
Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai (Hà Nội), nơi từng xảy ra vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ. Ảnh: Ngọc Dung
- TS Lương Ngọc Khuê: Các vụ hành hung, tấn công BS khi họ đang khám chữa bệnh không phải gần đây mới xảy ra nhưng dẫn tới chết người như trường hợp BS Phạm Đức Giầu ở Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Vũ Thư - Thái Bình (bị Nguyễn Văn Dũng - người nhà của bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng - đâm. Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin) là lần đầu. Đây là sự mất mát lớn của gia đình BS Giầu, cũng là tổn thất của ngành y tế.
Trong cuộc sống, đôi khi một sự hiểu lầm cũng có thể dẫn đến xô xát, tranh luận nhưng vì BS không cứu sống được người thân mà cầm dao đâm chết BS là hành động không thể chấp nhận được, cần phải lên án, trừng trị thích đáng. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng vào thời điểm xảy ra án mạng, các đồng chí công an địa phương cũng có mặt nhưng hung thủ vẫn hung hãn xông vào giết chính người thầy thuốc đã tận tâm cứu chữa cho người thân của mình. Hành vi xâm hại, coi thường tính mạng người khác vốn đã không thể chấp nhận được, còn đây là hành vi giết hại thầy thuốc khi đang làm nhiệm vụ thì càng không thể dung thứ.
Cũng may, đây chỉ là trường hợp hy hữu, chứ nếu lúc nào y, BS cũng bị người nhà bệnh nhân đánh, đâm chém thì có lẽ không ai dám làm BS.
* Từ thực trạng đó, ngành y tế đã có giải pháp nào để bảo vệ cán bộ của mình?
- Nhiệm vụ của người thầy thuốc là khám chữa bệnh nên không thể lập hàng rào sắt hay trang bị áo giáp để bảo vệ họ, bởi thực thế BV là môi trường rất yên bình... Tuy nhiên, đã có những BV ký hợp đồng thuê các công ty vệ sĩ chuyên nghiệp để bảo vệ. Ngành y tế cũng đang xây dựng quy định về tài chính y tế, trong đó sẽ bổ sung những quy định mới, như bảo hiểm cho cán bộ y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ.
* Pháp luật hiện hành quy định về trách nhiệm của cán bộ ngành y và người nhà bệnh nhân thế nào?
- Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ đầu năm 2011 quy định rất rõ nguyên tắc trong hành nghề khám chữa bệnh, đó là bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề; thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật và chịu trách nhiệm về việc khám chữa bệnh... Luật cũng quy định người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề; chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề; chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Trong môi trường BV, bệnh nhân và người nhà phải có trách nhiệm tuân thủ nội quy trong BV, như không được gây gổ, nói to... Tuy vậy, không phải ai đến BV cũng tuân thủ những quy định đó.
* Cũng có nhiều vụ y, BS không cứu được bệnh nhân do tay nghề yếu, cũng phần vì sợ trách nhiệm. Trách nhiệm của y, BS trong việc cấp cứu người nguy kịch được luật quy định ra sao?
- Theo quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc do Bộ Y tế ban hành, khoa cấp cứu có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị mọi trường hợp người bệnh cấp cứu được chuyển tới BV. Các BS sẽ đánh giá, phân loại tình trạng bệnh và thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp theo mức độ ưu tiên cấp cứu đến khi người bệnh qua khỏi tình trạng nguy kịch và trong vòng 48 giờ phải chuyển người bệnh đến khoa hồi sức tích cực hoặc một chuyên khoa phù hợp khi điều kiện bệnh nhân cho phép.
Vì cấp cứu là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng phải tổ chức cấp cứu kịp thời trong mọi trường hợp. Cán bộ y tế phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo mức độ ưu tiên, không được gây khó khăn về thủ tục hành chính, không được đùn đẩy người bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh phải ưu tiên tập trung mọi điều kiện về con người, trang thiết bị và cơ sở vật chất tốt nhất để cấp cứu người bệnh. Đặc biệt, công tác cấp cứu phải bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ.
* Song song với những vụ bị hành hung, ngành y cũng bị lên án rất nhiều về vấn đề y đức như vòi vĩnh, vô cảm…, gần nhất là vụ sản phụ ở Hà Tĩnh tử vong do BS thờ ơ. Phải chăng căn nguyên của mọi sự bức xúc là đây?
Câu chuyện y đức và văn hóa ứng xử của cán bộ ngành y cũng có thể là căn nguyên của những vụ y, BS bị hành hung bởi hầu hết những phản ánh mà Bộ Y tế nhận được đều liên quan đến thái độ giao tiếp, ứng xử của họ với người bệnh. Các BV đang chấn chỉnh tình trạng này.
TS Lý Ngọc Kính, nguyên cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế |
Bình luận (0)