Đi sâu vào những cánh rừng Cần Giờ đã và đang hồi sinh, chúng tôi gặp rất nhiều “thổ dân”. Lần mò giữa rừng kiếm cái ăn qua ngày và sống cô độc quanh năm trong những túp lều lá trống trơn, xiêu vẹo, vậy mà họ vẫn kiên trì bám trụ để giữ gìn lá phổi xanh cho TP.
Gia tài cho con: Quyền giữ rừng
Căn nhà lá đơn độc giữa một hõm rừng của Tiểu khu 19, ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An - Cần Giờ như chực trôi tuột xuống sông vì đất chuồi. Qua con nước lớn đầu tháng 11, sóng đã ngoạm toang hoác một khoảng sân rộng trước nhà. Chủ nhà - ông Đỗ Thanh Năm - người dân quen gọi là Năm ốm, tặc lưỡi lo ngại: “Chỉ vài con nước nữa chắc mất luôn cái bàn thờ thiên trước hiên nhà”.
Gia đình ông Năm giữ 56 ha rừng. Tính ra mỗi năm, ông được trả tiền giữ rừng 28 triệu đồng. Số tiền này cũng tạm ổn nếu chỉ có hai vợ chồng. Song, gia đình ông Năm có đến 10 nhân khẩu nên bao năm nay vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Người con trai đầu của ông cưới vợ đã 5 năm, có một con trai 4 tuổi, vẫn phải ở chung cùng cha mẹ. Con gái kế của ông lấy chồng nhưng cuộc sống cũng kham khổ nên gửi lại ông ngoại một đứa cháu. Cả hai đứa nhỏ này vẫn được lo đi học.
Căn nhà ông Năm trống hoác từ trước ra sau. Sát vách kê được 2 cái giường tre. Giữa nhà đặt một cái tủ gỗ thấp ọp ẹp, trên để bàn thờ tổ tiên, phía dưới đựng mấy món vật dụng. Đất đắp nền vốn là đất sình từ ruộng muối lấy lên nên cũng lầy lội chẳng khác gì ngoài bãi. Ông Năm vốn là dân xã Tam Thôn Hiệp - Cần Giờ. Nghèo khó quá, quanh năm ông chỉ biết mò cua, bắt ốc sống qua ngày hoặc ai thuê mướn gì làm nấy. “Năm 1990, tôi xin được giữ rừng tại đây, từ đó có đồng ra đồng vào cũng đỡ khổ. Nhưng rồi con cái ra đời, ngày càng lớn lại thiếu trước hụt sau. Chỉ tội mấy đứa cháu suốt ngày quanh quẩn bên doi đất, chơi cùng mấy con chó giữ nhà, lấm lem bùn sình. Không xa đô thị là mấy nhưng cuộc sống của chúng tôi cứ như là thổ dân” – ông Năm tâm sự. Trầm ngâm một lát, rồi ông Năm bộc bạch: “Gia đình chỉ có một suất giữ rừng, tôi sẽ lấy đó làm gia tài giao cho mấy đứa con đùm bọc nhau mà sống”.
Cách nhà ông Năm không xa, ở Tiểu khu 14, vợ chồng ông Trần Văn Chia cùng 7 đứa con cũng sống nhờ vào tiền giữ mấy chục hecta rừng. Ông Chia nói vui: “Rừng cho mình cơ hội sinh sống nhưng ở được với nó cũng trần ai lắm. Tối đến muỗi mòng như trấu. Ở ngoài thì bị muỗi cắn, chui vào mùng lại có nguy cơ... thêm con. Mà con càng đông thì đói nghèo cứ luẩn quẩn”.
Hứng nước mưa để uống là chuyện thường tình đối với các hộ giữ rừng ở Cần Giờ. Ảnh: Hồ – Phú |
Ăn cua ốc, uống nước mưa
Gần 250 hộ giữ rừng ở Cần Giờ phần lớn cũng nghèo khó như nhau. Chúng tôi ghé nhà chị Đỗ Thị Sen, 27 tuổi, ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An. Đập vào mắt chúng tôi là một cái máng to đùng hứng nước mưa từ mái nhà đổ xuống một chiếc lu. Chị Sen cho biết: “Tắm bằng nước ngọt là một điều xa xỉ đối với người dân sống giữa rừng. Đàn ông thường tắm nước sông, còn đàn bà tắm sông xong cũng chỉ được “tráng” người bằng hai ca nước mưa. Chúng tôi sống ở đây bao năm nay uống nước ngọt không đã khát, còn chó gà thì chỉ chực nước vo gạo đổ ra là liếm láp”. Khổ nhất là khi trời lâu ngày không mưa, họ phải bơi ghe xuồng đi mua nước ngọt ở trung tâm ấp Thiềng Liềng với giá 1.500 đồng/đôi.
Tôi được anh Đỗ Minh Tuấn, chồng chị Sen, dẫn vào rừng đước để tìm món ăn cho buổi trưa. Tay cầm hai thanh sắt dài, anh Tuấn hì hục lội giữa những bãi bùn, lùng sục cả buổi mà chẳng kiếm được gì. Nhìn chúng tôi, anh lắc đầu ngao ngán: “Người săn cua ốc từ các nơi đổ về rất đông nên chúng tôi ở đây cũng hết cái mà ăn”.
Vừa lội từ rừng về, chúng tôi đã thấy chị Sen đứng trước nhà chống cằm nhìn ra sông. “Tôi đang trông ghe vàm qua để mua ít gạo và dầu hôi”- chị nói. Ở đây, cứ cách 2-3 ngày lại có một chiếc ghe vàm (ghe chợ) từ Đồng Nai chạy qua để bán thực phẩm. Tiếng máy nổ bành bạch của những chiếc ghe vàm, tiếng kì kèo trả giá trên sông nước dường như là niềm vui không thể thiếu, được trông đợi hằng ngày của những người giữ rừng sống cô độc giữa rừng như gia đình chị Sen. “Ghe vàm tới thì vui thiệt, song túi ít tiền nên nhiều lúc chúng tôi chỉ nhìn thôi chứ không mua nổi” - chị Sen thật thà.
Cũng tại ấp Thiềng Liềng, anh Huỳnh Văn Trung thay cha giữ mấy mươi hecta rừng. Tiền giữ rừng anh giao hết cho cha để nuôi 5 đứa em đang tuổi ăn, tuổi lớn. Thu nhập của hai vợ chồng cùng 2 con phụ thuộc vào việc mò cua bắt ốc của anh. Bình quân mỗi đêm đi rừng, anh Trung kiếm thêm từ “nghề tay trái” này được khoảng 50.000 đồng, cũng tạm lo cho gia đình đắp đổi qua ngày.
Nỗi lo thất học
15 tuổi đầu, con gái ông Năm ốm chỉ học đến lớp 7, do khó khăn quá, phải học trễ. Hầu hết những đứa trẻ con của những người giữ rừng phải chịu cảnh thất học. Cố gắng lắm, gia đình mới đưa được con em đến nhà mở ở xã Tam Thôn Hiệp. Nhà mở này dành dạy cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ và nay tiếp nhận luôn cả con em của những người giữ rừng khó khăn. Ông Năm ốm băn khoăn: “Con cái học tới đâu hay tới đó, chứ tôi thật sự không biết có lo nổi cho chúng học tới nơi tới chốn không”. Toàn huyện Cần Giờ có 2 trường THPT ở Cần Thạnh và Bình Khánh, cách nhau đến 40 km. Ở ngay mặt đường mà muốn đi học, học sinh phải đón xe buýt từ sáng sớm, nói gì đến các em ở giữa rừng.
Ở sâu trong rừng, chuyện thất học cứ kéo dài từ đời cha sang đời con. Anh Đỗ Minh Tuấn mới học tới lớp 2 đã bỏ dở, vào rừng ở với cha, rồi lấy vợ, sinh con. Nói đến chuyện đi học của con, anh Huỳnh Văn Trung cũng thở dài. Con trai lớn của anh đã 6 tuổi được gửi về ngoại. Anh cũng không biết sang năm, bên ngoại có lo cho cháu đến trường nổi không. anh Trung cho biết nhiều đứa trẻ khác sống với cha mẹ tít trong rừng sâu, quanh năm làm bạn với con còng, con cua, chẳng biết bao giờ mới đến được trường...
Bình luận (0)