xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nick Út về lại nơi chớp khoảnh khắc "Em bé napalm"

Thu Hằng

(NLĐO)- Hôm nay, 8-6, tròn 43 năm sau ngày bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm" chào đời, tác giả của bức ảnh ám ảnh thế giới này - phóng viên ảnh Nick Út đã trở về thăm lại nơi ông đã “bấm máy” gần Trảng Bàng, sát Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn trước đây) và gặp lại một số nhân vật trong ảnh.

Trở lại nơi đã gắn liền với một trong những bước ngoặt của cuộc đời mình, dù tất cả đã thay đổi nhiều lắm – theo chính lời của Nick Út, nhưng dường như khoảnh khắc bấm máy chớp lấy hình ảnh góp phần khiến thế giới thức tỉnh về cuộc chiến tranh tàn khốc đó vẫn hiện lên rõ ràng như một thước phim quay chậm trong đầu người phóng viên ảnh kỳ cựu của hãng thông tấn AP.

Tới ngôi nhà của ông Hồ Văn Bôn – người em họ của bà Kim Phúc cũng có mặt trong bức ảnh, Nick Út và ông Bôn lại cùng nhau đưa tấm ảnh ra và nhớ lại khoảnh khắc đó.

Nhà báo Nick Út và ông Hồ Văn Bôn đang chỉ vào hình ảnh ông Bôn khi chỉ mới là một cậu bé trong bức ảnh. Ảnh: T. Hằng

Nhà báo Nick Út và ông Hồ Văn Bôn đang chỉ vào hình ảnh ông Bôn khi chỉ mới là một cậu bé trong bức ảnh. Ảnh: T. Hằng

 

img

 

Ông Hồ Văn Bôn cho xem vết sẹo từ vết bỏng năm 1972. Ảnh: T. Hằng

Ông Hồ Văn Bôn cho xem vết sẹo từ vết bỏng năm 1972. Ảnh: T. Hằng

 

“Tôi ở phía sau chị Kim Phúc, tôi nắm tay chị tôi là Hồ Thị Tung đây. Trong lúc Kim Phúc bị cháy hết quần áo, tôi đã giúp chị ấy kéo đồ ra. Đau đớn lắm” – Ông Bôn chỉ vào bức ảnh và nhớ lại.

Không cần mất thời gian đánh thức trí nhớ, Nick Út đi thẳng tới nơi đã bất chợt nhìn thấy cảnh tượng đám trẻ con chạy túa ra trong làn khói đen sau khi cả thị xã rung chuyển vì những quả bom Napalm. Nick Út kể lại: “Kim Phúc là một trong số đó, cô bé bị cháy hết quần áo, mảng da trên tay cháy tuột xuống, cô bé hét lên "Nóng quá, giúp tôi". Tôi chớp lấy khoảnh khắc đó rồi chạy tới tưới hai chai nước lên lưng Kim Phúc”.

Bức ảnh được ghi nhận chỉ trong khoảnh khắc như cái chớp mắt đó của Nick Út đã đoạt giải Pulitzer năm 1973 – một giải thưởng mà nhà báo người Mỹ gốc Việt này từng chia sẻ rằng khi hay tin đoạt giải, ông còn chưa biết giải thưởng đó là gì. Thậm chí ông không mấy mặn mà với giải thưởng bởi lẽ “buồn nếu được giải vì chụp nỗi đau đồng loại trong chiến tranh”, nhưng ông cảm thấy tự hào vì bức ảnh đó lột tả được bộ mặt chiến tranh ở Việt Nam.

Đằng sau bức ảnh cũng chứa đựng nhiều câu chuyện cảm động khác. Cũng chính Nick Út đã ngay lập tức bế Kim Phúc đến Bệnh viện Củ Chi để cứu chữa. Ông chia sẻ rằng ông đã rất sợ hãi rằng có thể cô bé không sống sót nổi, nên đã dùng thẻ nhà báo và yêu cầu bác sĩ chữa trị cho cô bé. Chính vì vậy bức ảnh không chỉ phản ánh lịch sử mà nó còn gắn bó cùng Nick Út trong cả cuộc đời ông, cũng như sự trưởng thành từng ngày của Kim Phúc.

Nhà báo gốc Việt 64 tuổi này chia sẻ ông và Kim Phúc vẫn đang giữ mối quan hệ rất thân thiết và hai người vẫn giữ thói quen liên lạc với nhau và chia sẻ cho nhau nhiều câu chuyện trong cuộc đời. “Kim Phúc mỗi khi gặp đều gọi tôi là ba xưng con” - Nick Út nói.

Quay lại nơi chốn xưa, Nick Út không quên ghé vào những ngôi nhà bên đường, gần nơi ông chụp bức ảnh năm xưa và tìm hiểu câu chuyện của họ. Dù không quen biết trước nhưng hầu như ai cũng tỏ ra xúc động khi biết chính ông là người đã chụp bức ảnh "Em bé Napalm" và coi ông như một người bạn từ xưa, người đã gắn bó một phần với mảnh đất này.

 

Nhà báo Nick Út tới đúng nơi ông đã bấm máy khoảnh khắc lịch sử năm 1972. Ảnh: T.Hằng

Nhà báo Nick Út tới đúng nơi ông đã bấm máy khoảnh khắc lịch sử năm 1972. Ảnh: T.Hằng

 

Nhà báo Nick Út trò chuyện làm quen với những cư dân mới gần nơi ông đã chụp hình trước đó. Họ bất ngờ gặp nhau ở những câu chuyện quá khứ. Ảnh: T.Hằng

Nhà báo Nick Út trò chuyện làm quen với những cư dân mới gần nơi ông đã chụp hình trước đó. Họ bất ngờ gặp nhau ở những câu chuyện quá khứ. Ảnh: T.Hằng

 

Nhà báo kỳ cựu vẫn không quên tác nghiệp. Ảnh: T. Hằng

Nhà báo kỳ cựu vẫn không quên tác nghiệp. Ảnh: T. Hằng

 

Thực ra, khi bức ảnh cô bé Kim Phúc được đưa về tòa soạn, mọi người sợ rằng nó sẽ không được dùng vì chính sách rất khắt khe của hãng thông tấn này đối với “hình khỏa thân”. Tuy nhiên, biên tập viên hình ảnh Horst Faas vốn là một cựu chiến binh đã khẳng định đây là bức hình đáng để phá bỏ luật lệ. Ông tranh luận rằng giá trị thông tin của bức hình này vượt xa mọi lo ngại về chuyện luật lệ của AP và ông đã thắng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo