Trên chuyến ghe vào rừng Cần Giờ, chúng tôi choáng ngợp trước những cánh rừng đước ngút ngàn nối tiếp nhau phủ ken dày trên vùng đất sình lầy đặc hữu. “Thổ địa” đưa chúng tôi vào rừng là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cần Giờ Võ Văn Đức, người đã 26 năm nay lăn lộn với những cây đước ở đây.
Gắn tuổi xuân với rừng
Vốn là một thanh niên TP chính hiệu, song ông Đức đã dành cả tuổi xuân của mình cho vùng đất ngập mặn này. Cùng chúng tôi đi qua từng địa danh nghe tên cứ thấy rờn rợn, như Tắc Đòi Nợ, Lạch Sấu Nằm..., ông Đức giải thích: “Xưa kia, cọp và cá sấu thường ra đây bắt người để “đòi nợ”, vì đã xâm lấn đất đai, giết hại đồng loại của chúng nên mới có những địa danh này”.
Toàn khu vực rừng Cần Giờ có 7 chốt kiểm lâm, đến nay ông Đức đã trải qua hết thảy, mỗi chốt 2 năm trời. Hai mươi mấy năm ở giữa rừng, dưới nước là cá sấu, trên bờ là muỗi mòng...; cái ăn, cái mặc cũng vất vả, thiếu thốn trăm bề, vậy mà ông Đức vẫn không chao lòng, quả thật đáng khâm phục. Ông Đức nhớ lại: “Thiếu nhất là gạo, muối, còn các thứ khác có thể lượm lặt trong rừng để đắp đổi qua ngày. Năm 1988, khi con đường Rừng Sác từ Cần Giờ về TPHCM vừa thông, dù chỉ bằng đường đất, tôi liền mượn xe đạp chạy một mạch về TP cho đã chân. Bao năm lội sình, chèo ghe, chân tay cứ như bị bó lại”.
Rừng đước nơi đây cũng gắn liền với một người khác: Tiến sĩ Lê Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ. Từ một chàng sinh viên lâm nghiệp của những năm 1980, bỏ lại sau lưng bao cơ hội tiến thân xán lạn ở TP, ông Tuấn quyết định gắn đời mình với rừng đước. Cả trăm đề tài nghiên cứu của ông, từ thuở sinh viên cho đến khi đã thành một tiến sĩ, đều liên quan đến rừng ngập mặn. Năm 2005, công trình nghiên cứu “Khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ (1978-2000)” của tiến sĩ Tuấn và một nhóm tác giả đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Nối tiếp một thế hệ
Với những cánh rừng đước trải rộng hơn 35.000 ha, việc quản lý rừng Cần Giờ hết sức vất vả. Rừng được chia thành 24 tiểu khu và anh em kiểm lâm cùng cán bộ quản lý phải túc trực 24/24 giờ. Chúng tôi đến Cần Giờ vào ngày cơn bão số 10 đang hoành hành ngoài khơi, có nguy cơ đe dọa các tỉnh phía Nam. Ông Cát Văn Thành, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, từ sáng sớm đã túc trực tại trung tâm, chỉ đạo nhân viên điện thoại gấp rút cho các anh em đang ở trong rừng phải trở về. Với 25 năm sống với rừng, ông Thành hiểu rõ, nếu bão vào đất liền thì rừng Cần Giờ là nơi gánh chịu toàn bộ sự phẫn nộ của thiên nhiên. Rất may, cơn bão số 10 đã không vào Cần Giờ.
Cách trung tâm TPHCM không xa, song cuộc sống ở các tiểu khu quản lý rừng Cần Giờ gần như biệt lập. Đêm đến, các nhân viên, cán bộ kiểm lâm cứ sống với ngọn đèn dầu tù mù giữa rừng thật đáng sợ. Gần đây đã có điện mặt trời, nhưng thiếu nắng thì cũng bó tay. Mỗi chốt trạm có được chiếc tivi, nhưng phần lớn là loại đen trắng, sử dụng 1 -2 giờ thì phải tắt, vì... hết điện.
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng hàng trăm con người vẫn kiên trì bám trụ với rừng. Ông Thành cho biết: “Thu nhập bình quân của nhân viên nơi đây khoảng 2 triệu đồng/tháng nên cuộc sống rất eo hẹp. Nhưng khó khăn nhất là phải sống xa nhà. Anh em nào có gia đình thì con cái không được sự dạy dỗ của cha; người chưa vợ con thì sống thui thủi với rừng. Một thế hệ kế tiếp đầy nhiệt huyết nhưng cũng nhiều thiệt thòi khi gắn với rừng”.
Tại Trung tâm Nghiên cứu Rừng ngập mặn Cần Giờ, nhiều kỹ sư trẻ cũng thiếu thốn trăm bề khi sống ở đây để tiến hành nghiên cứu rừng. Thu nhập thấp nhưng họ phải tự túc về mọi mặt. Một kỹ sư lâm sinh cho biết: “Chỉ riêng tiền xăng dầu để vào rừng thôi cũng không đủ, nói gì đến chuyện khác”. Cũng thật đáng kinh ngạc, trong điều kiện thiếu thốn như thế nhưng tại trung tâm này, hằng năm đều có cả chục công trình nghiên cứu được thực hiện, vừa của cá nhân vừa hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài.
“Cây đước già” rừng Sác
Sau chiến tranh, rừng Sác Cần Giờ gần như bị xóa sạch, chỉ còn lại toàn sình lầy. Trên chuyến ghe vào rừng, chúng tôi được gặp một nhân chứng sống của vùng đất này, năm nay đã hơn 65 tuổi. Ông là Nguyễn Văn Tám, mới 15 tuổi đã vào rừng Sác làm giao liên cho bộ đội. Hàng chục năm chiến đấu giữa cánh rừng ngập mặn này, gần như chẳng có luồng nước nào mà ông chưa lội qua.
Ông Tám hồi tưởng: “Rừng Sác này là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công anh hùng. Còn rừng Sác thì Mỹ- ngụy không thể sống yên ổn ở đất Sài Gòn, nên chúng quyết “lột da” rừng bằng bom đạn và hóa chất. Từ năm 1964 trở đi, Mỹ - ngụy đã rải xuống rừng Sác ngập mặn hàng triệu lít hóa chất, khiến đất bị xói mòn, cây cối chết gục, tôm cá, cua ốc nổi lềnh bềnh”.
Năm 1978, UBND TPHCM tiến hành khôi phục rừng Cần Giờ. Ông Tám lại lội bùn trồng lại từng cây đước. Không chỉ có ông mà mồ hôi của hàng ngàn người dân Cần Giờ đã đổ xuống nơi đây để những thân đước vươn vai sống dậy. Ông Tám cho biết 4 người anh trai và hàng chục bạn bè, đồng đội của ông đã nằm lại dưới tán rừng Sác này. Họ là một phần không thể thiếu của rừng Sác hôm nay.
Hiện nay, bất chấp tuổi già, ông Tám lại tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch để kể chuyện rừng, chuyện đánh Mỹ- ngụy cho du khách đến thăm khu di tích rừng Sác. Mọi người quen gọi ông là “cây đước già” kiêu hãnh, kiên cường của rừng Sác.
Như một phép lạ Theo tài liệu của Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TPHCM, từ năm 1964-1970, rừng Cần Giờ đã hứng chịu gần 1,1 triệu gallons chất khai hoang, trong đó có 62,2% là chất da cam, cùng hàng chục ngàn tấn bom đạn. Toàn bộ hệ sinh thái của rừng đã bị hủy diệt, trong đó có tới hơn 4,7 triệu m3 gỗ mất đi. Theo một số nhà sinh thái học của Mỹ từng đến thăm Cần Giờ, như: Pfeifer, Wasting..., phải cần 100 năm mới phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn này. Song, nhờ sự nỗ lực, đồng tâm của chính quyền và nhân dân TPHCM, rừng Sác Cần Giờ đã hồi sinh nhanh chóng như một phép lạ. Ngày 21-1-2000, Ủy ban MAB/UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. |
Bình luận (0)