icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những tin sét đánh

Cao Tuấn

Câu chuyện người nhà của bệnh nhân tử vong đâm chết một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư - Thái Bình gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Xâu chuỗi những “tin sét đánh” dồn dập gần đây trong môi trường gia đình, học đường và xã hội, có thể nói bi kịch xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư có điều gì đó không quá bất ngờ.

Dù bản chất khác nhau, hai cái chết đi liền nhau vẫn là nỗi đau lớn cho người thân. Vì sao người nhà bệnh nhân lại vung lên những nhát dao trí mạng? Câu trả lời cho trường hợp cụ thể này rồi sẽ được cơ quan điều tra đưa ra. Điều cần luận bàn thêm ở đây là gốc rễ sâu xa của mối hận thù nói chung.

Những năm gần đây, bạo lực trong ngành y tế xuất hiện với tần suất nhiều hơn, tính chất nguy hiểm hơn mà vụ sát hại bác sĩ có thể được coi là nặng nề nhất tính đến thời điểm này. Nhìn khái quát, nó cho thấy quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân đang trở nên xấu đi và xa hơn, nó phản ánh những mâu thuẫn lớn ngay trong lòng ngành y tế không thể không giải quyết sớm.

Thật ra, những vụ bạo lực, thói cửa quyền, ban ơn của một bộ phận y, bác sĩ (nhân viên y tế nói chung); hiện tượng phong bì, quà cáp ở bệnh viện… chỉ là phần ngọn, là những triệu chứng của căn bệnh trầm kha với hai gốc bệnh chính: bệnh viện quá tải và y đức (cả năng lực hành nghề và đức độ thầy thuốc) suy giảm.

Bệnh viện quá tải sinh ra nhiều thói hư tật xấu mà những người thờ ơ nhất cũng hình dung được. Càng quá tải, bệnh nhân càng chịu sức ép và thường chịu sức ép đầu tiên. Ai cũng biết, trong điều kiện nhiều bệnh viện tràn ngập như những “cái chợ”, muốn được điều trị tốt, nhanh, suôn sẻ…, bệnh nhân cần đến khả năng cạnh tranh mà tiền bạc (hoặc quyền lực, thân quen) mới giúp họ có được khả năng đó. Vậy thì phần lớn bệnh nhân là công nhân, nông dân, người nghèo và rất nghèo sẽ xoay xở ra sao khi đặt chân đến bệnh viện, nhất là khi họ mắc bệnh nặng, bệnh nan y? Bế tắc, ngặt nghèo thường khiến con người nghĩ quẫn, dễ hành động liều lĩnh.

Còn y đức? Đã có quá nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này nhưng lối ra vẫn chưa rõ, chỉ xin đi vào 2 khía cạnh của nó. Trước hết, y, bác sĩ không thể không đủ năng lực để trị bệnh cứu người và vì vậy, họ biết phải làm gì để không bị bỏ lại sau lưng trong cuộc đua khốc liệt về y học. Thứ hai, y, bác sĩ cần được bồi dưỡng (và tự bồi dưỡng) tâm hồn thường xuyên để làm tròn chức nghiệp. Ở các nước có nền y học tiên tiến, người dự thi vào đại học y khoa không chỉ thi các môn toán, hóa, sinh (trí tuệ) mà còn phải trải qua phần phỏng vấn về xã hội - nhân văn (tâm hồn) để xem họ có đủ tư chất theo đuổi nghề y vốn rất cần những trái tim nhân ái hay không. Nước ta nên học cách làm đó, đồng thời cần siết chặt đầu vào và kiểm soát đầu ra ở các trường y khoa.

Bỗng nhớ lời cố giáo sư - bác sĩ Ngô Gia Hy vẫn thường khuyên bảo sinh viên và các bác sĩ trẻ, đại ý rằng những ai không thấu cảm nỗi đau của bệnh nhân và chỉ khao khát làm giàu thì đừng nên theo ngành y.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo