Tình trạng cò du lịch, cò đặc sản, dịch vụ "chặt chém", hàng rong, xe đẩy… đã gây ác cảm cho du khách trong và ngoài nước khi đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thời gian qua. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến Đà Lạt mộng mơ vốn thân thiện, mến khách, làm say đắm lòng người.
"Liều thuốc giảm đau"
Vài ngày qua, những hình ảnh về một cơ sở lưu trú homestay ở Đà Lạt được một du khách đăng tải trên mạng xã hội Facebook tiếp tục được chia sẻ và nhận được hàng triệu lượt yêu thích. Hình ảnh ghi lại một tấm bảng nhỏ với những dòng chữ ngắn gọn nhưng chân tình, thân thiện của chủ homestay không ngờ lại có sức lay động đến vậy.
"Hôm nay cả nhà cùng nhau về quê. Nếu bạn ghé quán cứ vào ngồi chơi nha! Nếu bạn muốn mua gì cứ tự lấy nhé. Giá tiền đều có hết rồi. Có một thùng gỗ trước căn bếp nhỏ (phòng số 3), bạn để tiền vào đấy nhé! Cần gì bạn gọi tụi mình hen…" - chủ cơ sở lưu trú viết.
Hình ảnh “gây sốt” mạng xã hội ở một homestay tại Đà Lạt
"Có một Đà Lạt thật đáng yêu" là câu bình luận nhiều nhất trên mạng xã hội về những hình ảnh này. Hơn 20 năm trước, điều đó có lẽ không lạ gì ở Đà Lạt nhưng giờ đây, những dòng chữ ấy như "liều thuốc giảm đau" cho TP du lịch vốn bị tai tiếng vì tình trạng cò đặc sản, cò du lịch, dịch vụ "chặt chém" du khách nhiều năm qua.
Anh Hồ Khánh Toàn (25 tuổi, đến từ TP HCM) là tác giả của những bức ảnh "gây sốt" nêu trên. Toàn cho biết đây là những bức ảnh được anh chụp tại một homestay nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Triệu Việt Vương, TP Đà Lạt hôm 17-7.
"Tôi nghe nhiều người nói khoảng 20 năm trước, Đà Lạt rất bình yên, không trộm cắp, cò mồi, "chặt chém", người dân lại thân thiện. Thế mà bây giờ, có nhiều thứ làm ảnh hưởng đến Đà Lạt lắm… Tuy nhiên, sau những bức ảnh này, tôi cảm thấy mình đã tin yêu Đà Lạt hơn" - anh Toàn bày tỏ.
Anh Võ Thành Luân - 30 tuổi, chủ nhân homestay nơi để lại những dòng chữ đáng yêu nêu trên - cho rằng lợi thế của Đà Lạt vẫn là khí hậu mát mẻ và trong lành. Do đó, nhiều du khách từng đến, thậm chí chưa biết Đà Lạt, vẫn thiết tha với TP này. Theo anh, người ta đến Đà Lạt là để được thư thái, được ngắm những bông hoa khoe sắc dưới những con đường uốn lượn của thành phố ngàn hoa; được tản bộ bên hồ Xuân Hương trong những buổi chiều lộng gió, được tắm mình trong sương sớm hay tận hưởng những món ăn đặc trưng có nhiều rau củ quả ngon, tươi, sạch nổi tiếng...
"Tại sao Đà Lạt không níu chân du khách bằng những lợi thế đó, mà lại để cho họ than phiền nhiều? Đi bộ cũng không yên với đội ngũ bán vé số, hàng rong; lực lượng cò mồi lại lôi kéo khách đến chỗ này chỗ nọ để tham quan rồi "chặt chém"… Dù không phải là người gốc địa phương nhưng tôi muốn làm tất cả bằng tấm lòng mình vì một tình yêu Đà Lạt. Hữu xạ tự nhiên hương! Hãy để cho tiếng thơm Đà Lạt được tỏa khắp muôn nơi" - anh Luân bộc bạch.
Khôi phục "thương hiệu" Đà Lạt
Gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy "thương hiệu" Đà Lạt. Trong đó, lãnh đạo tỉnh đặc biệt lưu ý về việc xử lý dứt điểm tình trạng cò du lịch, cò đặt sản, dẹp hàng rong chèo kéo du khách. UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương, UBND các huyện - TP tăng cường theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, xuất xứ hàng hóa, sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh đặc sản, quà lưu niệm… trên địa bàn.
Tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực khôi phục hình ảnh Đà Lạt thân thiện, mến khách
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết chỉ trong quý II/2017, UBND tỉnh đã có 4 văn bản yêu cầu mạnh tay xử lý tình trạng cò mồi nhằm giữ gìn, phát huy hình ảnh Đà Lạt. Sắp tới đây, vào cuối năm 2017, TP sẽ có rất nhiều sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tiêu biểu là Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7…, đặt ra nhiều việc phải làm cho địa phương để níu chân du khách.
"Chấn chỉnh dịch vụ "chặt chém", xử lý tình trạng cò mồi là công việc thường xuyên mà Lâm Đồng thực hiện chứ không phải đến khi Thủ tướng chỉ đạo mới vào cuộc. Tuy nhiên, để tồn tại tình trạng này, lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo đồng thời phối hợp công an tỉnh và địa phương xử lý dứt điểm tình trạng cò mồi, lấy lại uy tín cho Đà Lạt" - ông Việt khẳng định.
Theo ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, để khôi phục hình ảnh Đà Lạt mộng mơ, thân thiện và mến khách, các cơ quan chức năng cần phải đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý những vi phạm gây phản cảm đối với du khách. "Trọng tâm là không để cò mồi chèo kéo và hàng rong, xe đẩy, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng... lừa đảo du khách, làm xấu hình ảnh Đà Lạt. Cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề lưu trú, tránh tình trạng nâng giá phòng quá cao, các cửa hàng "chặt chém", ép giá du khách khiến nhiều người bức xúc" - ông Trình nhấn mạnh.
Đường dây nóng cho du khách
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết sở vừa công bố đường dây nóng để du khách phản ánh khi bị cò mồi lừa đảo, chèo kéo hay bị "chặt chém".
"Du khách chỉ cần báo tin bị lừa đảo, chèo kéo ở lò mứt, vườn dâu, cơ sở… nào đó thì lực lượng chức năng sẽ đến giải quyết ngay và xử phạt nghiêm. Nếu cơ sở vi phạm nhiều lần thì cương quyết rút giấy phép kinh doanh" - bà Nguyên quả quyết.
Kỳ tới: Giữ hồn di sản
Bình luận (0)