thích khi rảnh rỗi - lại đang “nuốt chửng” cuộc đời của họ. Tiến sĩ Ryan G. Van Cleave, tác giả cuốn sách Rút dây ra: hành trình vào thế giới đen tối của chứng nghiện game, đã cảnh báo: Trung Quốc và Hàn Quốc đã phải tuyên bố nghiện G.O là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng số 1 của họ.
 
Trung Quốc có hàng trăm trung tâm điều trị chứng nghiện game và Internet. Hàn Quốc đã đào tạo 1.000 tư vấn viên làm việc tại hơn 200 trung tâm điều trị các căn bệnh kỹ thuật số.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo